Vùng đất Tháp Mười không chỉ giàu truyền thống cách mạng, vượt khó, mà những con người nơi đây luôn có ý chí phấn đấu để xây dựng quê hương ngày một đổi mới.
Xã nông thôn mới đầu tiên
Trên cánh đồng canh tác lúa lý tưởng của xã Mỹ Đông đang chuẩn bị bước vào vụ thu hoạch, trước mắt chúng tôi là con đường nội đồng với tiếng xe gặt đập liên hợp, tiếng cười nói xôn xao cả làng quê. Trước đây, để xe gặt đập liên hợp đến được tận các cánh đồng thu hoạch lúa, do đường nhỏ hẹp, bà con nông dân chỉ còn cách dùng phà đưa xe vào tận đồng, do đó chi phí sản xuất “đội” lên cao.
“Trước đây, các tuyến đường nội đồng hoang sơ lắm. Xã vận động bà con phát hoang trước, rồi đắp nền để bảo đảm đường ngang từ 3m trở lên, xe gặt đập liên hợp chạy được. Sau đó, xã trích kinh phí và vận động bà con “hùn” tiền để mua đá rải tuyến đường nội đồng. Các đồng chí Đảng ủy, Ủy ban nhân dân xã nếu không bận họp thì xuống đường cùng cầm len, cầm cuốc làm với bà con. Làm đường xong đoạn nào thì ở lại ăn cơm trưa cùng bà con để chiều làm tiếp”, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Mỹ Đông, Nguyễn Thanh Hòa, cho biết.
Nhờ sự đồng thuận của người dân mà từ năm 2019 đến nay, đường nội đồng ở xã Mỹ Đông đã rải đá được hơn chục km. Sau đó, nhiều tuyến đường đã được lót đan, giúp bà con vận chuyển phân, lúa giống, xe thu hoạch lúa dễ dàng, từ đó giúp giảm giá thành sản xuất.
Trên các tuyến lộ nông thôn, ngoài những con đường được nhựa hóa, bê-tông hóa, còn có những hàng cây, cổng rào và cả những nhành hoa hoàng yến, hoa sao nhái trải dài đua nhau khoe sắc. Chính bà con nơi đây đã làm con đường đẹp hơn bằng đôi bàn tay của mình.
Anh Mai Văn Tuấn, ngụ ấp 5, xã Mỹ Đông chia sẻ: “Trước đây lộ đất đi lại rất khó khăn. Mùa mưa phải gửi xe nhà người quen ngoài đường lộ lớn, dùng xuồng chở 2 con ra lấy xe để đến trường rất vất vả. Khi biết sẽ làm đường, dân ở đây vui lắm, mỗi người cùng nhau đóng góp để cùng chính quyền mua vật liệu xây dựng. Có đường xá ngon lành, chúng tôi cùng nhau trồng hoa ven tuyến và chăm sóc để đường đẹp hơn”.
Xây dựng nông thôn mới nâng cao chưa trọn năm, Mỹ Đông đã vận động người dân hiến đất, cất nhà tình thương, góp tiền xây dựng cầu, lộ nông thôn, tổng kinh phí gần 1,3 tỷ đồng. Không có con đường nào, chiếc cầu nào được xây lên mà không có sự chung tay của bà con.
Mỹ Đông là xã cán đích đầu tiên trong phong trào xây dựng nông thôn mới của Tháp Mười vào năm 2014. Theo thống kê, xã đã đạt tiêu chí thu nhập, chỉ chờ tỉnh thẩm định. Nếu được đánh giá đạt tiêu chí này thì Mỹ Đông cũng là xã đầu tiên cán đích xã nông thôn mới nâng cao.
Mỹ Đông có 5 ấp, với gần 8.000 nhân khẩu. Toàn xã có 4 hợp tác xã, 1 tổ hợp tác phục vụ 100% diện tích đất sản xuất. Xây dựng nông thôn mới nâng cao, Mỹ Đông thực hiện hiệu quả quy hoạch và kế hoạch phát triển sản xuất hàng hóa chủ lực của xã gắn với tái cơ cấu nông nghiệp. Địa phương chọn lúa là cây chủ lực trong nông nghiệp, đặc biệt là lúa giống; các hợp tác xã liên kết được 6 công ty lớn, hầu hết là các công ty bao tiêu toàn diện tích. Toàn xã có 6 ô bao, được tưới tiêu hoàn toàn bằng máy bơm, ứng dụng một số công nghệ tiến bộ như tưới tiêu tự động, cảm biến sâu rầy… từ đó làm giảm giá thành sản xuất, nâng giá trị sản phẩm.
Quyết liệt thực hiện lộ trình đề ra
Trong quá xây dựng nông thôn mới nâng cao ở Mỹ Đông, không phải tất cả tiêu chí đều đạt một cách dễ dàng, trong đó tiêu chí môi trường là khó nhất. Qua 1 năm tuyên truyền vận động đã có sự chuyển biến nhận thức trong dân. Từ đó, xây dựng các mô hình như thu gom rác thải nông nghiệp, sinh hoạt. Mỗi mô hình đều có chương trình riêng và phân công người thực hiện.
“Có lẽ cái được nhất hiện giờ là người dân được thụ hưởng kết quả xây dựng nông thôn mới. Xã xây dựng nông thôn mới nâng cao với mong muốn là nơi đáng sống, nơi lý tưởng để phát triển mọi mặt đời sống, bảo đảm xứng đáng với nông thôn mới nâng cao”, đồng chí Nguyễn Thanh Hòa khẳng định.
Một điều dễ nhận thấy trong quá trình xây dựng nông thôn mới ở Tháp Mười là người dân rất có niềm tin vào chính quyền, thông qua sự chung sức, đồng lòng. Chính điều đó càng hun đúc tinh thần quyết liệt hơn nữa trong xây dựng nông thôn mới nâng cao của huyện.
Năm 2019 huyện Tháp Mười đạt chuẩn nông thôn mới, sớm hơn một năm so với Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện đề ra. Để nâng cao chất lượng tiêu chí nông thôn, rút ngắn khoảng cách đời sống người dân nông thôn - thành thị, huyện bắt tay ngay vào xây dựng nông thôn mới nâng cao. Định hướng đến năm 2025, phấn đấu đạt chuẩn huyện nông thôn mới nâng cao. Về lộ trình, huyện xem đây là thách thức, vì để đạt chuẩn thì phải có ít nhất 50% xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Như vậy ít nhất phải có 7/13 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và đạt được thêm các tiêu chí cấp huyện.
Tháp Mười cũng đã chia các lộ trình thực hiện để đến năm 2024 chuẩn bị hoàn thiện hồ sơ đề nghị xét, công nhận huyện hoàn thành xây dựng nông thôn mới nâng cao. Theo đó, mỗi năm huyện đạt ít nhất 2 xã nông thôn mới nâng cao. Dựa vào điều kiện cụ thể của từng địa phương mà phân chia lộ trình để mang tính định hướng. Tất nhiên, vẫn trên tinh thần phát động phong trào thi đua xã nào có sự bứt phá thì đầu tư nguồn lực để xã đó về đích trước.
Huyện đang tạm định hướng năm 2020 và 2021 là 2 xã Mỹ Đông và Thanh Mỹ; năm 2022 là 2 xã Mỹ An, Đốc Binh Kiều… Theo Bí thư Huyện ủy Tháp Mười, Nguyễn Văn Vũ Minh, đối với các xã khác, nếu xã nào có sự bứt phá trong vấn đề lãnh đạo, thực hiện nhiệm vụ thì có thể đầu tư để tăng tốc trước, chứ không nhất thiết là trên cơ sở các xã đã định hướng rồi thì các xã khác buông lơi, mà luôn cho cơ hội phấn đấu. Muốn vậy phải phát huy được sức dân. Người dân chỗ nào làm tốt, có khát vọng cao thì nguồn lực sẽ tập trung để kích hoạt xã đó.
Để thực hiện đạt hiệu quả lộ trình xây dựng huyện nông thôn mới nâng cao, đồng chí Nguyễn Văn Vũ Minh cho rằng, đối với huyện, mục tiêu xây dựng nông thôn mới nâng cao đòi hỏi phải phát huy năng lực của cả các cấp ủy đảng trong vấn đề đổi mới phương thức lãnh đạo và quyết tâm chính trị, cũng như vai trò chủ thể của người dân.
Trong xây dựng huyện nông thôn mới nâng cao, điều mà Tháp Mười lo nhất là tiêu chí thu nhập, đây là tiêu chí thách thức lớn nhất trong các tiêu chí của huyện; ngoài ra, còn có tiêu chí về môi trường, an ninh trật tự. Chính vì lẽ đó mà Tháp Mười đề ra xã nào thực hiện 3 tiêu chí trên tốt, thì chọn để xây dựng mô hình điểm, nhân rộng các xã khác hưởng ứng thực hiện. Qua đây cho thấy, Tháp Mười vừa có định hướng trọng tâm, vừa có cơ chế để tạo động lực cho các xã thi đua.
Để nâng cao thu nhập người dân, đồng chí Nguyễn Văn Vũ Minh cho biết, với thế mạnh của địa phương, huyện đang tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Bên cạnh ngành hàng lúa gạo, huyện đã mời doanh nghiệp lớn ở đồng bằng sông Cửu Long thu mua trái cây để bao tiêu sản phẩm cho trái mít ở Tháp Mười; tiến tới xây dựng vùng nguyên liệu và nhà máy của doanh nghiệp thu mua mít đặt tại huyện, từ đó tạo được chuỗi giá trị của trái mít.
Về phát triển công nghiệp, thương mại, đô thị, huyện tăng đào tạo việc làm cho người dân nông thôn, từ đó có thể tạo điều kiện đạt tiêu chí thu nhập tổng thể. Khu công nghiệp Tân Kiều sắp tới sẽ giải phóng mặt bằng, đi vào hoạt động; cụm công nghiệp Trường Xuân khi được kích hoạt có khả năng giải quyết việc làm cho hơn 20 nghìn lao động. Đây là lợi thế cho người dân khu vực nông thôn có thể tăng thu nhập nhờ công ăn việc làm ổn định. Mục tiêu huyện đặt ra đến năm 2025 là thu nhập bình quân đạt 80 triệu đồng/người/năm.
Trong xây dựng nông thôn mới nâng cao, huyện đề ra giải pháp tổng thể. Tiêu chí nào khó thì có kế hoạch chuyên đề để tháo gỡ khó khăn và phải có mục đích hướng đến kết quả đạt được của tiêu chí đó. Thí dụ như tiêu chí môi trường phải có bài toán giải quyết môi trường.
“Huyện cũng đưa ra giải pháp xây dựng hệ thống chính trị cơ sở, từ Mặt trận, các tổ chức chính trị xã hội cơ sở, chi bộ, đặc biệt là chi bộ ở từng địa phương, phải đủ sức để lãnh đạo các tiêu chí nông thôn mới. Qua đó, đưa các tiêu chí vào chương trình hành động của chi ủy để địa phương mình phải làm được, bám từng tiêu chí cụ thể”, đồng chí Nguyễn Văn Vũ Minh cho biết.
Dù còn không ít khó khăn, nhưng với truyền thống đoàn kết, khát vọng trong dân, cùng với tinh thần quyết liệt, hiệu quả trong chỉ đạo, điều hành, tin rằng Tháp Mười sẽ đạt được nhiều thắng lợi trong thực hiện xây dựng nông thôn mới nâng cao, xứng đáng là huyện cửa ngõ của tỉnh.