Đến thăm các nghệ sĩ Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh (Nhà hát) vào đúng giờ tập luyện, chúng tôi cảm nhận được tình yêu nghề, niềm hăng say lao động nghệ thuật lan tỏa trong từng tiếng trống, lời ca. Họ say mê tiếng trống chầu giục giã những bước chân điêu luyện múa tuồng, những lời thoại cất vang. Không khí ấy không dễ có được trong thời điểm này, nếu người nghệ sĩ không yêu nghề. Để chương trình Hồn Việt với 60 phút biểu diễn phục vụ du khách hằng đêm, mỗi ngày, các nghệ sĩ đều luyện tập hăng say, nghiêm túc. Mặc dù đang gặp nhiều khó khăn khi tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, lượng vé bán ra không nhiều nhưng Nhà hát vẫn nỗ lực sáng đèn.
Nghệ sĩ ưu tú (NSƯT) Trần Ngọc Tuấn, Giám đốc Nhà hát cho biết: Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh là một trong bảy nhà hát truyền thống của cả nước. Hiện nay, với những khó khăn chung của hoạt động nghệ thuật truyền thống, Nhà hát vẫn nỗ lực hết mình để thực hiện song song hai nhiệm vụ là bảo tồn, phát huy nghệ thuật tuồng truyền thống và xây dựng chương trình nghệ thuật biểu diễn phục vụ người dân, du khách; đưa Nhà hát trở thành một trong những điểm đến phục vụ khách du lịch của TP Đà Nẵng. Chương trình Hồn Việt được đưa vào biểu diễn phục vụ du khách từ tháng 7-2019. Chương trình mang đậm bản sắc văn hóa truyền thống Việt Nam và vùng Quảng Nam - Đà Nẵng. Đây là một nỗ lực rất lớn nhằm góp phần bảo tồn, phát huy nghệ thuật truyền thống và đưa nghệ thuật tuồng đến gần hơn với công chúng, du khách. Nội dung và phương thức biểu diễn dựa vào nghệ thuật tuồng xứ Quảng, đồng thời lồng ghép những tiết mục nghệ thuật truyền thống đặc trưng các vùng, miền khác của Việt Nam. Trong chương trình Hồn Việt, vẫn giữ được 50% thời lượng chương trình nghệ thuật tuồng, bao gồm trích đoạn biểu diễn tuồng, hòa tấu âm nhạc tuồng, chọn một số trích đoạn hay để biểu diễn. Trong 60 phút, du khách được thưởng thức những tiết mục: Hòa tấu đàn đá “Cội nguồn”; “Ngày hội quê tôi”; Độc tấu đàn bầu; Múa Apsara “Trăng trên tháp cổ”; Trích đoạn tuồng “Nguyệt Cô hóa cáo”; Múa “Bến nước tình yêu”; Giới thiệu hóa trang các nhân vật tuồng. Nỗ lực để sân khấu sáng đèn hằng đêm, ngoài sự quan tâm, đầu tư về kinh phí của TP Đà Nẵng, còn có sự nỗ lực mỗi nghệ sĩ. Diễn viên phải sống và làm việc, cống hiến và phục vụ hết mình vì nghệ thuật.
Có ý kiến cho rằng, tuồng thì phải được xem trọn vở diễn chứ không thể xem trích đoạn, nhưng thời lượng một vở diễn phải gần hai tiếng đồng hồ, trong khi du khách khó có thể ngồi xem lâu như thế. Vì vậy, Nhà hát đã chọn lựa những trích đoạn xuất sắc nhất, hài hòa nhất để phục vụ du khách. Bên cạnh đó, Nhà hát vẫn thường xuyên mang những vở diễn dài về tận các vùng quê để phục vụ nhân dân Đà Nẵng, Quảng Nam, nhất là những vùng có tính cộng cư cao, văn hóa làng xã vẫn còn, các làng nghề truyền thống, làng chài…
Được trải nghiệm, xem các nghệ sĩ Nhà hát biểu diễn chương trình Hồn Việt, không ít khán giả là người dân Đà Nẵng đã dẫn theo con em mình ở độ tuổi thanh thiếu niên đi xem. Nhiều người nhận xét, đây là chương trình được chọn lọc đa dạng, cuốn hút người xem. 60 phút trôi qua, khi các nghệ sĩ cúi chào khán giả và nhận được những tràng vỗ tay khen ngợi của các du khách, niềm vui hiện lên khuôn mặt mọi người. Những bức ảnh lưu niệm chụp với du khách được chia sẻ trong niềm vui, trân trọng. Đó là cảm giác gần nhất, thật nhất mà chúng tôi cảm nhận được.
Hóa thân xuất sắc vai Nguyệt Cô trong trích đoạn tuồng “Nguyệt Cô hóa cáo”, NSƯT Nguyễn Thị Thanh Tiền tâm sự, chị luyện tập và gắn bó với vai diễn này trong suốt tám năm qua, dù vai Nguyệt Cô trong trích đoạn tại chương trình Hồn Việt chỉ có thời lượng tám phút, để “cháy” hết mình với vai diễn, chị nỗ lực rất nhiều, giúp khán giả có thể cảm nhận được nỗi giằng xé trong nhân vật này. Đối với người nghệ sĩ, được diễn phục vụ cho người dân, du khách là một niềm hạnh phúc. Dù mỗi đêm trong thời điểm khó khăn này, đôi khi chỉ có khoảng 5 đến 7 du khách, nhưng các nghệ sĩ vẫn “cháy” hết mình. Thanh Tiền là diễn viên con “nhà nòi”, mang trong mình dòng máu yêu nghệ thuật tuồng truyền thống từ ông bà ngoại và bố mẹ. Chị vào nghề từ năm 14 tuổi, đến giờ đã gần 30 năm. Là một trong những diễn viên có nhiều đóng góp cho nghệ thuật tuồng truyền thống Đà Nẵng, NSƯT Thanh Tiền luôn giữ cho mình ngọn lửa yêu nghề tha thiết, trái tim chị vẫn xốn xang, nước mắt vẫn rơi mỗi khi hóa thân vào vai diễn. Trăn trở về khó khăn, những mai một của nghệ thuật truyền thống trước cơn lốc của thị trường âm nhạc, giải trí hiện đại, chị xúc động nói: Làm nghệ thuật, đã dấn thân vì nghệ thuật thì người nghệ sĩ chấp nhận hy sinh vì nghề, nỗ lực vì nghề. Những cái hay, cái đẹp, cái quý giá của nghệ thuật tuồng có sức hấp dẫn rất lớn với bản thân tôi, thấm trong máu tôi. Đây là động lực, tạo sự kết nối, giúp tôi “chín” hơn trong từng vai diễn và trao truyền được cho thế hệ diễn viên trẻ kế cận những giá trị đích thực của nghệ thuật tuồng”.
Nhiều năm qua, nghệ thuật tuồng đã đến gần hơn, sát hơn với đời sống người dân Đà Nẵng. Từ năm 2017 đến nay, Nhà hát đã nỗ lực duy trì đều đặn các hoạt động “Đưa Tuồng xuống phố”, (một chương trình nghệ thuật truyền thống dạng tạp kỹ), đưa nghệ thuật tuồng vào trường học, qua đó, góp phần làm sống lại những giá trị của nghệ thuật tuồng truyền thống. Hàng trăm buổi biểu diễn đã được thực hiện, lan tỏa tình yêu của các em học sinh đến với tuồng, mang lại những giây phút lắng đọng cho người dân nhiều vùng quê khi được thưởng thức các vở tuồng nổi tiếng, qua đó, làm mới và phong phú thêm cho văn hóa, nghệ thuật Đà Nẵng. Chỉ tính năm 2019, Nhà hát đã phối hợp tổ chức biểu diễn 275 buổi, trong đó, riêng chương trình Hồn Việt 110 buổi.
Bà Nguyễn Thị Hội An, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao TP Đà Nẵng cho biết: Chương trình Hồn Việt thật sự phong phú với nhiều trích đoạn, tiết mục đặc sắc, trình độ nghệ thuật nhuần nhuyễn và bước đầu để lại ấn tượng tốt đẹp với du khách. Để đảo bảm cho việc sáng đèn nhà hát mỗi đêm, hiện nay chúng tôi đang phối hợp với Sở Du lịch quảng bá chương trình Hồn Việt đến với các hãng lữ hành, hy vọng họ sẽ đưa show diễn vào danh mục điểm đến phục vụ du khách. Ngoài việc duy trì sáng đèn sân khấu hằng đêm, phục dựng, nâng cao các vở diễn mới biểu diễn phục vụ người dân, Nhà hát còn thực hiện, duy trì đều đặn các hoạt động thường xuyên khác nhằm chủ động thu hút khán giả yêu nghệ thuật tuồng. Đã có hơn 15 đơn vị cam kết đồng hành, chia sẻ cùng với nhà hát trong việc đưa khách đến với Hồn Việt.
Nhà hát hiện nay có hơn 300 ghế, hệ thống âm thanh được trang bị tốt, phù hợp với các chương trình âm nhạc cổ điển, thính phòng. Do đó các đơn vị tổ chức loại hình âm nhạc mang tính “kén khách” thường chọn nhà hát. Khán giả đánh giá tốt về điều kiện cơ sở vật chất của Nhà hát. Với mục đích đa dạng hóa các loại hình văn hóa, nghệ thuật giải trí phục vụ người dân, du khách tại TP Đà Nẵng, đặc biệt là thể loại âm nhạc thính phòng, ngành văn hóa, thể thao Đà Nẵng tiếp tục tổ chức chuỗi chương trình hòa nhạc Danang Guitar Concert, với sự tham gia của nhiều nghệ sĩ ghi-ta tên tuổi trong và ngoài nước. Đây cũng là chương trình được giới yêu âm nhạc cổ điển và người dân Đà Nẵng mong chờ, đón nhận. Hiện TP Đà Nẵng đã ban hành Đề án phát triển Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh theo hướng bền vững, là điểm tham quan, du lịch đặc sắc của thành phố. Theo đó, triển khai lộ trình tự chủ một phần, tiến tới tự chủ hoàn toàn đối với Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh, nghiên cứu phương án xã hội hóa hoạt động biểu diễn nghệ thuật truyền thống của đơn vị này. Sự phát triển sẽ là động lực để nghệ sĩ cống hiến cho nghệ thuật, tạo điều kiện bảo tồn, duy trì đặc trưng văn hóa địa phương. Đà Nẵng đang có cuộc “lội ngược dòng” để đầu tư, phục dựng và phát huy các giá trị văn hóa, di sản. Nhưng để xây dựng được một chương trình nghệ thuật biểu diễn hằng đêm, ngoài nỗ lực của các nghệ sĩ, diễn viên, rất cần sự chung tay của các đơn vị du lịch, lữ hành tham gia kết nối, giới thiệu, đưa vào chương trình tham quan, trải nghiệm của du khách. Mặc dù còn nhiều khó khăn nhưng nỗ lực sáng đèn sân khấu đã và đang từng bước xây dựng lại thói quen thưởng thức nghệ thuật truyền thống, đưa nghệ thuật truyền thống trở lại vị trí không thể thiếu trong đời sống tinh thần người dân.