Khi thách thức là cơ hội cho giáo dục đại học chuyển đổi số

NDO -

Đại dịch Covid-19 đã có tác động chưa từng có đối với giáo dục đại học đặt ra thách thức nhưng cũng chính là cơ hội đặt ra cho giáo dục đại học cần phải làm gì để chuyển đổi tức thời mà vẫn phù hợp với yêu cầu xã hội, đặc biệt là xã hội số hiện nay? 

Giảng viên Trường đại học Mở Hà Nội hướng dẫn thí sinh thi tuyển trực tuyến môn năng khiếu.
Giảng viên Trường đại học Mở Hà Nội hướng dẫn thí sinh thi tuyển trực tuyến môn năng khiếu.

Đó là những vấn đề được đặt ra tại hội thảo quốc tế “Chuyển đổi số và Giáo dục đại học: Khi thách thức là cơ hội” diễn ra chiều 10/9.

Hội thảo được tổ chức theo hình thức trực tuyến do Viện Quốc tế Pháp ngữ (IFI), Đại học Quốc gia Hà Nội phối hợp cùng một số trường đại học trong nước và ngoài nước tổ chức. Tham gia hội thảo là các chuyên gia, nhà khoa học, quản lý uy tín trong nước và quốc tế trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo.

Theo ban tổ chức hội thảo, đại dịch Covid-19 đã có tác động chưa từng có đối với giáo dục đại học trên toàn thế giới trong hai năm qua. Khi các trường đại học buộc phải đóng cửa, việc dạy và học chuyển sang hình thức trực tuyến, giáo viên và sinh viên phải chuyển đổi và thích ứng với việc sử dụng công nghệ hơn bao giờ hết. Vì vậy, thách thức nhưng cũng chính là cơ hội đặt ra cho giáo dục đại học cần phải làm gì để chuyển đổi tức thời nhưng vẫn phù hợp với yêu cầu xã hội, đặc biệt là xã hội số hiện nay?  

GS, TS Nguyễn Thị Mỹ Lộc (Trường đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội) cho rằng, hiện nay, toàn ngành giáo dục đã xác định ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) là một trong chín nhóm nhiệm vụ trọng tâm triển khai có hiệu quả Nghị quyết số 29-NQ/TƯ về đổi mới căn bản toàn diện giáo dục và đào tạo. Hàng loạt chính sách thúc đẩy chuyển đổi số giáo dục cũng đã được ban hành; giáo dục đại học, triển khai cơ chế đặc thù đào tạo nhân lực CNTT. Đội ngũ nhà giáo toàn ngành được huy động tham gia, đóng góp chia sẻ học liệu vào kho học liệu số toàn ngành; đóng góp lên Hệ tri thức Việt số hóa gần 5.000 bài giảng điện tử e-learning có chất lượng, gần 7.000 luận văn, ngân hàng câu hỏi trắc nghiệm với trên 31.000 câu hỏi…

Khi thách thức là cơ hội cho giáo dục đại học chuyển đổi số -0
 Các đại biểu tham luận tại hội thảo.

Tuy vậy, theo GS, TS Nguyễn Thị Mỹ Lộc chuyển đổi số ngành giáo dục hiện nay còn gặp nhiều khó khăn, tồn tại cần tiếp tục được khắc phục, hoàn thiện. Đó là  khắc phục tình trạng hạ tầng mạng, trang thiết bị CNTT (như máy tính, camera, máy in, máy quét), đường truyền, dịch vụ internet cho nhà trường, giáo viên, học sinh. Vấn đề xây dựng học liệu số (như sách điện tử, thư viện điện tử, ngân hàng câu hỏi trắc nghiệm, bài giảng điện tử, phần mềm học điện tử, phần mềm ứng dụng mô phỏng) còn phát triển tự phát, chưa đi vào nề nếp và thành hệ thống, khó kiểm soát chất lượng và nội dung học tập. Việc thu thập, chia sẻ, khai thác dữ liệu quản lý giáo dục và học liệu số cần hành lang pháp lý chung phù hợp với các quy định về bản quyền tác giả, sở hữu trí tuệ, an ninh thông tin, giao dịch điện tử và luật chia sẻ cung cấp thông tin.

“Trên cơ sở quy định pháp lý chung, cần hoàn thiện quy định chuyên ngành giáo dục, cụ thể như: Quy định chương trình học trực tuyến, thời lượng học, kiểm tra đánh giá trực tuyến, kiểm định chất lượng học trực tuyến, công nhận kết quả học trực tuyến (khác với học truyền thống); quy định điều kiện tổ chức lớp học, trường học trên môi trường mạng, kể cả ngắn hạn và dài hạn”, GS Lộc đề xuất.

PGS, TS Ngô Minh Thủy, Viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển Văn hóa, Ngôn ngữ và Giáo dục cho rằng, để bảo đảm chất lượng trong chuyển đổi số đối với giáo dục cần thực hiện lộ trình thực hiện một cách đồng bộ; đồng thời xây dựng chính sách, kế hoạch về hoạt động dạy-học trực tuyến. Tùy theo loại hình lớp học và yêu cầu của môn học, cần có những quy định phù hợp, bảo đảm tính tương tác trong giờ học và quản lý tốt giờ học. Không cực đoan hóa vấn đề chuyển đổi số đối với công tác dạy- học.

GS, TS Lê Anh Vinh, Phó Viện trưởng phụ trách Viện Khoa học giáo dục Việt Nam thì đặt vấn đề: tại sao, làm như thế nào, làm những điều gì để chuyển đổi số trong giáo dục đại học?

Theo GS, TS Lê Anh Vinh, trong nghiên cứu, đánh giá về điều gì cản trở chuyển đổi số nhiều nhất ở các giáo dục đại học thì có hai yếu tố được đưa ra là yếu tố cản trở về văn hóa và yếu tố về mặt chi phí. Sự sẵn sàng thay đổi thực tế đối với đội ngũ giảng viên, nhà trường đôi khi lại khó hơn đối với sinh viên và học sinh. Như vậy trở ngại lớn nhất không phải là về công nghệ mà trở ngại về con người có sẵn sàng đón nhận thay đổi hay không, có cởi mở với sự thay đổi hay không.

Vì vậy, theo GS, TS Lê Anh Vinh, “một trong những điều tiên quyết đối với chuyển đổi số thành công đấy là chúng ta sẵn sàng đón nhận thay đổi và chấp nhận toàn bộ đổi mới như thế nào. Giáo dục đại học của Việt Nam cần có đầu tư xứng đáng và cần có quyết tâm  với công cuộc chuyển đổi số”.

Cũng tại hội thảo, GS Ronald Strickland, (Đại học công nghệ Michigan-Hoa Kỳ); GS Vasclav Snášel (Hiệu trưởng Đại học Kỹ thuật Ostrava - Cộng hòa Séc) và nhiều diễn giả, nhà nghiên cứu trong nước và quốc tế khác đã đưa ra những nghiên cứu, đánh giá, những giải pháp và trao đổi, thảo luận về những thác thức, cơ hội cho chuyển đổi số trong giáo dục đại học...