Khánh Hòa khai thác tiềm năng du lịch tàu biển

Nha Trang-Khánh Hòa có nhiều tiềm năng, lợi thế trong phát triển du lịch tàu biển. Tuy nhiên, hiện nay, du lịch tàu biển tại Khánh Hòa đang gặp nhiều khó khăn. Tỉnh đang tập trung thực hiện nhiều nhóm giải pháp, nhằm khai thác hiệu quả nguồn lợi quý giá này.
0:00 / 0:00
0:00
Tàu du lịch biển neo đậu trong vịnh Nha Trang.
Tàu du lịch biển neo đậu trong vịnh Nha Trang.

Nhiều tiềm năng, lợi thế

Theo Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Khánh Hòa, Nguyễn Thị Lệ Thanh, có nhiều tiềm năng, lợi thế trong phát triển du lịch tàu biển, Khánh Hòa đang trở thành điểm đến hấp dẫn trong hành trình du lịch của các hãng tàu biển quốc tế.

Từ tháng 3/2023 đến nay, Khánh Hòa đón nhận 5 chuyến tàu du lịch biển, với gần 4.000 khách. Sự trở lại khá mạnh mẽ của dòng khách du lịch bằng tàu biển đến từ nhiều quốc gia trên thế giới được cho là tín hiệu tốt, khẳng định vị thế của điểm đến Nha Trang-Khánh Hòa. Đặc trưng của khách du lịch tàu biển là có số lượng lớn, dòng khách ổn định, có mức chi tiêu cao.

Nha Trang-Khánh Hòa có điểm thuận lợi rất đặc biệt trong việc đón khách du lịch tàu biển, đó là từ cảng Nha Trang vào đến trung tâm thành phố mất chưa đầy 10 phút. Những nhà tổ chức tour khách du lịch tàu biển đến Nha Trang-Khánh Hòa chọn các điểm đến quen thuộc như Chùa Long Sơn; Tháp Bà Ponagar; làng nghề Trường Sơn; tour trải nghiệm thăm sông Cái; đạp xe khám phá đồng quê vùng ven Nha Trang; học nấu các món ăn Việt Nam.

Thời gian khám phá của các đoàn khách du lịch tàu biển ngắn, nhưng nhiều du khách bày tỏ thích thú và mong muốn được quay trở lại Nha Trang khi có điều kiện. Điều này cho thấy, quảng bá hình ảnh du lịch địa phương qua các tour khách du lịch bằng tàu biển tỏ ra rất hiệu quả.

Khách du lịch bằng tàu biển là dòng khách cao cấp, có khả năng chi tiêu cao nhưng cũng có yêu cầu rất cao về dịch vụ, sản phẩm du lịch. Điều đó đặt ra cho địa phương, ngành du lịch nhiều thách thức về cơ sở hạ tầng vật chất, xã hội; kỹ năng tổ chức đưa đón khách du lịch và đặc biệt là chất lượng của các điểm đến.

Hiện nay, theo đánh giá của các chuyên gia du lịch biển, du lịch tàu biển tại Khánh Hòa phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế sẵn có.

Cơ sở vật chất của cảng Nha Trang chưa bảo đảm, chưa đáp ứng được yêu cầu đón khách du lịch tàu biển hạng sang; số lượng điểm đến đủ chất lượng đón khách còn khá ít, quy mô không lớn; các doanh nghiệp có khả năng khai thác và đáp ứng dịch vụ cho khách du lịch tàu biển còn hạn chế; nguồn nhân lực có kinh nghiệm phục vụ các dòng khách du lịch chi trả cao còn thiếu và yếu; hoạt động xúc tiến quảng bá chưa thật sự hiệu quả.

Bên cạnh đó, sản phẩm du lịch khá đơn điệu, chưa tạo bứt phá, cuốn hút mạnh mẽ.

Tích cực cải thiện môi trường đầu tư

Điều đáng quan tâm là hiện nay, khách du lịch tàu biển đến Nha Trang-Khánh Hòa chủ yếu đi tham quan trong ngày, xong quay lại tàu chứ chưa lưu trú qua đêm. Điều ấy cho thấy, việc giữ chân du khách lưu trú dài ngày trên bờ còn hạn chế. Thông thường, khách sử dụng các dịch vụ trọn gói trong tour tàu biển cho nên doanh thu du lịch tại địa phương không cao.

Một trong những nguồn thu quan trọng ở đây chính là từ các sản phẩm lưu niệm, các loại đặc sản của Khánh Hòa, nhưng hiện các sản phẩm này vẫn còn kém phong phú, thiếu dấu ấn riêng… Một điểm hạn chế nữa là trên những chuyến xe đưa khách đi tham quan đều phải có hướng dẫn viên đi cùng, song đội ngũ này hiện cũng đang gặp nhiều khó khăn, về số lượng cũng như trình độ, nghiệp vụ.

Theo Công ty cổ phần Cảng Nha Trang, dự kiến trong năm 2023, có hơn 30 chuyến tàu du lịch biển đến Nha Trang, trong đó có nhiều tàu có số lượng từ 2.000 đến 4.000 khách. Đây là con số khá ấn tượng.

Tuy nhiên, theo thông tin từ các đơn vị lữ hành, đã có nhiều tour tàu biển hủy chuyến đến Nha Trang. Nguyên nhân có nhiều, nhưng có một nguyên nhân trực tiếp khiến việc tổ chức các tour du lịch tàu biển tham quan Nha Trang và các vùng phụ cận đang gặp nhiều khó khăn, do các tuyến đường chính ra vào thành phố Nha Trang đều cấm xe trên 29 chỗ ngồi, loại xe chuyên phục vụ các đoàn khách du lịch với số lượng lớn vào giờ cao điểm.

Các tuyến đường thuộc khu vực ngoại thành Nha Trang như khu vực xã Vĩnh Ngọc, Vĩnh Thạnh với sản phẩm chủ lực mà khách du lịch tàu biển rất ưa thích tham quan như nhà cổ, đình làng, chợ quê, làng nghề… cũng bị cấm xe trên 29 chỗ.

Về vấn đề này, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban nhân dân tỉnh Khánh Hòa, Lê Hữu Hoàng cho biết, tỉnh đã đồng ý về chủ trương cho phép các xe trên 29 chỗ ngồi có phù hiệu “xe du lịch” được phép vào trung tâm thành phố Nha Trang trong giờ cao điểm.

Cùng với đó, Sở Du lịch lên kế hoạch mở lớp tập huấn nghiệp vụ du lịch cho lái xe, nhân viên phục vụ trên ô-tô vận tải khách du lịch và phương tiện đường thủy nội địa. Song, cho đến nay, việc thực hiện cấp phù hiệu cũng như cử lái xe, nhân viên tập huấn nghiệp vụ du lịch chưa đạt kết quả như mong đợi.

Chúng tôi tập trung thực hiện cải thiện môi trường đầu tư, nhằm huy động mọi nguồn lực thúc đẩy phát triển các ngành kinh tế biển theo hướng ưu tiên trước hết cho dịch vụ du lịch biển, bảo đảm chất lượng cao, hướng tới sự chọn lọc, nâng cao chất lượng sản phẩm dịch vụ, từ đó từng bước chủ động cơ cấu được các dòng khách đến với Nha Trang-Khánh Hòa. Hiện Khánh Hòa đang tự làm mới mình bằng nhiều sản phẩm du lịch biển mới lạ, đặc sắc; từng bước hoàn thiện kết cấu hạ tầng; nâng cao hơn nữa chất lượng dịch vụ đón khách tàu biển”.

Cùng với đó, tỉnh Khánh Hòa cũng đang kiến nghị Chính phủ xem xét, có cơ chế hỗ trợ thu hút đầu tư phát triển hạ tầng giao thông kết nối để tạo động lực thu hút đầu tư du lịch tại 3 vùng động lực phát triển của tỉnh, gồm Cam Ranh, Nha Trang và Vân Phong; xem xét bổ sung Khánh Hòa vào danh mục các địa phương được phép thí điểm kéo dài thời gian tổ chức các hoạt động ban đêm đến 6 giờ sáng hôm sau.

NGUYỄN THỊ LỆ THANH, Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Khánh Hòa

Về phía mình, Khánh Hòa tập trung tháo gỡ các vướng mắc trong thủ tục hành chính, quy trình tàu du lịch ra vào các cảng quốc tế.

Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 xác định Việt Nam có rất nhiều lợi thế trong thu hút khách du lịch tàu biển.

Ngành du lịch Khánh Hòa đặt mục tiêu năm 2023 đón khoảng 4 triệu lượt khách du lịch; trong đó, khoảng 2,5 triệu khách nội địa; 1,5 triệu lượt khách quốc tế. Doanh thu du lịch đạt 21.000 tỷ đồng.