Từ ngày 29 đến 31-5, 73 nghìn học sinh lớp 12 của các trường THPT (khối công lập và khối ngoài công lập) và các trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên trên địa bàn Hà Nội đã làm bài khảo sát chất lượng đợt một các môn Toán, tiếng Anh và một tổ hợp các môn tự chọn. Ðây là lần đầu Sở Giáo dục và Ðào tạo (GD và ÐT) Hà Nội kiểm tra trực tuyến với toàn bộ học sinh lớp 12 ở thành phố. Thông qua kỳ kiểm tra này, học sinh tự rút ra được kinh nghiệm trong việc làm bài, xác định được những phần kiến thức còn yếu, cần khắc phục. Việc kiểm tra được thông báo rộng rãi để cha mẹ học sinh cùng tham gia giám sát việc các con làm bài tại nhà, qua đó, phối hợp nhà trường giáo dục học sinh nhằm đạt kết quả tốt nhất trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020.
Qua quá trình làm bài khảo sát chất lượng trên máy tính, một số trục trặc đã được học sinh phản ánh với nhà trường. Về đề thi, học sinh phát hiện một số lỗi phông chữ khiến các em không hiểu hết được nội dung của đề. Ngoài ra, do trục trặc và lỗi trên hệ thống, khi một số học sinh đã đăng nhập đúng và đầy đủ thông tin, nhưng hệ thống vẫn báo “đang thi kỳ thi này ở một thiết bị khác”.
Nguyễn Hương Lan, học sinh lớp 12 trường THPT Ðống Ða (quận Ðống Ða) cho biết, mặc dù em đã đăng nhập để làm bài thi, nhưng lại được thông báo hệ thống đang “bảo trì”, “nâng cấp”... không thể truy cập làm đề thi trong thời gian đầu của môn Toán. Còn bạn của em, sau khi hoàn thành bài kiểm tra, lại được hệ thống báo “tài khoản này chưa đăng nhập để làm bài”...
Hiệu trưởng Trường THPT Lý Thường Kiệt (quận Long Biên) Dương Hai Bảy Mươi cho biết, đợt vừa qua, trường có 323 trên tổng số 325 học sinh lớp 12 làm bài kiểm tra môn Toán, các môn còn lại đều có 100% học sinh tham gia. Ưu điểm của hình thức này là học sinh được biết điểm ngay. Nhà trường, giáo viên đều có được số liệu về tỷ lệ bài làm đạt loại giỏi, khá, hay trung bình, yếu, từ đó có phân tích, so sánh với quá trình học tập trên lớp của mỗi học sinh để có phương án ôn tập phù hợp. Việc kiểm tra trực tuyến cũng giảm đáng kể công việc của giáo viên như ra đề, coi thi, chấm thi...
Tuy nhiên, vì là lần đầu triển khai trên diện rộng, cho nên cũng có một số khó khăn như tình trạng không đồng bộ thiết bị của mỗi gia đình, quá tải đường truyền, lỗi hệ thống khi lượng đăng nhập quá lớn vào cùng thời điểm... “Nhà trường đã hướng dẫn các em khắc phục, cho các em làm lại bài khảo sát ngay khi bị lỗi. Việc phụ huynh tham gia giám sát quá trình làm bài cũng rất cần thiết vì không phải học sinh nào cũng tự giác. Em nào làm bài theo kiểu đối phó thì sẽ không hiệu quả. Theo tôi, với việc rút kinh nghiệm cụ thể, bài kiểm tra khảo sát chất lượng đợt hai sẽ được thực hiện trôi chảy hơn, giúp học sinh, giáo viên bám sát việc ôn tập cho kỳ thi quan trọng sắp tới” - ông Mươi nhấn mạnh.
Phó Giám đốc Sở GD và ÐT Hà Nội Lê Ngọc Quang cho biết, theo kế hoạch, học sinh lớp 12 sẽ có ba đợt kiểm tra khảo sát chất lượng các môn nằm trong kỳ thi tốt nghiệp. Ðến nay, toàn bộ học sinh lớp 12 đã hoàn thành đợt một. Sở đã yêu cầu các trường rà soát công tác chuẩn bị, tổ chức họp với cha mẹ học sinh để bố trí thiết bị, giám sát học sinh trong quá trình làm bài. Tuy nhiên, khi tổ chức trên diện rộng với 73 nghìn học sinh ở cùng một thời điểm, trục trặc đường truyền là khó tránh khỏi. Sở GD và ÐT sẽ tổng kết, rút kinh nghiệm quá trình tổ chức kiểm tra khảo sát chất lượng đợt một để có sự điều chỉnh ở các đợt tiếp theo, đồng thời nghiên cứu để có thể mở rộng diện khảo sát đối với học sinh ở các khối lớp khác.
Đợt khảo sát lần hai sẽ diễn ra từ ngày 19 đến 21-6; lần thứ ba diễn ra từ ngày 10 đến 12-7. Kiểm tra khảo sát trực tuyến trên hệ thống Hanoi Study sẽ giúp học sinh thử nghiệm làm bài thi trắc nghiệm khách quan, tự đánh giá năng lực của bản thân, khuyến khích học sinh tự học, tự đánh giá, để làm cơ sở cho việc dự thi tốt nghiệp THPT 2020.