Khéo tuyên truyền để dân biết, dân bàn, dân cùng làm

Thời gian qua, phong trào thi đua “Dân vận khéo” được các cấp trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa tích cực triển khai với nhiều cách làm hay, sáng tạo, phù hợp điều kiện thực tiễn ở cơ sở. Kết quả đạt được giúp phong trào ngày càng lan tỏa, thu hút sự quan tâm của đông đảo cán bộ, đảng viên và nhân dân, góp phần phát huy quyền làm chủ của nhân dân, tạo môi trường ổn định để phát triển kinh tế-xã hội, tăng cường xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, củng cố niềm tin của nhân dân vào đường lối phát triển đất nước của Đảng.
0:00 / 0:00
0:00
Cán bộ và người dân thôn Linh Sơn, xã Ngọc Sơn, huyện Ngọc Lặc (Thanh Hóa) trao đổi kinh nghiệm thực hiện phong trào thi đua “Dân vận khéo”.
Cán bộ và người dân thôn Linh Sơn, xã Ngọc Sơn, huyện Ngọc Lặc (Thanh Hóa) trao đổi kinh nghiệm thực hiện phong trào thi đua “Dân vận khéo”.

Tuyên truyền, vận động bằng hành động nêu gương

Trong nội dung, chương trình công tác thường xuyên của các đảng ủy xã, phường, thị trấn ở huyện Triệu Sơn, vận động nhân dân hiến đất mở rộng đường giao thông luôn là nhiệm vụ trọng tâm, trong đó các đơn vị chú trọng trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên. Cùng với việc các đảng viên tiên phong, nêu gương, công tác dân vận tập trung vận động những hộ gia đình đã có sự đồng thuận thực hiện trước để nhân dân làm theo. Từ năm 2022 đến nay, nhân dân đã hiến hơn 58 ha đất, ước gần 1.300 tỷ đồng để thực hiện mở rộng, chỉnh trang hàng trăm ki-lô-mét đường thôn, xóm.

Cũng như nhiều địa phương trong huyện, xã Thọ Tiến ngày này so với hai năm trước đã có nhiều đổi mới. Các tuyến đường ngõ, xóm khang trang, chiều ngang được mở rộng từ 2,5-3,5m lên 6,5m, có tuyến rộng hơn 10 m. Xã có 671 hộ dân đã hiến 18.030m2 đất, tháo dỡ nhiều công trình để mở rộng gần 21 km đường huyện, xã, thôn, ngõ, xóm. Bí thư Đảng ủy xã Thọ Tiến Nguyễn Thị Thanh chia sẻ, để đạt được kết quả đó, xã đã triển khai nhiệm vụ với sự phân công công việc bài bản. Xã thành lập Ban Chỉ đạo do đồng chí Bí thư Đảng ủy xã làm trưởng ban. Thành viên là trưởng các tổ chức chính trị-xã hội, cán bộ, công chức xã. Các đồng chí được giao nhiệm vụ cụ thể gắn với kết quả cuối cùng và chịu trách nhiệm trước Ban Thường vụ Đảng ủy, Ủy ban nhân dân xã. Ban Vận động do đồng chí Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc xã làm trưởng ban, trưởng các đoàn thể chính trị, công chức địa chính là thành viên.

Ở thôn, Ban Vận động phát triển thôn do đồng chí Trưởng ban công tác Mặt trận làm trưởng ban, các thành viên đều trong Ban công tác Mặt trận và mời chi hội trưởng Hội Người cao tuổi, người có uy tín trong thôn, dòng họ tham gia. Trong các cuộc họp, sinh hoạt, các chi bộ đều nêu nội dung hiến đất mở rộng đường giao thông nông thôn để thảo luận, bàn bạc chủ trương, phương thức thực hiện.

Theo đồng chí Trần Xuân Toại, Bí thư Chi bộ thôn 5 (xã Thọ Tiến), tinh thần nêu gương của các đồng chí lãnh đạo, đảng viên được nhân dân ghi nhận, góp phần tạo sự đồng thuận, quyết tâm. Chẳng những tiên phong tháo dỡ lùi hàng rào, hiến đất vì việc chung, các đồng chí Bí thư Đảng ủy xã, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã và cán bộ, công chức, thành viên các Ban Vận động phát triển thôn luôn sát cánh cùng người dân. Các thôn khi xây dựng kế hoạch, chọn các tuyến đường để mở rộng đã có sự đồng thuận cao của nhân dân để làm trước. Nơi nào người dân còn băn khoăn, đồng thuận chưa cao, Ban Vận động phát triển thôn tiếp tục phối hợp người có uy tín trong thôn, dòng họ để kiên trì vận động, thuyết phục. Hằng tuần họp để rút kinh nghiệm, kịp thời tháo gỡ vướng mắc, khó khăn, biểu dương những cá nhân, gia đình làm tốt.

Đồng chí Lê Tiến Dũng, Trưởng Ban Dân vận Huyện ủy, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc huyện Triệu Sơn cho biết, những năm qua, huyện luôn gắn nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới với kế hoạch xây dựng, sửa chữa, nâng cấp đường giao thông. Tuy nhiên, nhiều tuyến đường qua thời gian sử dụng đã xuống cấp nhanh, mặt đường hẹp, ảnh hưởng giao thông đi lại, kết nối giao thương, trao đổi hàng hóa. Đánh giá thực tiễn, xác định nhiệm vụ, Huyện ủy Triệu Sơn đã ban hành Nghị quyết số 12-NQ/HU và Đề án số 02 về tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo vận động nhân dân hiến đất để mở rộng giao thông nông thôn trên địa bàn giai đoạn 2022-2025.

Khéo tuyên truyền để dân biết, dân bàn, dân cùng làm ảnh 1

Mô hình Dân vận khéo chuyển đổi từ cây lúa sang trồng đào, quất mang lại hiệu quả kinh tế tại xã Hợp Lý, huyện Triệu Sơn (Thanh Hóa) đang được nhân rộng.

Thúc đẩy tinh thần chủ động, tự lực của nhân dân

Xác định phát triển nông nghiệp công nghệ cao, mở rộng sản xuất theo hướng hiện đại, năm 2019, huyện Ngọc Lặc quyết định thực hiện việc tích tụ, tập trung đất đai, từng bước nhân rộng những mô hình điểm, đạt hiệu quả cao trên địa bàn. Hiện tại, huyện có gần 3.000 ha đất nông nghiệp tích tụ, đã ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất với những mô hình như: trồng dưa kim hoàng hậu, cây dược liệu ở xã Kiên Thọ, trồng măng tây ở các xã Ngọc Liên, Minh Sơn… Các mô hình này đã và đang được huyện tuyên truyền, vận động nhân dân các xã tham gia, cùng đó thiết thực khuyến khích bằng các chính sách như cho vay vốn phát triển, hỗ trợ quảng bá sản phẩm, phát triển hình ảnh sản phẩm OCOP nhằm thúc đẩy kinh tế địa phương phát triển nhanh, bền vững.

Sau khi tham quan, học hỏi mô hình ở nhiều hộ gia đình, anh Lương Văn Tưởng ở thôn Đức Thịnh, xã Kiên Thọ đã mạnh dạn chuyển đổi 4 ha đất đồi trồng cây nông nghiệp ngắn ngày sang trồng cam canh. Năm qua, gia đình anh thu hoạch 15 tấn cam chất lượng cao, bán ngay tại vườn, thu lãi 400 triệu đồng. Anh Tưởng chia sẻ, có ý định thuê đất để mở rộng diện tích trồng cam, xúc tiến xây dựng mã số vùng trồng đạt tiêu chuẩn xuất khẩu.

Chị Lê Thị Thảo ở thôn Thành Công, xã Kiên Thọ cho biết, trước kia, gia đình chủ yếu canh tác theo phương thức truyền thống, hiệu quả thấp, chịu nhiều rủi ro của thời tiết. Được cán bộ ngành nông nghiệp và cán bộ các cấp động viên, hướng dẫn, giúp đỡ, gia đình chị chuyển đổi 2 ha sang trồng dưa theo hệ thống nhà màng. Nhờ áp dụng khoa học-kỹ thuật và thực hiện đúng quy trình sản xuất, cây sinh trưởng, phát triển tốt, có vụ chỉ hơn 2 tháng là cho thu hoạch. Bình quân mỗi vụ, gia đình thu hoạch khoảng 3 tấn quả, lãi hơn 200 triệu đồng. Theo Chủ tịch Hội Nông dân huyện Ngọc Lặc Vũ Văn Long, thời gian tới, cùng với nhân rộng các mô hình sản xuất ứng dụng công nghệ cao, huyện vận động người dân phát triển kinh tế tập thể, xây dựng các tổ hợp tác, hợp tác xã, đưa kỹ thuật số vào canh tác và chuyển giao, đưa sản phẩm nông nghiệp lên sàn thương mại điện tử...

Theo đánh giá của Tỉnh ủy Thanh Hóa, phong trào thi đua “Dân vận khéo” thời gian qua đã được cấp ủy, chính quyền các cấp tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai đồng bộ với những mục tiêu cụ thể, thiết thực nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội địa phương, từng bước nâng cao đời sống của người dân. Giai đoạn 2021-2023, toàn tỉnh đã xây dựng và nhân rộng được 8.419 mô hình, điển hình “Dân vận khéo” trên tất cả các lĩnh vực. Tuy nhiên, thực tiễn cho thấy còn có hạn chế như một số cấp ủy, chính quyền, người đứng đầu địa phương, cơ quan, đơn vị chưa quan tâm đúng mức, ít kiểm tra đôn đốc, uốn nắn, định hướng và tạo điều kiện tốt để thực hiện phong trào. Do vậy, số lượng mô hình, điển hình tuy có tăng nhưng chất lượng chưa được như mong muốn.

Thời gian tới, để nâng cao hiệu quả phong trào thi đua Dân vận khéo, tỉnh đã đề ra nhiều giải pháp; trong đó chú trọng tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc của các cấp ủy đảng, sự chỉ đạo tổ chức thực hiện của chính quyền các cấp và công tác tham mưu, hướng dẫn, tuyên truyền, vận động của hệ thống dân vận, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị-xã hội. Tỉnh sẽ quan tâm chỉ đạo việc tổng kết, đánh giá phương pháp thực hiện, cách làm, những nội dung đổi mới, sáng tạo để kịp thời định hướng, chỉ đạo điều chỉnh, bổ sung phù hợp thực tiễn, góp phần thúc đẩy mạnh mẽ khát vọng phát triển và tinh thần chủ động, sáng tạo, cống hiến của cán bộ, đảng viên và nhân dân trên địa bàn.