Khi Ban Quản lý di tích "tiếp tay" các vụ xâm hại di tích

Với việc phân cấp quản lý các di tích văn hóa như hiện nay, phần lớn di tích nằm trong sự quản lý của Ban Quản lý di tích cấp phường, xã, thị trấn. Biện pháp này góp phần "giảm tải" cho ngành văn hóa của thành phố, bởi trên địa bàn Hà Nội có quá nhiều di tích. Tuy nhiên, thời gian qua, nhiều vụ xâm phạm di tích xảy ra có sự "tiếp tay" của chính Ban Quản lý di tích các địa phương. Điều này cho thấy cần phải tìm một mô hình quản lý mới đối với di tích trên địa bàn.

Tấm bảng điện tử hoành tráng xâm phạm không gian cổ kính của đình - chùa Bia Bà.
Tấm bảng điện tử hoành tráng xâm phạm không gian cổ kính của đình - chùa Bia Bà.

"Bệnh" cũ lại tái diễn

Những ngày gần đây, dư luận lại "nóng" lên trước sự việc tại cụm di tích đình - chùa Bia Bà (phường La Khê, quận Hà Đông). Ngay trong khuôn viên di tích, một tấm bảng điện tử sừng sững đứng án ngữ. Tấm bảng điện tử (led) cỡ "khủng" này cao hơn ba mét, diện tích gần 20 m 2 , được lắp đặt kiên cố bên phải lối vào chính của khu di tích. Theo ông Nguyễn Thế Hoàng, Trưởng Ban Quản lý di tích La Khê, tấm bảng điện tử này do một đơn vị đóng trên địa bàn phường công đức, dùng để ghi danh những người công đức tiền của, hiện vật vào di tích, đồng thời giới thiệu thông tin về di tích. Bất kỳ ai cũng có thể nhận ra, tấm bảng điện tử này ảnh hưởng nghiêm trọng đến không gian của di tích cổ. Hiện nay, tấm bảng được tạm dừng sử dụng, nhưng trước đây, nó nhấp nháy suốt ngày đêm không khác nào tấm bảng quảng cáo. Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết, tấm bảng được lắp đặt từ cuối năm 2013, nằm trong khu vực bảo vệ cấp I (khu vực bất khả xâm phạm, theo quy định, khi xây dựng, sửa chữa phải được phép của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch). Song, nó đã được dựng lên mà không cần quan tâm đến ý kiến của các cơ quan quản lý văn hóa.

Khác với các vụ việc trước đây, cơ quan văn hóa đã nhanh chóng vào cuộc xử lý. Ngày 11-2, Phòng Văn hóa - Thông tin quận Hà Đông đã đề nghị phường La Khê cho dừng hoạt động của bảng led. Ngày 13-3, Ban Quản lý di tích danh thắng Hà Nội, Phòng Văn hóa - Thông tin quận Hà Đông tiếp tục làm việc với UBND phường La Khê, Ban Quản lý di tích La Khê một lần nữa khẳng định vị trí lắp đặt bảng led nằm trong khu vực bảo vệ cấp I, yêu cầu địa phương tháo dỡ. Chưa dừng lại ở đó, ngày 2-4, UBND quận Hà Đông chỉ đạo phường La Khê tổ chức tháo dỡ bảng led, hoàn trả nguyên trạng ban đầu... Rất nhiều văn bản được đưa ra, nhưng rồi, tấm bảng điện tử vẫn "trơ gan cùng tuế nguyệt". Ban Quản lý di tích viện cớ dỡ tấm biển sẽ gây phản ứng trong nhân dân để không thực hiện các yêu cầu, kiến nghị kể trên.

Cần có mô hình mới quản lý di tích

Liên tiếp trong thời gian qua, đã xảy ra nhiều vụ việc xâm hại di tích trên địa bàn Thủ đô như: nhà sư trụ trì tự ý đưa tượng mới vào di tích chùa Chân Long ở xã Chàng Sơn, huyện Thạch Thất; đưa tượng có phong cách ngoại lai vào chùa Bà Đá (quận Hoàn Kiếm), đưa tượng đồng, giáp đồng vào đền Phù Đổng (huyện Gia Lâm)... Điểm chung của các vụ xâm phạm này đều là đưa đồ công đức vào di tích. Trong đó, đáng chú ý nhất là vụ việc tại đền Phù Đổng và đình -chùa Bia Bà khi Ban Quản lý di tích chính là những người đồng tình "phá" di tích, bằng việc đưa trái phép hiện vật vào di tích.

Với hơn 2.000 di tích văn hóalịch sử trên địa bàn, thành phố Hà Nội đã thực hiện phân cấp quản lý. Gần đây nhất, tháng 3-2011, UBND thành phố Hà Nội tiếp tục ban hành quy định về việc phân cấp quản lý một số lĩnh vực văn hóa, xã hội. Thực hiện quy định này, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch trực tiếp quản lý 12 di tích lịch sử - văn hóa trọng điểm. Các quận, huyện, thị xã quản lý các di tích còn lại; các xã, phường, thị trấn quản lý các di tích do quận, huyện, thị xã ủy quyền (trừ các di tích đã được xếp hạng). Trên thực tế, tại mỗi xã, phường, thị trấn thường có một Ban Quản lý di tích do lãnh đạo UBND xã hoặc lãnh đạo đoàn thể làm trưởng ban. Các quận, huyện quản lý di tích trên địa bàn thông qua chính quyền và Ban Quản lý ở xã, phường, thị trấn. Do số lượng cán bộ của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng như Phòng Văn hóa -Thông tin quận, huyện có hạn, cho nên thực tế, việc quản lý các di tích gần như được "khoán" cho Ban Quản lý di tích ở các xã, phường, thị trấn. Được "khoán" như vậy cho nên tại nhiều địa phương, Ban Quản lý di tích tự cho mình quyền muốn làm gì thì làm, khiến cho khi xảy ra sai phạm, cán bộ quản lý văn hóa của quận, huyện không nắm được. Với những trường hợp mà chính quyền, ban quản lý di tích ở làng, xã đồng tình với sai phạm thì sự việc thường để lại hậu quả nghiêm trọng hơn. Trường hợp chùa Trăm Gian, sai phạm là rất lớn, nhưng Phó Chủ tịch UBND xã Tiên Phương, huyện Chương Mỹ lại đồng tình với nhà chùa trong việc phá nhà tổ và gác khánh cũ để xây mới. Tương tự như thế là sự việc đưa tượng mới vào đền Phù Đổng, xã Phù Đổng, huyện Gia Lâm. Tại cụm di tích đình - chùa La Khê, việc xây tấm bảng led cũng nhận được sự ủng hộ nhiệt tình của Ban Quản lý di tích.

Việc phân cấp quản lý đã phát huy yếu tố tích cực, bởi thành phố có quá nhiều di tích cần quản lý. Tuy nhiên, đó cũng là một trong những nguyên nhân khiến di tích bị xâm hại. Thành phố Hà Nội cần tìm một cơ chế quản lý mới, có sự kết hợp chặt chẽ hơn giữa ban quản lý di tích ở các xã, phường với cán bộ chuyên ngành văn hóa của thành phố, quận, huyện, thị xã trong bảo vệ, phát huy giá trị di tích. Nếu không sẽ khó tránh khỏi những vụ việc đáng tiếc xảy ra trong tương lai.