Đến chia vui với cộng đồng bà con người gốc Việt trong ngày khánh thành công trình, có Tổng Lãnh sự Việt Nam tại tỉnh Preah Sihanouk Vũ Ngọc Lý, các cán bộ Hội Khmer-Việt Nam tỉnh Kampot cùng đại diện chính quyền địa phương và một số nhà tài trợ.
Công trình Nhà sinh hoạt cộng đồng được xây dựng trên khu đất rộng 750 m2, với kinh phí thi công bước đầu khoảng 25.000 USD, thuộc địa phận ấp Ta Oong, phường T’roei Koh, thành phố Kampot. Tiền mua đất 30.000 USD và chi phí xây dựng dự án nhiều giai đoạn là từ nguồn hỗ trợ của Đảng bộ, chính quyền, nhân dân tỉnh Kiên Giang và các nhà hảo tâm.
Trước mắt, với diện tích xây dựng 285 m2, Nhà sinh hoạt cộng đồng sẽ mở cửa phục vụ các hoạt động hội họp, thiện nguyện, tổ chức các lớp dạy tiếng Khmer, Việt cho con em nhằm duy trì bản sắc dân tộc, hướng về nguồn cội và hòa nhập tốt hơn vào xã hội bản địa.
Phát biểu nhân dịp khánh thành công trình, được tổ chức trong sự tuân thủ nghiêm ngặt các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 của Bộ Y tế Campuchia, Chủ tịch Hội Khmer-Việt Nam tỉnh Kampot Hoàng Đức Hà cho biết: Việc khánh thành Nhà sinh hoạt cộng đồng này có một ý nghĩa đặc biệt, bởi từ sau khi giải phóng khỏi chế độ diệt chủng Pol Pot, cộng đồng người Việt hầu như mất hết cơ sở vật chất sinh hoạt cộng đồng.
“Đây là một trong những cơ sở vật chất đầu tiên được xây dựng, được phục hồi trở lại. Công trình này sẽ là nơi để bà con mình tập hợp, hội họp, giao lưu, học tập và phổ biến những vấn đề cần thiết của cộng đồng và của Hội Khmer-Việt Nam”, ông Hoàng Đức Hà phấn khởi cho biết.
Là người thường xuyên tham gia các hoạt động trợ giúp bà con gốc Việt Nam trên địa bàn sáu tỉnh tây nam Campuchia, đến tham dự ngày vui hôm nay, Tổng Lãnh sự Vũ Ngọc Lý cho biết, Nhà sinh hoạt cộng đồng bước đầu còn đơn sơ, thiếu thốn rất nhiều, nhưng thấm đượm tình nghĩa cộng đồng của người gốc Việt tại Kampot, bởi nó được hình thành từ chính sự chung tay góp sức của bà con và những người gắn bó với miền đất này bấy lâu nay.
Theo ông Vũ Ngọc Lý, công trình này là tài sản riêng thuộc quyền sử dụng hợp pháp của cộng đồng. Đây là một trung tâm để bà con người gốc Việt tại Kampot có điều kiện để gặp gỡ, chia sẻ kinh nghiệm làm ăn, cùng giúp đỡ nhau, từng bước phát triển và ổn định cuộc sống.
Về phía chính quyền địa phương, đến tham dự buổi khánh thành công trình của cộng đồng người gốc Việt Nam trên địa bàn, ông Pov Son, Chủ tịch phường T’roei Koh, thành phố Kampot chia sẻ niềm vui và đánh giá cao tinh thần đoàn kết, gắn bó cộng đồng của bà con nơi đây.
Ông cũng cảm ơn Ban Tổ chức và các nhà tài trợ, nhân dịp này đã phát hơn 100 suất quà, gồm gạo, mì gói và khẩu trang cho các gia đình người gốc Việt và Khmer tại địa phương có hoàn cảnh khó khăn do tác động nặng nề của đại dịch Covid-19. “Đây là hoạt động có ý nghĩa, phù hợp chính sách hỗ trợ người dân trong thời gian xảy ra dịch bệnh của Chính phủ Hoàng gia”, vị Chủ tịch phường nhấn mạnh.
Được biết, trong số 25 tỉnh, thành phố của Campuchia, tỉnh duyên hải Kampot là địa phương phòng, chống dịch Covid-19 có hiệu quả, ít xảy ra lây nhiễm trong cộng đồng. Với bà con gốc Việt, theo cán bộ phụ trách Hội Khmer-Việt Nam tỉnh, cho tới nay chưa có ai bị lây nhiễm dịch.
Tình hình dịch Covid-19 tại Vương quốc Campuchia đang có diễn biến phức tạp, với số ca lây nhiễm trong cộng đồng có chiều hướng tăng lên. Sáng 27-5, Bộ Y tế sở tại thông báo, trong 24 giờ qua phát hiện 649 ca mắc Covid-19 mới; có thêm 626 bệnh nhân hồi phục và bốn trường hợp tử vong.
Đến nay, cơ quan chuyên môn Campuchia xác nhận phát hiện tổng cộng 27.638 ca lây nhiễm Covid-19. Trong đó, có 20.398 người đã khỏi bệnh và 194 bệnh nhân tử vong.