Bảo tàng Áo dài trong buổi sáng 15/5 trở nên nhộn nhịp khi đông đảo du khách đến tham quan, chụp ảnh lưu niệm. Tại khu vực biểu diễn, các bạn sinh viên Trường đại học Văn hóa thành phố Hồ Chí Minh đang gấp rút tập dượt cho buổi ra mắt hai CLB Hát ru và Quan họ.
Là giảng viên, cố vấn cho hai CLB Quan họ và Hát ru, Thạc sĩ Vũ Thị Bích Duyên liên tục nhắc nhở, hướng dẫn các bạn sinh viên từng động tác để có tiết mục ra mắt trọn vẹn. Theo Thạc sĩ Vũ Thị Bích Duyên, buổi ra mắt hai CLB này nằm trong chương trình kết thúc học phần Kỹ năng hoạt động CLB của sinh viên khoa Quản lý Văn hóa Nghệ thuật, Trường đại học Văn hóa thành phố Hồ Chí Minh. CLB giúp các bạn sinh viên có thêm kỹ năng thành lập, duy trì hoạt động một CLB trong tương lai.
Thạc sĩ Vũ Thị Bích Duyên cho biết thêm, hát ru, quan họ là những loại hình nghệ thuật truyền thống đặc sắc của dân tộc ta, gắn liền với đời sống người dân từ bao đời nay. Tuy nhiên, cuộc sống hiện đại với sự phát triển đa dạng của các loại hình âm nhạc được du nhập từ phương Tây đã khiến cho hát ru, quan họ ít được người biết đến, gắn bó như trước, đặc biệt là đối với các bạn trẻ.
"Ra mắt hai CLB Hát ru, Quan họ là nỗ lực rất lớn của lãnh đạo nhà trường, lãnh đạo khoa và nhất là sự góp sức, quyết tâm của các bạn sinh viên", Thạc sĩ Vũ Thị Bích Duyên cho hay.
Ðể có buổi ra mắt hai CLB Hát ru, Quan họ, ngay từ đầu môn học, các bạn sinh viên đã được làm quen với hai loại hình nghệ thuật dân tộc này. Các bạn không chỉ tập hát, mà còn được giảng viên tạo điều kiện tham quan, giao lưu với các CLB quan họ trên địa bàn thành phố, từ đó khơi dậy tình yêu quan họ, hát ru ở các bạn trẻ.
Bùi Hữu Tài, sinh viên Khoa Quản lý Văn hóa Nghệ thuật, Trường đại học Văn hóa thành phố Hồ Chí Minh, Chủ nhiệm CLB Hát ru chia sẻ, bạn đã biết đến loại hình hát ru từ nhỏ qua lời ru của bà, của mẹ. Tuy vậy, Hữu Tài chưa bao giờ nghĩ đến việc phải tham gia CLB và gắn bó với loại hình nghệ thuật Hát ru.
"Cho đến khi tham gia học phần kỹ năng hoạt động CLB, được cô Bích Duyên cho nghe và tập hát ru thì em cảm nhận được sự độc đáo và cái hay của loại hình nghệ thuật dân tộc này. Ðây là di sản văn hóa phi vật thể đặc sắc của dân tộc mình mà những người trẻ như chúng em phải có trách nhiệm gìn giữ và phát huy", bạn Bùi Hữu Tài bày tỏ và cho biết thêm, dù tám thành viên trong CLB chỉ mới chập chững làm quen với nghệ thuật hát ru, nhưng qua thời gian tập luyện, các thành viên hy vọng sẽ hát tốt hơn, thu hút được nhiều bạn trẻ tham gia CLB.
Phan Thanh Ngộ, Chủ nhiệm CLB Quan họ cho biết, bạn và các thành viên trong CLB phải mất hơn ba tuần để tập hai bài "Mời nước, mời trầu" và ca khúc "Làng quan họ quê tôi".
"Khi nghe qua YouTube, chúng em nghĩ hát quan họ không khó lắm, đến khi bước vào tập hát thì thấy... khó thật, nhất là những nốt luyến láy", Thanh Ngộ cho biết.
Theo Thạc sĩ Vũ Thị Bích Duyên, một trong những khó khăn bước đầu khi thành lập hai CLB chính là hầu hết các thành viên đều là người miền nam, miền trung cho nên để thể hiện một làn điệu quan họ đặc trưng miền bắc thì phải tập luyện rất nhiều. "Chúng tôi phải thường xuyên hướng dẫn, cho các em tham gia nhiều buổi sinh hoạt của các CLB quan họ để các em học hỏi, cảm nhận được giai điệu, lời ca. Thời gian đầu, có thể các em chưa có niềm đam mê cháy bỏng với hát ru, quan họ, nhưng chúng tôi tin sau một thời gian sống trong những làn điệu mượt mà, truyền cảm, tình yêu, niềm đam mê của các bạn trẻ sẽ lớn dần lên", Thạc sĩ Vũ Thị Bích Duyên tâm sự...
Tham dự suốt buổi ra mắt hai CLB Hát ru và Quan họ, bà Huỳnh Ngọc Vân, Giám đốc Bảo tàng Áo dài, xúc động khẳng định đây là hai CLB trẻ nhất không chỉ vì mới thành lập mà vì các thành viên đều là sinh viên. Chính sức trẻ ấy giúp cho bà tin tưởng những di sản văn hóa phi vật thể quý báu của dân tộc sẽ không bị mai một mà tiếp tục được nuôi dưỡng, được lan tỏa trong cộng đồng.
"Bảo tàng Áo dài sẵn sàng đồng hành với các bạn trẻ, tạo điều kiện cho các bạn giao lưu với các CLB "liền anh", "liền chị" cũng như được biểu diễn phục vụ khách du lịch trong thời gian tới", bà Huỳnh Ngọc Vân chia sẻ thêm...