Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế, TS Phan Thanh Hải cho biết: Triệu Tổ Miếu là một trong năm miếu thờ quan trọng của triều Nguyễn, di tích mang nhiều ý nghĩa văn hóa, lịch sử độc đáo của Quần thể Di tích Cố đô Huế, được xây dựng sớm nhất trong Hoàng thành Huế (1804), nơi thờ Ngài Triệu Tổ Tĩnh Hoàng đế Nguyễn Kim - Tổ của 9 đời chúa Nguyễn và các đời Hoàng đế triều Nguyễn sau này. Trải qua hơn 200 năm, công trình rất ít được tu sửa; lần trùng tu gần đây nhất cách đây đã hơn 30 năm (giai đoạn 1983-1985), cộng với nhiều tác động của thời tiết khắc nghiệt ở Huế, sự hủy hoại của chiến tranh, công trình này đã xuống cấp nghiêm trọng.
Dự án bảo tồn, tu bổ di tích Triệu Tổ Miếu được khởi công vào tháng 6-2014, gồm toàn bộ phần xây lắp với tổng giá trị trên 35,6 tỷ đồng; trong đó, Quỹ Bảo tồn văn hóa của Đại sứ Hoa Kỳ tài trợ 700 nghìn USD, do Phân viện Khoa học Công nghệ xây dựng miền Trung - Viện Khoa học Công nghệ xây dựng thi công. Qua 27 tháng thi công với sự tham gia của đội ngũ các nghệ nhân và thợ lành nghề, các cán bộ kỹ thuật giàu kinh nghiệm trong lĩnh vực bảo tồn, trùng tu di tích, công trình đã được thực hiện vượt tiến độ thi công so với kế hoạch, đảm bảo tính quy chuẩn trong quá trình thi công và đạt kỹ thuật, chất lượng, thẩm mỹ yêu cầu.
Theo TS Phan Thanh Hải, trong bối cảnh toàn cầu hóa và hiện đại hóa hiện nay, việc bảo tồn và phát huy có hiệu quả các giá trị văn hóa truyền thống thông qua dự án: Bảo tồn, tu bổ di tích Triệu Tổ Miếu sẽ góp phần thiết lập lại và làm phong phú thêm hoạt động tế tự - thờ cúng tổ tiên của triều Nguyễn (hiện nay vẫn đang được cộng đồng và bà con Nguyễn Phước Tộc thực hiện định kỳ, thường xuyên trong các miếu thờ).
Việc bảo tồn, tu bổ di tích Triệu Miếu thể hiện sự quan tâm của chính quyền địa phương và các tổ chức quốc tế đối với việc bảo tồn không gian văn hóa - yếu tố đem lại sức sống và giá trị văn hóa tinh thần tại các di tích Huế, đặc biệt là những di tích tín ngưỡng tâm linh của triều Nguyễn. Điều đó đã thực sự tác động tích cực và nâng cao nhận thức đối với cộng đồng và xã hội trong việc nhìn nhận tính bền vững của công tác bảo tồn di sản văn hóa tại Huế, góp phần lưu giữ và khẳng định bản sắc văn hóa cung đình Nguyễn của Huế xưa mang đậm giá trị lịch sử, văn hóa, nghệ thuật của triều đại quân chủ cuối cùng ở Việt Nam, đồng thời sẽ góp phần tăng thêm sức hấp dẫn của điểm đến du lịch Hoàng cung Huế.