Khẳng định vị thế Thành phố Vì hòa bình

25 năm trước (16/7/1999), Hà Nội là thành phố châu Á đầu tiên được UNESCO trao tặng danh hiệu “Thành phố Vì hòa bình”. Từ đó đến nay, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Hà Nội đã nỗ lực để không chỉ xứng đáng với danh hiệu cao quý mà còn phát huy danh hiệu này, đóng góp tích cực trong công cuộc phát triển Thủ đô thời kỳ hội nhập.
0:00 / 0:00
0:00
Sự thân thiện của người Hà Nội là một trong những đặc trưng của một Thành phố Vì hòa bình.
Sự thân thiện của người Hà Nội là một trong những đặc trưng của một Thành phố Vì hòa bình.

Từ nghìn năm qua, Thăng Long - Hà Nội đã bao lần phải trải qua những cuộc chiến tranh chống giặc ngoại xâm. Bao xương máu của thế hệ cha anh đổ xuống để xây dựng, bảo vệ nền hòa bình. Trung tâm của thành phố là hồ Hoàn Kiếm, nơi có truyền thuyết vua Lê Thái Tổ sau khi dẹp giặc Minh đã trả lại gươm báu cho thần Kim Quy, thể hiện khát vọng hòa bình của Hà Nội nói riêng, của cả dân tộc Việt Nam nói chung.

Năm 1999, Hà Nội được tổ chức UNESCO chọn là một trong năm thành phố tiêu biểu trên thế giới, đại diện cho khu vực châu Á nhận danh hiệu “Thành phố Vì hòa bình”. Điều đặc biệt, Hà Nội đạt cả bốn tiêu chí của giải thưởng gồm: Sự bình đẳng trong cộng đồng; xây dựng đô thị; giữ gìn môi trường sống; thúc đẩy phát triển văn hóa-giáo dục, chăm lo giáo dục công dân và thế hệ trẻ.

Trong những năm qua, Hà Nội đã thông qua nhiều chương trình, kế hoạch, nhất là Chương trình 06-CTr/TU của Thành ủy nhiệm kỳ 2020-2025 về Phát triển văn hóa, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh; Chương trình số 08-CTr/TU về Phát triển hệ thống an sinh xã hội, nâng cao phúc lợi xã hội, chất lượng cuộc sống của nhân dân Thủ đô…, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố đã nỗ lực để tiếp tục nâng cao chất lượng cuộc sống người dân ở tất cả các mặt: Môi trường, giáo dục, văn hóa.

Với Chương trình 08, thành phố dành nguồn lực chăm lo các đối tượng yếu thế trong xã hội. Các hộ nghèo, cận nghèo được hỗ trợ xây dựng nhà cửa thông qua hoạt động của các đoàn thể xã hội, được vay vốn ưu đãi để phát triển sản xuất, được đào tạo nghề. Nhờ thế, đến cuối năm 2023, thành phố chỉ còn 690 hộ nghèo, chiếm 0,03%, 15.835 hộ cận nghèo, chiếm 0,7% tổng số hộ.

Hiện có 16 quận, huyện của thành phố không còn hộ nghèo. Thành phố tiếp tục triển khai các biện pháp phòng chống tái nghèo, tái cận nghèo. Yếu tố “vì hòa bình” được thể hiện rõ nét trong giai đoạn phòng chống dịch Covid-19. Hà Nội huy động tổng lực để hỗ trợ nhu yếu phẩm cho hơn 700 người nước ngoài sinh sống, học tập, làm việc trên địa bàn thành phố.

Các hoạt động thúc đẩy phát triển văn hóa-giáo dục, chăm lo giáo dục công dân và thế hệ trẻ được triển khai gắn với thực hiện Chương trình 06. Hàng trăm di tích trên địa bàn thành phố được đầu tư tu bổ, tôn tạo. Thực hiện Nghị quyết của Hội đồng nhân dân thành phố, Hà Nội quyết định dành 14.029 tỷ đồng đầu tư tu bổ, tôn tạo 579 di tích trong giai đoạn 2021-2025. Sự quan tâm này không chỉ giúp những di tích nổi bật của Thủ đô như: Hoàng thành Thăng Long, Văn Miếu-Quốc Tử Giám, chùa Trấn Quốc, chùa Thầy, làng cổ Đường Lâm… được quan tâm, tu bổ, mà cả những di tích ở vùng sâu, vùng xa cũng được trả lại vẻ đẹp xưa.

Sự quan tâm này giúp Hà Nội xứng danh là Thủ đô di sản. Tròn 20 năm sau khi đạt danh hiệu “Thành phố Vì hòa bình”, tháng 10/2019, Hà Nội tiếp tục được vinh danh là thành viên “Mạng lưới các Thành phố Sáng tạo của UNESCO” với mục tiêu lấy nguồn lực văn hóa và sáng tạo văn hóa làm nền tảng cho quá trình phát triển đô thị một cách bền vững. Điều này là sự khẳng định cho những thành tựu mà Hà Nội đạt được trong việc giữ gìn, phát triển các tiêu chí của Thành phố Vì hòa bình.

Từ những nền tảng này, Hà Nội trở thành điểm đến thân thiện với bạn bè quốc tế. Hình ảnh nguyên thủ, lãnh đạo của các nước như: Hàn Quốc, Hà Lan, Singapore… đi bộ, đạp xe trên phố hay thưởng thức các món ăn đường phố Hà Nội là những hình ảnh tiêu biểu cho sự thân thiện, mến khách của người dân Thủ đô. Môi trường hòa bình, ổn định chính trị, người dân thân thiện đã giúp Hà Nội được chọn là nơi tổ chức các sự kiện mang tầm quốc tế như: Hội nghị cấp cao APEC, Hội nghị thượng đỉnh Hoa Kỳ-Triều Tiên, Đại hội đồng Liên minh Nghị viện thế giới...

Năm 2019, trước thời điểm xảy ra đại dịch Covid-19, lượng khách du lịch đến Hà Nội đạt 29 triệu lượt, trong đó có 7,05 triệu khách quốc tế. Sáu tháng đầu năm 2024, du lịch Hà Nội đã có sự phục hồi mạnh mẽ với việc đón 14,05 triệu lượt khách, trong đó khách du lịch quốc tế đạt 3,14 triệu lượt, gần bằng với thời kỳ cao điểm trước đại dịch.

Cùng với các yếu tố nêu trên, hạ tầng đô thị của Hà Nội được cải thiện; công tác xử lý nước thải, rác thải, phát triển hệ thống cây xanh của Hà Nội được quan tâm giúp thành phố phát triển cả bốn tiêu chí của Thành phố Vì hòa bình lên một tầm cao mới.

Chia sẻ về kết quả 25 năm Hà Nội được trao tặng danh hiệu Thành phố Vì hòa bình, Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức hữu nghị thành phố Hà Nội Vũ Ngọc Kỳ cho biết: “Thủ đô Hà Nội - Thành phố Vì hòa bình là thương hiệu, là giá trị của một đô thị đang phát triển từng ngày. Sau 20 năm đạt danh hiệu “Thành phố Vì hòa bình”, Hà Nội tiếp tục được vinh danh là thành viên Mạng lưới các Thành phố Sáng tạo của UNESCO.

Danh hiệu này là sự tiếp nối với truyền thống, được xây dựng dựa trên di sản và các nguồn lực của một Thủ đô văn hóa, Thành phố Vì hòa bình và phát huy nguồn năng lượng sáng tạo của giới trẻ Thủ đô hôm nay. Tất cả tạo nên nền tảng vững chắc để xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh, phát triển toàn diện là sức mạnh nội sinh, động lực tinh thần to lớn để phát triển Thủ đô bền vững trong tương lai”