Đến dự có Thượng tướng Nguyễn Phương Nam, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Phó Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam; Thiếu tướng Phạm Thành Tâm, nguyên Phó Tư lệnh Quân khu 9; bà Hồ Thu Ánh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang; cùng đông đảo thầy, trò thiếu sinh quân Quân khu các thế hệ.
Phát biểu ý kiến tại buổi lễ, Đại tá Hoàng Thanh Sơn, Trưởng Ban Liên lạc Thiếu sinh quân Quân khu 9, khẳng định, 74 năm lịch sử của thiếu sinh quân Quân khu 9 đã để lại trong lòng mỗi học sinh nhiều kỷ niệm, những niềm vui, nỗi buồn, đau thương, mất mát, nhưng dù ở bất cứ hoàn cảnh nào, thầy và trò thiếu sinh quân vẫn bền lòng, chặt dạ, cùng dìu dắt, giúp đỡ nhau vượt qua muôn vàn khó khăn để hoàn thành tốt nhiệm vụ dạy và học.
Mỗi thế hệ thiếu sinh quân của Quân khu 9 đều sẵn sàng hiến dâng tuổi thanh xuân của mình khi Tổ quốc và nhân dân cần. Vì vậy, có thể nói, thiếu sinh quân là những hạt giống đỏ không phụ lòng tin yêu của Đảng, của nhân dân và quân đội.
Trong những hạt giống được gieo mầm ấy đã có đồng chí là Anh hùng Quân đội; 2 đồng chí nguyên là ủy viên Trung ương Đảng, 6 đồng chí cấp tướng; 17 đồng chí là bí thư, phó bí thư cấp ủy và chủ tịch, phó chủ tịch UBND cấp tỉnh; 8 đồng chí là giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ và phó tiến sĩ; hơn 700 đồng chí sĩ quan cấp tá trong lực lượng quân đội, công an. Chưa kể là nhiều thiếu sinh quân là bác sĩ, kỹ sư, tổng giám đốc, giám đốc các công ty, xí nghiệp từ Trung ương đến địa phương.
Theo Đại tá Hoàng Thanh Sơn, thiếu sinh quân Quân khu 9, trải qua 3 thế hệ gắn liền với 3 thời kỳ: kháng chiến chống Pháp; kháng chiến chống Mỹ, cứu nước; xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, giúp nước bạn Campuchia.
Thế hệ 1 do Thiếu tướng Phan Trọng Tuệ chỉ đạo thành lập (giai đoạn 1948-1950), còn gọi là Thiếu sinh quân Tây Nam Bộ; thế hệ 2, do Đại tướng Lê Đức Anh tổ chức thành lập (giai đoạn 1973-1977); thế hệ 3, do Trung tướng Nguyễn Thới Bưng chỉ đạo thành lập (giai đoạn 1983-2013), thuộc Sư đoàn huấn luyện 868, đến năm 1997 chuyển thành Phân hiệu Thiếu sinh quân trực thuộc Trường Quân sự Quân khu 9.
Năm 1975, hòa chung niềm vui và hào khí của ngày miền nam hoàn toàn giải phóng, theo sự chỉ đạo của Bộ Tư lệnh Quân khu 9, Cục Chính trị điều động Trường Thiếu sinh quân nhanh chóng hành quân tiếp nhận căn cứ Trung đoàn 33, Sư đoàn 21 ngụy đóng tại Chương Thiện (nay là thành phố Vị Thanh) làm nòng cốt để hợp nhất các Trường Thiếu sinh quân Quân khu 9 và Trường Thiếu nhi quân đội Đoàn Văn Chia.
Thực hiện chỉ đạo từ Quân khu, nhà trường cử bộ phận tiền trạm từ xã Khánh Bình Tây, tỉnh Cà Mau đến địa điểm được phân công vào chiều 7/5/1975. Ngay sau khi tiếp nhận, thầy và trò Trường Thiếu sinh quân nhanh chóng bắt tay vào sắp xếp, tổ chức, bố trí, sau 30 ngày đã bước vào học tập và đến tháng 4/1977 chính thức giải thể.
Để tiếp nối truyền thống thiếu sinh quân Quân khu 9, Ban Liên lạc Thiếu sinh quân Quân khu xây dựng Bia kỷ niệm nơi hợp nhất các Trường Thiếu sinh quân, thiếu nhi quân đội Quân khu 9 với kinh phí 213 triệu đồng, do nguyên giáo viên, học sinh thiếu sinh quân đóng góp.
Công trình này sẽ là nơi họp mặt của các thế hệ thiếu sinh quân Quân khu 9 các thời kỳ, đồng thời là nơi giáo dục truyền thống cho cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang thành phố Vị Thanh nói riêng, tỉnh Hậu Giang nói chung.