Khánh Hòa trước thời cơ, lợi thế mới

Ngay từ những ngày đầu năm 2022, tỉnh Khánh Hòa đón nhận nhiều tin vui: Bộ Chính trị, Quốc hội ban hành các nghị quyết quan trọng về định hướng, cơ chế, chính sách phát triển tỉnh Khánh Hòa. Đó là Nghị quyết số 09-NQ/TW ngày 28/1/2022 của Bộ Chính trị về xây dựng, phát triển tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Nghị quyết 55/2022/QH15 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Khánh Hòa.
0:00 / 0:00
0:00
Toàn cảnh Nhà máy đóng tàu Huyndai Việt Nam trong khu vực vịnh Vân Phong.
Toàn cảnh Nhà máy đóng tàu Huyndai Việt Nam trong khu vực vịnh Vân Phong.

Cả hệ thống chính trị chung sức, đồng lòng, quyết tâm thực hiện được mục tiêu mà các Nghị quyết của Trung ương đặt ra, trong đó, đến năm 2030, Khánh Hòa trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.

Vận hội mới

Sau 10 năm thực hiện Kết luận 53-KL/TW của Bộ Chính trị về xây dựng, phát triển tỉnh Khánh Hòa đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, kinh tế tỉnh Khánh Hòa tăng trưởng khá; giai đoạn 2012-2019, đạt mức bình quân hơn 7,32%/năm. Khánh Hòa đang trở thành trung tâm du lịch biển có thương hiệu quốc tế; từng bước trở thành một cực tăng trưởng trong khu vực. Tuy nhiên, tiềm năng, lợi thế của tỉnh chưa được khai thác hợp lý, chưa tạo được đột phá cho phát triển. Tỉnh chưa đạt được các tiêu chí để trở thành đô thị trực thuộc Trung ương và chưa trở thành đô thị hạt nhân, động lực phát triển.

Những hạn chế, yếu kém này là do công tác quán triệt, triển khai của một số bộ, ngành và tỉnh Khánh Hòa chưa được quan tâm thường xuyên, thiếu chủ động, chưa sáng tạo, quyết liệt; thiếu các cơ chế, chính sách đặc thù và phân cấp quản lý phù hợp để tạo ra động lực mới cho phát triển. Định hướng phát triển đô thị chưa rõ nét, thiếu giải pháp tổng thể để hiện thực hóa mục tiêu xây dựng tỉnh Khánh Hòa trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.

Xuất phát từ thực tế đó, Nghị quyết 09-NQ/TW của Bộ Chính trị và Nghị quyết 55/2022/QH15 của Quốc hội với nhiều chủ trương, cơ chế, chính sách mới, vượt trội, đã khơi thông tiềm năng và góp phần giải tỏa những vướng mắc trên địa bàn; đặt bệ phóng quan trọng để Khánh Hòa bứt phá, phát triển lên tầm cao mới. Cụ thể: Nghị quyết của Bộ Chính trị đặt mục tiêu đến năm 2030, Khánh Hòa trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, trên cơ sở phát huy cao độ tiềm năng và lợi thế về biển; là trung tâm dịch vụ, du lịch biển quốc tế; là một cực tăng trưởng, trung tâm của khu vực duyên hải Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và cả nước. Nghị quyết của Quốc hội xác định một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Khánh Hòa trên các lĩnh vực quản lý tài chính, ngân sách nhà nước; quản lý quy hoạch; quản lý đất đai; phát triển Khu kinh tế Vân Phong…

Đồng chí Nguyễn Hải Ninh, Bí thư Tỉnh ủy Khánh Hòa chia sẻ: Các nghị quyết nêu trên đặt mục tiêu, kỳ vọng rất cao, tạo ra thời cơ mới nhưng cũng tạo cho Khánh Hòa thách thức rất lớn, đòi hỏi Đảng bộ, chính quyền và nhân dân phải có quyết tâm chính trị cao, đoàn kết, chung sức đồng lòng thực hiện. Hiện nay, tỉnh tập trung thực hiện ba nhiệm vụ lớn, quan trọng là:

Phục hồi phát triển kinh tế-xã hội sau đại dịch Covid-19; khắc phục hậu quả những sai phạm sau thanh tra, kiểm tra và triển khai thực hiện các nghị quyết của Trung ương. Đây là những nhiệm vụ lớn và khó đòi hỏi phải sớm thay đổi phương thức lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành mới có thể hoàn thành được. Đơn cử như Nghị quyết 55/2022/QH15 chỉ có thời hạn 5 năm, bắt đầu có hiệu lực từ ngày 1/8/2022, nếu không hành động nhanh, hiệu quả sẽ bỏ lỡ các cơ chế, chính sách đặc thù Trung ương dành cho Khánh Hòa, không kịp thực hiện các mục tiêu đã đề ra.

Vào cuộc quyết liệt

Để triển khai hiệu quả các nghị quyết, Tỉnh ủy Khánh Hòa xác định trước hết phải đổi mới phong cách lãnh đạo, phương pháp công tác, lề lối làm việc của cấp ủy, chính quyền các cấp và quyết tâm đổi mới thực chất để các cơ chế, chính sách đặc thù được triển khai nhanh chóng, hiệu quả. Tỉnh tiếp tục quan tâm đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, trước tiên là áp dụng ngay trong các hoạt động lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của cấp ủy, chính quyền các cấp.

Thường trực Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy và Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã bước đầu áp dụng chương trình “họp không giấy”; nhiều nội dung họp được gửi trước cho đại biểu thông qua phần mềm để nghiên cứu và không trình bày lại tại hội nghị để vừa giảm thời gian họp, vừa tăng tính chủ động trong nghiên cứu nội dung họp của đại biểu. Các dự án trọng điểm trên địa bàn đã áp dụng phương thức giao việc và kiểm soát quá trình thực hiện công việc thông qua phần mềm quản lý công việc Basework.

Tạo đà bền vững cho các năm tiếp theo, tỉnh chú trọng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Tỉnh đã quan tâm chỉ đạo công tác kiện toàn đội ngũ cán bộ; thực hiện kịp thời việc luân chuyển, điều động, bố trí cán bộ tại một số vị trí công tác, bảo đảm chặt chẽ, dân chủ, khách quan, công khai, minh bạch, công bằng, phù hợp với năng lực, sở trường và yêu cầu công việc.

Trong 8 tháng đầu năm 2022, tỉnh đã điều động bố trí 9 cán bộ thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý và luân chuyển 1 cán bộ. Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Quy định về quy trình giao nhiệm vụ trọng tâm và đánh giá cán bộ lãnh đạo, quản lý thông qua kết quả thực hiện nhiệm vụ trọng tâm, khắc phục việc đánh giá cán bộ không gắn với kết quả, sản phẩm cụ thể.

Theo đồng chí Nguyễn Tấn Tuân, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Khánh Hòa, trong những tháng đầu năm 2022, cả bộ máy chính trị của tỉnh đã làm việc bằng hai, bằng ba sức lực. Chưa bao giờ tỉnh phải giải quyết một khối lượng công việc lớn như vậy. Các tiện ích công nghệ thông tin đã được sử dụng với hiệu quả cao.

Những khó khăn, vướng mắc được Ủy ban nhân dân tỉnh cùng các ngành, địa phương bàn bạc, tháo gỡ một cách nhanh nhất, hiệu quả nhất, từng bước đáp ứng yêu cầu tiến độ công việc. Nhờ vậy, kinh tế-xã hội 9 tháng đầu năm 2022 của tỉnh đạt nhiều kết quả tích cực: GRDP ước tăng 18% so với cùng kỳ năm 2021; doanh thu du lịch ước đạt 10.940 tỷ đồng, tăng gấp 5,6 lần, đạt 273,5% kế hoạch; thu ngân sách nhà nước ước đạt 12.270 tỷ đồng, bằng 102,1% dự toán, tăng 23,2%...

Những ngày này, cán bộ Ủy ban nhân dân huyện Vạn Ninh bận rộn với nhiều công việc mới. Cụm từ “tinh thần 09” dường như hiện diện thường xuyên trong công việc. Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Đàm Ngọc Quang cho rằng, qua các nghị quyết của Bộ Chính trị và Quốc hội, huyện Vạn Ninh nói riêng và Khu kinh tế Vân Phong nói chung có hành lang pháp lý vững chắc, rất thuận lợi trong việc phát triển cơ sở hạ tầng, triển khai đồng bộ các công trình thiết yếu, đặc biệt là các tuyến giao thông cao tốc kết nối Vân Phong-Tây Nguyên, Vân Phong-Nha Trang, Vân Phong-Chí Thạnh; các trục đường chính; hạ tầng cảng biển... Với hệ thống giao thông thuận lợi, huyện có thể nhanh chóng đẩy mạnh phát triển kinh tế-xã hội, nâng cao thu nhập, đời sống của người dân.

Với quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, Khánh Hòa đang quyết liệt vươn lên, nỗ lực thực hiện đạt hiệu quả cao các nghị quyết của Bộ Chính trị, Quốc hội với một niềm tin mới, khí thế mới.