Mấy hôm nay chẳng dễ gì kiếm tìm giấc ngủ. Day dứt, thương cảm bởi những gì mắt thấy, tai nghe khi nhìn dòng xe máy công nhân cuồn cuộn tìm đường về quê.
Lần nào cũng vậy, cứ khi những chiếc xe máy cà tàng của hàng nghìn, thậm chí hàng chục nghìn công nhân chuẩn bị lăn bánh, trời lại đổ mưa. Thời khắc đó, có vẻ mọi người chẳng hề bận tâm những cơn mưa ào ạt, dai dẳng. Ai cũng chỉ đau đáu mong sao để đoàn xe lao đi sớm nhất, nhanh nhất, an toàn nhất. Mưa làm nặng thêm hành trang cực nhọc, ướt át, bất tiện cho trẻ em, phụ nữ mang thai và bao công nhân trai tráng cầm lái hàng trăm, hàng nghìn ki-lô-mét.
Ðói, khát, nguy cơ tai nạn giao thông và cả dịch Covid-19 rình rập trên bước đường xa xôi, gập ghềnh phía trước, vẫn không ngăn nổi quyết tâm trở về quê hương của những người mưu sinh nơi đất khách. Nỗi sợ hãi, ngột ngạt xâm lấn tinh thần bởi mấy tháng giam mình tránh dịch tại phòng trọ chật chội, cộng với kinh tế kiệt quệ càng thôi thúc họ. Chưa hẳn về quê đã là giải pháp tốt nhất về lâu dài. Nhưng giờ đây, nơi ấy là lựa chọn không thể khác, vì ít ra, “chốn chôn nhau cắt rốn” có thể mang lại hai chữ “bình yên”.
May mắn là trong nguy khó, lòng tốt, tình người luôn hiện diện. Bất chấp gió mưa, đêm tối, hàng trăm chiến sĩ công an có mặt động viên, tiếp tế, dẫn đường cho đoàn người hồi hương. Ðó còn là sự xuất hiện kịp thời của những nhà hảo tâm không quen biết, mộc mạc, chân chất tặng tiền, đồ ăn, thức uống ở ngay điểm xuất phát và các trạm dừng chân. Tất cả những việc làm nghĩa tình đó sưởi ấm lòng người trong cuộc.
Nhìn bao đứa trẻ nheo nhóc lọt thỏm giữa các túi đồ lỉnh kỉnh theo cha mẹ hồi hương; gia tài gom góp hết thảy mà vẫn chất chưa kín chiếc xe máy, nhiều người không cầm được nước mắt. Giá như thu nhập của công nhân làm thuê tốt hơn, đủ trang trải và có chút tích lũy phòng thân. Giá như vấn đề nhà ở xã hội dành cho người lao động thu nhập thấp và phúc lợi xã hội được chăm lo tốt hơn,… thì có lẽ đã hạn chế được những cuộc di cư tự phát, đầy mạo hiểm thế này.
Lãnh đạo các tỉnh Ðồng Nai, Long An, Bình Dương, TP Hồ Chí Minh… thấu hiểu những khốn khó, bức bối mà hàng triệu công nhân nhà trọ đã phải chịu đựng, trải qua sau mấy tháng thực hiện giãn cách xã hội để bảo đảm an toàn, tính mạng cho người dân trong đại dịch. Cấp ủy, chính quyền, đoàn thể địa phương và cộng đồng xã hội đã chung tay đồng hành với họ hết sức có thể.
Tôi tin, chính quyền, ngành y tế, cơ quan chức năng các địa phương mà đoàn công nhân đi qua và kể cả ở quê nhà họ, đã và sẽ có kế hoạch sẵn sàng tiếp sức, giúp đỡ họ mà không để thêm rủi ro lây lan dịch bệnh. Tôi cũng tin vì họ đã thấm nỗi đau vì dịch nên đủ ý thức và kỷ luật tuân thủ để không chất thêm lo lắng cho cộng đồng. Chỉ có trách nhiệm, tình thương, lòng tin và giải pháp khoa học, đồng bộ chứ không phải là nỗi sợ bản năng, cơ học để lập nên các hàng rào ngăn cản - mới giúp nhau vượt qua lúc khó khăn này.
Ðọc báo, thấy doanh nghiệp vận hành đã mở hầm Ðèo Cả, hầm Hải Vân… để giảm bớt khó nhọc, nguy hiểm phải vượt đèo cho nhân dân trong mưa gió, nắng lửa, đêm tối! Những suất ăn, chai xăng Không đồng dọc đường ở khắp các miền quê nơi họ đi qua đã giúp họ đỡ chút nhọc nhằn! Nhưng vẫn nghẹn lòng khi mấy hôm nay, mỗi sáng sớm lướt báo mạng, đập vào mắt là hình ảnh những phụ nữ, trẻ em lay lắt lề đường, tranh thủ gặm bánh mì, chợp mắt bên đống rác, nam công nhân trẻ dựa vào thành cầu phờ phạc, vô hồn… do các đồng nghiệp của tôi ở mọi miền đất nước chuyển tải. Sự phấn chấn trước lúc lên đường của họ giờ đây thay bằng ánh mắt ưu tư, mệt mỏi sau khi trắng đêm, liên tục dãi nắng dầm mưa bám đường...
Tạm biệt, chỉ là tạm biệt thôi… Tôi tự an ủi mình như thế, rồi lặng lẽ bước lên cây cầu vượt đón đầu dòng công nhân di cư nối dài hút mắt. Dưới làn mưa lất phất, mắt rơm rớm, tôi đưa tay lên vẫy chào, thay cho lời gửi gắm chúc họ bình an. Phía dưới, nhiều người giơ tay chào lại tôi.
Rồi đây về quê, công nhân sẽ làm gì để sống? Tương lai họ có tốt hơn lúc trước không? Ðoàn người về quê đã chấm dứt chưa hay còn tiếp tục? Tôi cứ miên man mông lung bao câu hỏi...
Hy vọng và lời chúc bình yên sẽ sớm đến với họ, sớm trở lại trên mỗi miền quê để họ nhanh chóng ổn định, lập nghiệp trên quê hương, hoặc một ngày họ quay lại mảnh đất phương nam nắng gió này như là dấu mốc về sự hồi sinh.
Viết cho những ngày đầu tháng 10 không mong muốn nhất trong cuộc đời làm báo nặng lòng với thân phận công nhân của tôi, như một cách nương náu, giải tỏa cảm xúc sau giấc ngủ chập chờn… Tôi bắt đầu ngày mới và vác máy quay ra khỏi cơ quan, mà thực lòng không muốn bắt gặp, ghi lại cảnh bịn rịn tiễn cả “rừng” công nhân lội ngược về quê thêm một lần nào nữa...