Khẳng định vị thế doanh nghiệp bán lẻ trong nước

Ngành bán lẻ Việt Nam hiện có quy mô thị trường 142 tỷ USD và dự báo sẽ tăng lên 350 tỷ USD vào năm 2025 (gấp gần 2,5 lần so hiện nay), đóng góp 59% GDP cả nước.
0:00 / 0:00
0:00
Khách hàng mua sắm tại hệ thống siêu thị Coopmart (Ảnh: nhandan.vn)
Khách hàng mua sắm tại hệ thống siêu thị Coopmart (Ảnh: nhandan.vn)

Nhiều tên tuổi lớn của ngành bán lẻ trên thế giới đã công bố tăng vốn đầu tư, mở rộng mạng lưới phân phối vào Việt Nam. Hàng hóa tiêu dùng của các đại gia bán lẻ đến từ: Thái Lan, Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản,… xuất hiện ngày càng nhiều với quy mô ngày càng lớn và trên nhiều kênh phân phối khác nhau. Ðiều này cũng gây sức ép nhất định đến "miếng bánh" thị phần của doanh nghiệp bán lẻ trong nước.

Ngành bán lẻ Việt Nam hiện có quy mô thị trường 142 tỷ USD và dự báo sẽ tăng lên 350 tỷ USD vào năm 2025 (gấp gần 2,5 lần so hiện nay), đóng góp 59% GDP cả nước.

Số liệu của Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO) cho thấy, khoảng 55% doanh nghiệp Nhật Bản muốn mở rộng kinh doanh ở Việt Nam. Trong đó, gần 60% doanh nghiệp quan tâm đến lĩnh vực bán lẻ, dịch vụ, tiêu dùng.

Nhìn lại thời điểm năm 2016, khi đó có tới hơn 50% thị phần bán lẻ của Việt Nam đều đang thuộc về doanh nghiệp nước ngoài, thì đến nay "ván cờ đã được chia lại" khi cả nước hiện có khoảng 1.100 siêu thị, 240 trung tâm thương mại và gần 2.000 cửa hàng tiện lợi, nhưng trong đó 70-80% số điểm bán trên cả nước thuộc về doanh nghiệp Việt Nam.

Ðáng chú ý, một số doanh nghiệp Việt Nam đã kết hợp với nhau để tạo dựng và khẳng định chỗ đứng trên thị trường bán lẻ. Ðiển hình là hai tập đoàn Masan Group và Vingroup đã phát triển bán hàng đa kênh, tự sản xuất và liên kết để đưa hàng hóa thực phẩm, tiêu dùng đi thẳng tới người mua, giúp giảm giá thành, nâng cao năng lực cạnh tranh, thực hiện kế hoạch mở rộng thị phần, chiếm lĩnh thị trường.

Saigon Co.op cũng đã không ngừng nâng cấp công nghệ cho các giải pháp thu thập, lưu trữ, quản lý và phân tích dữ liệu một cách toàn diện, dựa trên nền tảng hạ tầng điện toán đám mây có tính linh hoạt và khả năng tự vận hành cao. Với chiến lược chuyển đổi số trong lĩnh vực bán lẻ, tập trung vào khách hàng theo mô hình chuỗi giá trị đã giúp Saigon Co.op không ngừng mở rộng và chiếm thị phần, thậm chí thâu tóm cả chuỗi bán lẻ ở Việt Nam của ông lớn bán lẻ Auchan (Pháp).

Cả nước hiện có khoảng 1.100 siêu thị, 240 trung tâm thương mại và gần 2.000 cửa hàng tiện lợi, nhưng trong đó 70-80% số điểm bán trên cả nước thuộc về doanh nghiệp Việt Nam.

Do đó, nếu muốn nâng cao vị thế, giữ vững và từng bước gia tăng thị phần, doanh nghiệp bán lẻ trong nước không còn con đường nào khác ngoài thay đổi tư duy, cách làm, để kịp thời đưa ra chiến lược phát triển phù hợp với biến động từng ngày của thị trường. Bởi, khi cán cân bán lẻ nghiêng về các "ông lớn" ngoại quốc, doanh nghiệp sản xuất Việt Nam sẽ gặp không ít trở ngại trong việc đưa hàng hóa vào các hệ thống phân phối.

Cùng với những kênh bán hàng truyền thống, các nhà bán lẻ nội cần khẩn trương chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin, cập nhật nhanh nhạy hình thức thương mại điện tử, khai thác sâu các kênh bán hàng trực tuyến, tích hợp đa kênh phương tiện,...

Ngành sản xuất Việt Nam, đặc biệt là nông sản, thực phẩm phải đổi mới công nghệ, nâng cao năng suất, nâng chất lượng hàng hóa lên một tầm cao hơn; đồng thời, chú trọng đào tạo lại kỹ năng cho đội ngũ nhân sự để nâng cao chất lượng, năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, hướng tới sự bền vững của toàn bộ chuỗi cung ứng.