Khi nhân dân Điện Biên góp sức xây dựng nông thôn mới

Nhờ sự chủ động từ các cấp, các ngành vào cuộc tuyên truyền, vận động nên nhân dân các dân tộc trong tỉnh Điện Biên đã hiểu được ý nghĩa thiết thực chương trình xây dựng nông thôn mới, từ đó nhân dân từ vùng thấp đến vùng cao, biên giới đều tích cực hưởng ứng bằng đóng góp ngày công, nguyên vật liệu làm đường giao thông, nhà văn hóa thôn, bản và vệ sinh làng bản... Mỗi thôn, bản ở Điện Biên đang đổi thay từng ngày.
0:00 / 0:00
0:00
Nhân dân các dân tộc xã Chà Nưa, huyện Nậm Pồ (tỉnh Điện Biên) góp sức cùng dân bản Nà Sự cải tạo cảnh quan, không gian đón khách du lịch tham quan, trải nghiệm tại bản văn hóa du lịch cộng đồng.
Nhân dân các dân tộc xã Chà Nưa, huyện Nậm Pồ (tỉnh Điện Biên) góp sức cùng dân bản Nà Sự cải tạo cảnh quan, không gian đón khách du lịch tham quan, trải nghiệm tại bản văn hóa du lịch cộng đồng.

Đề cập đóng góp của nhân dân trong xây dựng nông thôn mới tại Điện Biên, ông Nguyễn Thanh Bình, Phó Chánh văn phòng điều phối nông thôn mới tỉnh Điện Biên cho biết, thay cho tư tưởng trông chờ, ỉ lại nguồn vốn hoặc đôn đốc từ các cấp chính quyền, thời gian qua đồng bào các dân tộc H’Mông, Thái, Hà Nhì, Dao… ở các huyện trong toàn tỉnh đã chủ động đóng góp công sức, nguyên vật liệu hoàn thiện các tiêu chí nông thôn mới.

Thống kê sơ bộ trong 9 tháng năm 2022, cộng đồng dân cư trong tỉnh Điện Biên đóng góp hàng trăm nghìn ngày công, hiến đất, góp nguyên vật liệu làm đường giao thông, nhà văn hóa cộng đồng xây dựng nông thôn mới với trị giá gần 3,1 tỷ đồng.

Điển hình cho sự nhiệt tình, trách nhiệm xây dựng nông thôn mới ở địa phương không thể không kể đến đóng góp của nhân dân các dân tộc huyện nghèo Nậm Pồ. Ông Bùi Văn Luyện, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Nậm Pồ, cho biết, không trông đợi vốn cấp trên phân bổ, ngay những ngày đầu năm 2022 nhân dân các bản trong toàn huyện đã chủ động họp bàn, thống nhất lựa chọn công trình ưu tiên triển khai phù hợp mong muốn chung của bà con dân bản, dựa trên các tiêu chí: thực tiễn địa bàn, điều kiện hạ tầng, nhu cầu sản xuất…

Làm theo cách đó, 9 tháng đầu năm nhân dân các dân tộc trong huyện Nậm Pồ đã đóng góp ngày công, hiện vật, hiến đất với tổng trị giá 815,5 triệu đồng. Trong đó, nhân dân bản bản Ham Xoong 2 đóng góp tiền mặt và ngày công lao động làm đường bê-tông vào bản 42 triệu đồng; nhân dân bản Nậm Chua 5 đóng góp 35 triệu đồng; nhân dân bản Nậm Ngà 1 đóng góp 35 triệu đồng, bản Nậm Ngà 2 góp 20 triệu đồng; nhân dân bản Nậm Chua 2 đóng góp 20 triệu đồng và đồng thời hiến đất xây dựng nhà văn hóa bản; nhân dân các bản thuộc xã Nà Hỳ đóng góp mua đất, san nền làm nhà văn hóa trị giá hàng triệu đồng.

“Cấp ủy, chính quyền huyện rất ghi nhận, cảm ơn sự đóng góp từ nhân dân trong chương trình xây dựng nông thôn mới. Bởi chúng tôi hiểu, bà con còn nhiều khó khăn thiếu thốn nhưng luôn sẵn lòng chung tay cùng địa phương thực hiện chương trình với ước mong xây dựng nông thôn mới Nậm Pồ ngày càng khang trang, đẹp đẽ; hạ tầng cơ sở ngày càng tốt hơn phục vụ cuộc sống, sinh hoạt của nhân dân”, ông Bùi Văn Luyện chia sẻ.

Khi nhân dân Điện Biên góp sức xây dựng nông thôn mới ảnh 1

Đồng chí Mùa A Vảng (thứ 3 từ phải sang), Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Bí thư Huyện ủy Điện Biên Đông động viên người dân bản Chóp Ly, xã Keo Lôm (huyện Điện Biên Đông) tích cực tham gia phong trào xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới.

Với huyện Điện Biên Đông, tuy cuộc sống người dân còn nhiều khó khăn song bà con các dân tộc Thái, H’Mông, Xinh Mun, Lào… cũng luôn nhiệt tình tham gia xây dựng nông thôn mới theo cách riêng.

Ông Nguyễn Trọng Huế, Trưởng phòng Nông nghiệp-Phát triển nông thôn huyện Điện Biên Đông cho biết, trong chương trình xóa nhà tạm cho hộ nghèo trên địa bàn huyện, nhân dân Điện Biên Đông góp hàng trăm nghìn công cùng rất nhiều nguyên liệu để 1.041 hộ nghèo hoàn thành làm mới, sửa nhà trong 2 tháng.

Cùng với đó, nhân dân còn tích cực tham gia 134 hoạt động tổng vệ sinh, thu gom phân loại rác thải; duy trì 12 công trình “gốc cây nở hoa”, 27 “con đường hoa”, trồng cây xanh bên đường xã, bản.

Tại xã Noong U, Chiềng Sơ, nhân dân đã đóng góp 1.835 ngày công tu sửa hơn 7km đường giao thông nội bản; khơi thông 20,8km kênh, mương, cống, rãnh; thu gom, phân loại và xử lý 0,25 tấn rác thải các loại… Có sự góp sức, ủng hộ nhiệt tình từ nhân dân cùng với nguồn lực đầu tư của Trung ương, tỉnh, huyện, đến hết tháng 9/2022, Điện Biên Đông đã có 4 xã cơ bản đạt chuẩn nông thôn mới. Trong đó, xã Mường Luân đạt 17 tiêu chí; xã Luân Giói đạt 16 tiêu chí; xã Pu Nhi đạt 17 tiêu chí; xã Na Son đạt 16 tiêu chí… Toàn huyện không còn xã nào đạt dưới 5 tiêu chí nông thôn mới.

Từ đóng góp công sức, nguyên vật liệu từ nhân dân góp phần quan trọng vào kết quả chung nâng số xã trong toàn tỉnh Điện Biên được công nhận đạt chuẩn, cơ bản đạt chuẩn lên 44 xã (chiếm 38,26% tổng số xã trên địa bàn tỉnh). Trong đó có 21 xã đạt chuẩn nông thôn mới M[1] (đạt 19/19 tiêu chí); 23 xã cơ bản đạt chuẩn nông thôn mới M[2] (đạt từ 15-18 tiêu chí). Số tiêu chí bình quân ước đạt 13,16 tiêu chí/xã; so năm 2021 tăng 0,06 tiêu chí/xã.

Cũng trong số 44 xã đã được công nhận đạt chuẩn, cơ bản đạt chuẩn nông thôn mới, có xã Thanh Hưng thuộc huyện Điện Biên hiện đã đạt 13/16 tiêu chí theo bộ tiêu chí xã nông thôn mới nâng cao.Số thôn, bản được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới và nông thôn mới kiểu mẫu là 83 thôn, bản; trong đó có 34 thôn, bản nông thôn kiểu mẫu và 49 thôn, bản nông thôn mới.

Phát huy kết quả, kinh nghiệm đạt được trong tuyên truyền thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, phấn đấu đến cuối năm 2022 Điện Biên có thêm 8 xã đạt chuẩn và cơ bản đạt chuẩn, nâng tổng số xã đạt chuẩn và cơ bản đạt chuẩn nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Điện Biên lên 52 xã; giảm tỷ lệ hộ nghèo ở khu vực nông thôn còn 37%.

Ban Chỉ đạo thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia tỉnh Điện Biên đã yêu cầu ban chỉ đạo các huyện, thị xã, thành phố và các sở, ngành tỉnh đẩy mạnh công tác tuyên truyền về xây dựng nông thôn mới; trong tuyên truyền chú trọng khơi dậy ý thức tự chủ, vươn lên trong mỗi người dân để sao cho mỗi người dân đều hiểu vai trò, tầm quan trọng cá nhân trong chương trình xây dựng nông thôn mới, để từ đó nhân dân tích cực đồng hành trên chặng đường xây dựng nông thôn mới tại địa phương trong giai đoạn hiện nay và mai sau.