Khánh thành Đền tưởng niệm và lễ rước long vị Vua Hàm Nghi

NDO -

Sáng 13-7, UBND tỉnh Quảng Trị và UBND huyện Cam Lộ tổ chức khánh thành Đền tưởng niệm Vua Hàm Nghi và chiến sĩ Cần Vương.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Trị Hà Sỹ Đồng dâng hương xin rước bài vị Vua Hàm Nghi từ Thế Miếu về Tân Sở. (Ảnh: TTXVN)
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Trị Hà Sỹ Đồng dâng hương xin rước bài vị Vua Hàm Nghi từ Thế Miếu về Tân Sở. (Ảnh: TTXVN)

Đây là một trong những hoạt động nằm trong chuỗi sự kiện Kỷ niệm 135 năm (13-7-1885 - 13-7-2020) ngày Vua Hàm Nghi ban Chiếu Cần Vương, kêu gọi hào kiệt, sĩ phu và nhân dân yêu nước đứng lên chống thực dân Pháp, giành lại độc lập cho dân tộc. 

Phát biểu tại buổi lễ, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Trị Hà Sỹ Đồng nêu bật vai trò, ý nghĩa to lớn của phong trào Cần Vương và việc xây dựng, khánh thành đền thờ Vua Hàm Nghi tại di tích thành Tân Sở; góp phần giáo dục lý tưởng cách mạng cho thế hệ trẻ hôm nay luôn biết tự hào về nền độc lập dân tộc và đấu tranh xây dựng, bảo vệ Tổ quốc. Đồng thời, đây là một địa chỉ thu hút du khách mỗi khi đến thăm Quảng Trị, phục vụ phát triển du lịch cũng như kinh tế, xã hội.

Khánh thành Đền tưởng niệm và lễ rước, an vị long vị Vua Hàm Nghi -0
 Đoàn rước long vị Vua Hàm Nghi rời khỏi Đại nội Huế.

Ra đời trong hoàn cảnh đặc biệt, thành Tân Sở là nơi nhen nhóm và thổi bùng ngọn lửa phong trào yêu nước chống Pháp của dân tộc Việt Nam những năm cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20. Đền tưởng niệm Vua Hàm Nghi, được thiết kế mô phỏng theo phong cách kiến trúc nhà Nguyễn.

Trước đó, ngày 12-7, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Trị Hà Sỹ Đồng cùng lãnh đạo huyện Cam Lộ phối hợp Trung tâm bảo tồn Di tích Cố đô Huế tổ chức Lễ rước long vị Vua Hàm Nghi từ Thế Miếu trong Đại nội Huế về an vị tại Đền tưởng niệm Vua Hàm Nghi và chiến sĩ Cần Vương tại Di tích quốc gia Tân Sở.

Lễ rước long vị Vua Hàm Nghi được tổ chức theo nghi thức truyền thống. Đội hình rước long vị của vua xây dựng dựa trên mô hình rước vua, trong nghi thức cung đình triều Nguyễn.

Khánh thành Đền tưởng niệm và lễ rước, an vị long vị Vua Hàm Nghi -0
 Nhân dân Cam Lộ đứng đón đoàn rước long vị Vua Hàm Nghi.

Cùng ngày 12-7, UBND huyện Cam Lộ tổ chức Lễ rước bài vị Thượng thư Bộ Binh Tôn Thất Thuyết, từ phủ Tôn Thất Thuyết ở làng Vân Thế Trung, xã Thủy Thanh, thị xã Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên Huế; Lễ rước bài vị Kỳ vĩ Quận công Nguyễn Văn Tường, từ đền thờ của ông ở thôn An Cư, xã Triệu Phước, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị về Di tích quốc gia thành Tân Sở.

Theo nhà nghiên cứu văn hóa lịch sử Lê Đức Thọ, Phó Giám đốc Trung tâm Quản lý di tích và Bảo tàng Quảng Trị, Vua Hàm Nghi sinh năm 1871, mất năm 1943, có tên húy là Nguyễn Phúc Ưng Lịch.

Năm 1884, ông được các phụ chính đại thần Tôn Thất Thuyết và Nguyễn Văn Tường đưa lên ngôi khi mới 13 tuổi, lấy niên hiệu là Hàm Nghi. Vua Hàm Nghi sớm thể hiện được tinh thần khẳng khái và khí chất yêu nước.

Khánh thành Đền tưởng niệm và lễ rước, an vị long vị Vua Hàm Nghi -0
 Nghi thức yết kiến tại Đền thờ Vua Hàm Nghi ở Di tích quốc gia Tân Sở.

Thành Tân Sở tại thôn Mai Đàn, xã Cam Chính, huyện Cam Lộ được khởi công xây dựng từ năm 1883-1885. Sau sự kiện Kinh thành Huế thất thủ đêm 4, rạng sáng 5-7-1885 (23 tháng 5 âm lịch), hai đại thần Tôn Thất Thuyết và Nguyễn Văn Tường đã quyết định đưa Vua Hàm Nghi rời bỏ Kinh thành Huế tìm đường cứu nước.

Tân Sở đã được Vua Hàm Nghi cùng các sĩ phu chọn làm nơi xây dựng thành căn cứ kháng chiến. Tại đây, ngày 13-7-1885, Vua Hàm Nghi đã ban Chiếu Cần Vương, kêu gọi nhân dân đấu tranh giành lại giang sơn.

Từ một công trình thành lũy quân sự dã chiến, được phái chủ chiến của triều đình nhà Nguyễn xây dựng từ năm 1883, do nhu cầu cấp thiết của cuộc kháng chiến chống Pháp, làm căn cứ phòng bị cho Kinh thành Huế khi thất thủ, Tân Sở đã nhanh chóng trở thành “kinh đô kháng chiến”, “trung tâm dấy nghĩa Cần Vương” kể từ khi Chiếu Cần Vương được ban bố ngày 13-7-1885.

Ra đời trong hoàn cảnh lịch sử đặc biệt, thành Tân Sở là nơi chứng kiến những ngày bi hùng của dân tộc, ghi nhận sự vùng dậy cuối cùng của giai cấp phong kiến quân chủ Việt Nam trong phong trào lãnh đạo dân tộc chống ngoại xâm.  

Di tích thành Tân Sở được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng Di tích quốc gia theo Quyết định số 65/QÐ-BVHTT ngày 16-1-1995. Do bị quân Pháp san bằng ngay sau khi chiếm được Tân Sở, ngày 19-9-1885, và nhất là khi quân đội Mỹ xây dựng căn cứ vào những năm 1960 và việc san ủi trồng cao-su những năm 1980, nên tất cả dấu tích của thành dường như đã biến mất trên thực địa.

Khánh thành Đền tưởng niệm và lễ rước, an vị long vị Vua Hàm Nghi -0
 Toàn cảnh Đền thờ Vua Hàm Nghi tại Di tích quốc gia Tân Sở.

Đã có hai cuộc hội thảo khoa học về “Thành Tân Sở với phong trào Cần Vương” vào năm 1991 và năm 2010, đã lần lượt làm sáng tỏ hơn nhiều vấn đề liên quan thành Tân Sở và Phong trào Cần Vương trong lịch sử.

Trong hai năm 2011 và 2012, được sự cho phép của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, một cuộc thám sát, khai quật khảo cổ thành Tân Sở đã được tiến hành. Những phát hiện mới về khảo cổ học thành Tân Sở đã chứng minh được một số vấn đề khá quan trọng về diện mạo, quy mô, cấu trúc, quy cách tòa thành, đi đến những kết luận mang tính khoa học, giải quyết những tồn nghi, tranh luận lâu nay về cấu trúc tòa thành, nhất là thành nội.

Dịp này, Trung tâm Quản lý di tích và Bảo tàng Quảng Trị cũng tổ chức trưng bày những tài liệu, hình ảnh, hiện vật về Tân Sở với Phong trào Cần Vương trong Đền tưởng niệm, phục vụ quan khách và nhân dân về dự lễ khánh thành.