Với vị thế và uy tín quốc tế ngày càng được khẳng định, Việt Nam đang bước sang một giai đoạn tham gia, liên kết kinh tế quốc tế bằng một tâm thế hoàn toàn mới, tự tin hội nhập liên kết kinh tế toàn cầu gắn với tự lực, tự cường nhằm nâng tầm vị thế của nền kinh tế Việt Nam trên trường quốc tế.
Thành tựu đáng mừng
Giai đoạn 2020-2022 xảy ra nhiều biến động khiến cho nền kinh tế thế giới diễn biến phức tạp, rủi ro, đi kèm suy thoái và khó khăn. Thế nhưng, tại báo cáo rà soát thống kê thương mại thế giới năm 2020 của WTO đã ghi nhận trong số 50 quốc gia có nền thương mại hàng hóa lớn nhất thế giới, Việt Nam được xem có mức tăng trưởng lớn nhất khi dịch chuyển từ vị trí 39 (năm 2009) lên vị trí tốp 20 (năm 2020) nền kinh tế hàng đầu về thương mại quốc tế. Theo đánh giá và xếp hạng của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF), trong 10 năm, chỉ số Năng lực cạnh tranh toàn cầu (GCI) của Việt Nam đã cải thiện 13 bậc, từ 68/131 (năm 2007) lên 55/137 (năm 2017). Về thương mại, nếu như năm 2006 tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam chỉ đạt 84,7 tỷ USD (trong đó, xuất khẩu đạt 39,8 tỷ USD và nhập khẩu là 44,9 tỷ USD) thì đến hết năm 2022, lần đầu tiên tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa vượt mốc 700 tỷ USD, đạt hơn 732,5 tỷ USD, tăng khoảng 9,5% so năm 2021 (668,5 tỷ USD). Trong đó, xuất khẩu đạt khoảng 371,5 tỷ USD tăng khoảng 10,6%, hoàn thành vượt mức chỉ tiêu kế hoạch được Quốc hội và Chính phủ giao (kế hoạch tăng 8%).
Đặc biệt cán cân thương mại cũng được cải thiện rõ rệt, từ việc nhập siêu nhiều năm liên tiếp, đến năm 2016 luôn đạt thặng dư với mức giá trị tăng dần qua các năm, từ 1,77 tỷ USD (năm 2016) tăng lên 19 tỷ USD (năm 2020). Năm 2022 ghi nhận là năm thứ 7 liên tiếp Việt Nam xuất siêu với thặng dư thương mại hơn 11 tỷ USD, góp phần tích cực nâng cao dự trữ ngoại hối, ổn định tỷ giá và các chỉ số kinh tế vĩ mô khác của nền kinh tế. Bên cạnh đó, cơ cấu hàng hóa xuất khẩu cũng có sự cải thiện liên tục theo hướng tích cực khi giảm xuất khẩu thô, tăng xuất khẩu sản phẩm chế biến, công nghiệp, tạo điều kiện cho hàng hóa Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu. Theo đó, tỷ trọng hàng công nghiệp chế biến trong tổng kim ngạch xuất khẩu đã tăng từ 80,3% (năm 2016) lên mức 89,2% (năm 2021). Số mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu hơn 1 tỷ USD tăng nhanh từ 9 mặt hàng năm 2006 lên 36 mặt hàng vào năm 2022. Trong đó có 8 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 10 tỷ USD. Ngoài ra, Việt Nam cũng đã trở thành một trong những điểm đến hấp dẫn của dòng vốn đầu tư FDI, từ việc thu hút 64 tỷ USD vốn FDI (năm 2008), đến hết năm 2022, con số này đã đạt gần 439 tỷ USD với 36.278 dự án đến từ hơn 140 quốc gia và vùng lãnh thổ,...
Giám đốc Trung tâm WTO và hội nhập (Thuộc Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam-VCCI) Nguyễn Thị Thu Trang cho rằng, những kết quả trên đạt được phần lớn nhờ việc mạnh dạn mở cửa nền kinh tế Việt Nam với việc gia nhập WTO và tham gia vào các FTA. Thông qua các FTA giúp Việt Nam hội nhập sâu hơn, tạo sự chuyển hướng cũng như đa dạng các mối quan hệ thương mại; giúp khẳng định vị thế là một trong những quốc gia có trao đổi thương mại và thu hút vốn FDI lớn nhất thế giới, cải thiện thứ hạng tăng trưởng của nền kinh tế với cơ cấu kinh tế-xã hội giữ được sự ổn định và phát triển. Tuy nhiên, bà Nguyễn Thị Thu Trang cũng chỉ ra: "Cơ hội trong tiến trình hội nhập bao giờ cũng đan xen với những thách thức, đòi hỏi hàng hóa Việt Nam phải vươn lên tầm thế giới. Hội nhập và các FTA chỉ là điều kiện, "bệ phóng" để chúng ta phát triển hiệu quả theo hướng bền vững. Để khai thác được các ưu đãi đó thì nội lực của nền kinh tế và doanh nghiệp phải được cải thiện".
Tận dụng mọi cơ hội
Có thể nói, các FTA đã và đang mở rộng cánh cửa thị trường cho hàng xuất khẩu của Việt Nam, là cơ hội kết nối, tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị và mạng lưới sản xuất toàn cầu. Đặc biệt, trong bối cảnh dịch Covid-19, các FTA thế hệ mới như EVFTA, CPTPP, UKVFTA, RCEP đã trở thành "liều thuốc" tiếp sức cho kinh tế Việt Nam phục hồi sau đại dịch; bởi phần lớn dòng chảy thương mại hàng hóa của Việt Nam đến từ các đối tác trong FTA và việc giao dịch thương mại với các thị trường này là một trong những động lực lớn cho tăng trưởng sản xuất, kinh doanh của nền kinh tế. Theo thống kê của Tổng cục Hải quan (Bộ Tài chính), năm 2021, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam với các thị trường đối tác FTA đạt 480 tỷ USD, tăng 22,5% so với năm 2020 và chiếm gần 72% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam với toàn thế giới. Trong đó, xuất khẩu đạt 212,9 tỷ USD, tăng 17,6% so với năm 2020, chiếm 63% kim ngạch xuất khẩu; nhập khẩu đạt 267,2 tỷ USD, tăng 26,7%, chiếm 80% kim ngạch nhập khẩu.
Mặc dù các kết quả thực thi FTA từ góc độ xuất khẩu là rất tích cực, nhưng theo Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) Nguyễn Thị Cẩm Trang, vẫn còn nhiều doanh nghiệp chưa tận dụng được các FTA như kỳ vọng. Chẳng hạn, tốc độ tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu trung bình đi các thị trường FTA luôn thấp hơn tốc độ tăng trưởng xuất khẩu chung. Cụ thể, theo số liệu của Tổng cục Hải quan, trong hai năm 2020-2021, tăng trưởng xuất khẩu đi các thị trường FTA là 10,3%/năm, thấp hơn so với mức 13%/năm của xuất khẩu đi toàn thế giới. Tỷ lệ sử dụng ưu đãi thuế quan FTA đang có xu hướng giảm (từ mức kỷ lục 39,7% năm 2017 giảm dần xuống mức 32,7% năm 2021) và diễn tiến không ổn định với từng FTA. Điều này cho thấy, các doanh nghiệp dường như chưa có chiến lược cụ thể cho việc tận dụng các ưu đãi. Kết quả khảo sát của VCCI năm 2022 cũng cho thấy, hơn 46% số doanh nghiệp được hỏi cho biết gặp trở ngại về năng lực cạnh tranh; hơn 40% doanh nghiệp thiếu thông tin cụ thể về các cam kết và cách thức áp dụng FTA; gần 47% doanh nghiệp lo ngại các yếu tố biến động của thị trường. Vì vậy, các doanh nghiệp cần tiếp tục tìm hiểu, khai thác tối đa các lợi thế từ FTA và ứng dụng chuyển đổi số trong xúc tiến thương mại, phát triển thương hiệu; đầu tư nâng cao năng lực cạnh tranh, tạo ra sản phẩm chất lượng cao đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe của thị trường thế giới,...; nhất là việc phải theo dõi sát diễn biến thị trường, chủ động đánh giá các tác động đến sản xuất, xuất nhập khẩu để kịp thời có sự điều chỉnh, ứng phó thích hợp.
Phải nhìn nhận thực tế, từ sau khi Việt Nam hội nhập kinh tế quốc tế đến nay, tăng trưởng xuất khẩu tuy nhanh nhưng chưa bền vững, rất dễ bị tổn thương bởi các cú sốc từ bên ngoài. Hơn nữa, phần lớn sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam chủ yếu là gia công; các doanh nghiệp FDI thích ứng và tận dụng ưu đãi từ FTA tốt hơn. Ngoài ra, những mặt hàng có tốc độ tăng trưởng nhanh và chiếm tỷ trọng lớn của Việt Nam đều hạn chế về năng suất, diện tích, khả năng khai thác (nông, lâm, thủy sản và khoáng sản) hoặc phụ thuộc quá nhiều vào công nghệ, nguyên liệu hay thị trường ngoài nước nên giá trị gia tăng thấp (dệt may, da giày). Do đó, Giám đốc Trung tâm WTO và hội nhập Nguyễn Thị Thu Trang đề xuất, Chính phủ cần tiếp tục thúc đẩy hỗ trợ thông qua những cơ chế, chính sách ưu đãi; ban hành ngay các văn bản quy phạm pháp luật để thực thi, cụ thể hóa các cam kết hội nhập nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp chớp thời cơ, cơ hội trong thương mại quốc tế một cách toàn diện, đồng bộ. Hướng tới mục tiêu phát triển kinh tế đi liền với tăng trưởng bền vững, góp phần mở rộng quan hệ thương mại trong tương lai. Mặt khác, đứng trước "cánh cửa" hội nhập, sự chủ động của mỗi doanh nghiệp là điều hết sức quan trọng. Doanh nghiệp cần tìm hiểu kỹ cam kết trong các FTA, có sự chuẩn bị, hành động phù hợp để tận dụng tối đa các cơ hội cũng như xử lý các thách thức nếu xảy ra. Quan trọng nhất, doanh nghiệp cần tập trung nâng cao năng lực để có đủ nền tảng, sức cạnh tranh trong bối cảnh hội nhập, nhưng cũng cần đề cao các yêu cầu chất lượng, phòng vệ thương mại, tránh để hàng hóa bị trả về vì không đáp ứng tiêu chuẩn hoặc bị khởi kiện,...