Khát vọng vươn lên trong thời kỳ mới

"Phát huy những thành tựu đã đạt được, ra sức khắc phục mọi khó khăn, hạn chế; dám nghĩ, dám làm và dám chịu trách nhiệm vì lợi ích của nhân dân, Đảng bộ, chính quyền tỉnh Bạc Liêu đang rất nỗ lực với khát vọng vươn lên mạnh mẽ trong thời kỳ mới", đồng chí Phạm Văn Thiều, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bạc Liêu đã nhấn mạnh như vậy trong cuộc trò chuyện với phóng viên Báo Nhân Dân.
0:00 / 0:00
0:00
Lãnh đạo chủ chốt tỉnh Bạc Liêu thường xuyên xuống cơ sở, kịp thời tháo gỡ vướng mắc của nhân dân. (Ảnh MINH ĐẠT)
Lãnh đạo chủ chốt tỉnh Bạc Liêu thường xuyên xuống cơ sở, kịp thời tháo gỡ vướng mắc của nhân dân. (Ảnh MINH ĐẠT)

Phóng viên: Những năm gần đây, nhất là từ sau Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII và Đại hội Đảng bộ tỉnh Bạc Liêu lần thứ 16 (nhiệm kỳ 2020-2025) đến nay, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Bạc Liêu đã có nhiều nỗ lực và đạt những thành tựu bước đầu đáng mừng. Đồng chí cho biết rõ hơn những kết quả, thành tựu nổi bật của tỉnh?

Đồng chí Phạm Văn Thiều: Từ sau Đại hội Đảng bộ tỉnh Bạc Liêu lần thứ 16 (nhiệm kỳ 2020-2025) đến nay, vượt qua những thách thức từ tình hình thực tiễn khách quan, nhất là đại dịch Covid-19 và những biến động phức tạp, khó lường từ tình hình thế giới, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Bạc Liêu đã nhanh chóng triển khai thực hiện và sớm đưa Nghị quyết Đại hội Đảng vào cuộc sống với quyết tâm chính trị rất cao.

Mặt khác, được sự quan tâm chỉ đạo, hỗ trợ kịp thời của Trung ương, tình hình kinh tế-xã hội của Bạc Liêu có bước phát triển rất đáng mừng trên nhiều lĩnh vực.

Cụ thể, tốc độ tăng trưởng kinh tế trên địa bàn tỉnh bình quân giai đoạn 2020-2022 tăng hơn 7%/năm. Trong đó, năm 2021, tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh đạt hơn 5%, đứng hàng đầu các tỉnh, thành phố vùng đồng bằng sông Cửu Long. Năm 2022, tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh Bạc Liêu đạt 9,6%, đứng thứ 4/13 tỉnh, thành phố vùng đồng bằng sông Cửu Long...

Ngành nông nghiệp của Bạc Liêu đã chuyển từ sản xuất theo chiều rộng sang chiều sâu với nhiều mô hình ứng dụng công nghệ cao, phát triển mạnh mẽ cả về quy mô, năng suất đầu tư trên mỗi đơn vị diện tích. Mô hình nuôi tôm siêu thâm canh, thâm canh được đẩy mạnh, từng bước tạo nền tảng vững chắc để xây dựng Bạc Liêu thành trung tâm ngành công nghiệp tôm của cả nước.

Đến nay, tỉnh đã hoàn thành hạ tầng giai đoạn 1 dự án Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phát triển tôm Bạc Liêu, đang triển khai đầu tư hạ tầng giai đoạn 2 của dự án. Tổng sản lượng nuôi trồng và khai thác thủy sản tăng từ 381.000 tấn năm 2020 lên 460.960 tấn trong năm 2022, tăng bình quân gần 10%/năm.

Các dự án phát triển năng lượng sạch, năng lượng tái tạo được quan tâm đầu tư, từng bước xây dựng Bạc Liêu trở thành trung tâm năng lượng sạch, năng lượng tái tạo của cả nước. Đến nay, toàn tỉnh đã có 8 dự án điện gió đưa vào vận hành với tổng công suất 469,2MW.

Đặc biệt, tỉnh đã mời gọi, thu hút được dự án Nhà máy Nhiệt điện khí tự nhiên hóa lỏng (LNG), công suất 3.200MW, tổng vốn đầu tư 4 tỷ USD. Hiện, nhà đầu tư đang khẩn trương triển khai các thủ tục liên quan để thực hiện dự án.

Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của tỉnh đến cuối năm 2022 đạt 853,16 triệu USD, tăng 8,7% so với năm 2020. Tổng lượng khách du lịch đến tỉnh Bạc Liêu năm 2022 tăng hơn 1,7 lần và tổng doanh thu tăng hơn 1,8 lần so với năm 2020. Thu ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh đều tăng qua các năm và vượt dự toán được giao (năm 2021 đạt 4.073 tỷ đồng, năm 2022 đạt 4.258,9 tỷ đồng).

Công tác xây dựng nông thôn mới luôn được quan tâm đẩy mạnh thực hiện và đạt được kết quả nổi bật. Đến cuối năm 2021, toàn tỉnh có 100% số xã đạt chuẩn nông thôn mới; hiện có 15 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; ba xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu; huyện Phước Long và thành phố Bạc Liêu đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.

Việc chăm lo cho các gia đình chính sách, người có công, công tác giảm nghèo và an sinh xã hội đạt kết quả nổi bật; cơ bản hoàn thành chương trình hỗ trợ nhà ở cho gia đình chính sách, người có công. Đời sống vật chất, tinh thần của người dân được nâng lên, tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh năm 2022 giảm còn 3,19%...

Phóng viên: Với tinh thần nhìn thẳng, nói thật và ý thức trách nhiệm cao trước Đảng bộ và nhân dân, xin đồng chí có thể cho biết, bên cạnh những thành tựu nổi bật đã đạt được, Bạc Liêu hiện còn gặp những khó khăn, vướng mắc và những hạn chế gì cần quyết tâm cao hơn nữa để thật sự tạo chuyển biến mới về nhiều mặt?

Đồng chí Phạm Văn Thiều: Bên cạnh những thành tựu đạt được, Bạc Liêu hiện còn không ít khó khăn, hạn chế. Đó là: Tốc độ tăng trưởng kinh tế tăng khá, song vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế, chưa tạo được sự bứt phá về phát triển kinh tế, nhất là phát triển công nghiệp, dịch vụ, du lịch; chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế còn thấp, cơ cấu kinh tế chuyển dịch còn chậm. Các doanh nghiệp trong tỉnh hầu hết có quy mô nhỏ và vừa, năng lực cạnh tranh thấp; thu hút đầu tư chưa đạt kết quả như mong muốn; nguồn nhân lực chất lượng cao còn thiếu.

Cùng với đó, kết cấu hạ tầng chưa đáp ứng yêu cầu phát triển, đặc biệt là ứng phó với biến đổi khí hậu và nước biển dâng. Tình trạng xâm nhập mặn và sạt lở bờ sông, ven biển còn xảy ra nghiêm trọng. Hệ thống giao thông đang được tập trung đầu tư nhưng do nguồn lực hạn chế nên chưa được đầu tư đồng bộ, hoàn chỉnh. Một số công trình, dự án chưa thực hiện được do thiếu nguồn lực...

Phóng viên: Nhằm thực hiện thắng lợi Nghị quyết của Trung ương Đảng và Nghị quyết của Đảng bộ tỉnh, nhất là với tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm trước Đảng và nhân dân, từ nay đến hết nhiệm kỳ, lãnh đạo tỉnh có chủ trương và những việc làm quyết liệt như thế nào nhằm đưa Bạc Liêu sớm vươn lên mạnh mẽ, đáp ứng sự kỳ vọng của Đảng bộ và nhân dân, thưa đồng chí?

Đồng chí Phạm Văn Thiều: Nhằm thực hiện thắng lợi Nghị quyết của Trung ương Đảng và Nghị quyết của Đảng bộ tỉnh Bạc Liêu lần thứ 16 (nhiệm kỳ 2020-2025), Thường trực Tỉnh ủy và Thường trực Ủy ban nhân dân tỉnh đã và đang rất quyết liệt thực hiện các nghị quyết, chương trình hành động mà Đảng bộ tỉnh đã đề ra. Hiện nay, các cấp ủy đảng, chính quyền trong tỉnh đang tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện thật tốt công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh.

Thực tế cho thấy, năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng và đội ngũ cán bộ, đảng viên được nâng lên. Tỉnh không ngừng chấn chỉnh kỷ luật, kỷ cương, nâng cao tinh thần trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhất là trách nhiệm nêu gương của người đứng đầu. Tác phong, lề lối làm việc có nhiều đổi mới. Tinh thần, thái độ phục vụ nhân dân của cán bộ, công chức, viên chức ngày càng tốt hơn.

Có thể khẳng định, từ sau Đại hội Đảng bộ tỉnh Bạc Liêu lần thứ 16 đến nay, bước đầu, Bạc Liêu có bước phát triển đáng ghi nhận, diện mạo tươi sáng hơn. Bộ mặt từ thành thị đến các vùng nông thôn, vùng ven biển có nhiều khởi sắc; tiếp thêm sinh khí mới, niềm tin cho Đảng bộ và nhân dân trong tỉnh phấn đấu cao hơn trong những năm tiếp theo.

Tuy nhiên, cũng thẳng thắn nhìn nhận rằng, Bạc Liêu vẫn còn không ít khó khăn, thách thức như: Kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội còn yếu, chưa đồng bộ; chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh thấp; nguồn nhân lực chất lượng cao chưa đáp ứng yêu cầu phát triển; đời sống của một bộ phận người dân còn khó khăn.

Đáng lưu ý, Bạc Liêu hiện là một trong những tỉnh vùng đồng bằng sông Cửu Long chịu tác động của biến đổi khí hậu khá nặng nề, ảnh hưởng không nhỏ đến sản xuất, đời sống của nhân dân...

Trước những khó khăn, thách thức đó, đòi hỏi trong thời gian tới Đảng bộ, quân và dân Bạc Liêu phải tiếp tục đoàn kết, nỗ lực phấn đấu vượt qua, đưa kinh tế của tỉnh phát triển nhanh, bền vững hơn. Tỉnh cần tập trung phát triển kinh tế nhanh, bền vững gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh.

Tiếp tục triển khai thực hiện đề án cơ cấu lại ngành nông nghiệp với trọng tâm là phát triển chuỗi giá trị ngành tôm. Đẩy nhanh tiến độ và hoàn thành dự án xây dựng Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phát triển tôm Bạc Liêu. Triển khai xây dựng "Đề án xây dựng Bạc Liêu trở thành trung tâm ngành công nghiệp tôm cả nước".

Tập trung phát triển các ngành công nghiệp có tiềm năng, thế mạnh của tỉnh, nhất là phát triển nguồn năng lượng tái tạo (điện gió, điện mặt trời) và điện khí. Đồng thời, tích cực phối hợp ngành điện đẩy nhanh tiến độ thực hiện công trình đường dây và trạm biến áp cao thế phục vụ đấu nối các dự án điện gió, điện mặt trời và điện khí.

Tiếp tục đẩy mạnh phát triển du lịch Bạc Liêu trở thành ngành kinh tế quan trọng, chiếm tỷ trọng cao trong cơ cấu nền kinh tế của tỉnh; chú trọng phát triển doanh nghiệp du lịch. Thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp cải thiện môi trường đầu tư, môi trường sản xuất, kinh doanh. Tập trung đẩy mạnh cải cách hành chính, nhất là thủ tục hành chính, liên quan đến doanh nghiệp và người dân theo hướng tinh gọn, minh bạch, công khai.

Tiến hành đồng bộ các cơ chế, chính sách, giải pháp phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao trong các ngành, lĩnh vực chủ yếu. Thực hiện tốt chính sách thu hút, sử dụng, bồi dưỡng nhân tài, khuyến khích tài năng.

Đẩy mạnh ứng dụng khoa học và công nghệ vào các lĩnh vực. Chủ động tham gia tích cực và có hiệu quả cách mạng công nghiệp lần thứ tư, coi đó là một nhiệm vụ trọng tâm. Thực hiện tốt chính sách xã hội, giải quyết hài hòa các mối quan hệ xã hội, bảo đảm ổn định và phát triển kinh tế-xã hội bền vững.

Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn đồng chí!