Phóng viên: Thưa đồng chí, nhiệm kỳ vừa qua, giá trị công tác xã hội nhân đạo của toàn Hội đạt hơn 16.200 tỷ đồng, trợ giúp hơn 43,5 triệu lượt người. Để đạt được kết quả nêu trên, Hội Chữ thập đỏ Việt Nam đã triển khai các hoạt động nhân đạo trong các cấp Hội như thế nào và đạt được những kết quả nổi bật ra sao?
Đồng chí Bùi Thị Hòa: Có thể khẳng định rằng, các phong trào, cuộc vận động, các nhiệm vụ trọng tâm của Hội Chữ thập đỏ Việt Nam trong những năm qua đã được triển khai thiết thực, gắn với quá trình phát triển kinh tế-xã hội, giảm nghèo bền vững tại địa phương, cơ sở và thích ứng trong bối cảnh Covid-19; xuất hiện nhiều mô hình trợ giúp nhân đạo sáng tạo, hiệu quả, có sự lan tỏa rộng khắp, thiết thực trợ giúp cho cộng đồng.
Ra đời từ năm 1999, phong trào “Tết vì người nghèo và nạn nhân chất độc da cam” ngày càng đổi mới trong phương thức trợ giúp và tiếp tục khẳng định sức sống bền bỉ của một phong trào. Nét mới của phong trào là sự chỉ đạo đồng bộ, thống nhất trong hệ thống, sự vào cuộc của cấp ủy đảng, chính quyền nhiều địa phương, sự tham gia của ngày càng nhiều cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, nhà hảo tâm, trở thành phong trào của toàn xã hội. Trong nhiệm kỳ qua, toàn Hội đã vận động và trao tặng hơn 13,1 triệu suất quà Tết, với tổng trị giá đạt hơn 5.750 tỷ đồng, gấp gần 1,5 lần so với nhiệm kỳ IX.
Cuộc vận động “Mỗi tổ chức, mỗi cá nhân gắn với một địa chỉ nhân đạo” đã trợ giúp và vận động trợ giúp hơn 500 nghìn địa chỉ nhân đạo, với giá trị trợ giúp gần 1.100 tỷ đồng, trao tặng 3.468 nhà Chữ thập đỏ; gần 60% địa chỉ nhân đạo do các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp trợ giúp thông qua hồ sơ giới thiệu của Hội. Cuộc vận động tiếp tục khẳng định sự đúng đắn trong cách tiếp cận hỗ trợ người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn bảo đảm tập trung nguồn lực, đề cao trách nhiệm xã hội của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, nhà hảo tâm và phát huy vai trò nòng cốt, cầu nối, điều phối của Hội.
Đặc biệt, kể từ năm 2018, Tháng Nhân đạo - Tháng cao điểm vận động nguồn lực thực hiện các nhiệm vụ nhân đạo vào tháng 5 hằng năm, thiết thực chào mừng Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, kỷ niệm Ngày Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế, lần đầu tiên được triển khai và dần đi vào tiềm thức của người dân Việt Nam. Mặc dù mới ra đời nhưng kết quả Tháng Nhân đạo năm sau cao hơn năm trước, thu hút ngày càng nhiều cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, nhà hảo tâm và các tầng lớp nhân dân tham gia. Qua 5 năm thực hiện, tổng trị giá vận động trong Tháng Nhân đạo đạt 2.058 tỷ đồng; trợ giúp gần 4,5 triệu lượt người có hoàn cảnh khó khăn...
Phóng viên: Trước những diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, các cán bộ, hội viên, tình nguyện viên Chữ thập đỏ cả nước đã nỗ lực không ngừng nghỉ tham gia tuyến đầu chống dịch, không ngại hiểm nguy. Đồng chí có thể chia sẻ những dấu ấn, hình ảnh xúc động thể hiện tinh thần “Vì mọi người, ở mọi nơi” của cán bộ, hội viên, tình nguyện viên Chữ thập đỏ?
Đồng chí Bùi Thị Hòa: Trong cuộc chiến “chống dịch như chống giặc” của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta, các cấp Hội Chữ thập đỏ Việt Nam đã tích cực tham gia hoạt động phòng, chống đại dịch Covid-19. Hơn 17 triệu khẩu trang, hơn hai triệu bánh/chai xà-phòng, dung dịch sát khuẩn, hơn 235 nghìn bộ quần áo chống dịch, cùng hàng nghìn tấn hàng hóa thiết yếu với tổng giá trị đạt gần 1.022 tỷ đồng đã được gửi đến các lực lượng tuyến đầu chống dịch, những người dân bị ảnh hưởng bởi Covid-19, lao động ngoại tỉnh, lao động từ các vùng dịch trở về địa phương mất thu nhập do ảnh hưởng bởi dịch bệnh; tổ chức hiệu quả chiến dịch “Kết nối cộng đồng - vượt qua thử thách”, chương trình “Túi hàng gia đình”, mô hình “Chợ nhân đạo”...
Thành phố Hồ Chí Minh là nơi ảnh hưởng nặng nề nhất của dịch bệnh ngay từ khi Covid-19 bùng phát lần thứ tư năm 2021 tại Việt Nam. Hơn 10 nghìn cán bộ, hội viên, tình nguyện viên Chữ thập đỏ thành phố nhiễm Covid-19, trong đó, 48 cán bộ, tình nguyện viên Chữ thập đỏ đã vĩnh viễn ra đi khi tham gia tình nguyện phòng, chống dịch. Trong cuộc chiến chống dịch Covid-19, những người “chiến sĩ áo đỏ” ấy cũng như bao lực lượng chống dịch khác đã tham gia tích cực, sáng tạo, nỗ lực, tâm huyết, vượt lên chính mình để trợ giúp người dân, người bệnh bị ảnh hưởng, bị nhiễm bệnh và ra đi bởi Covid-19. Nhiều mô hình đã được các cấp Hội thành phố triển khai: Câu lạc bộ “Chuyến xe nghĩa tình chung tay đẩy lùi dịch Covid-19”, huy động hơn 60 xe ô-tô cá nhân, xe bán tải để vận chuyển lương thực, thực phẩm, thiết bị, vật tư y tế, vận chuyển trẻ sơ sinh, mẹ bầu, các suất cơm tình thương; chương trình “Ô-xi yêu thương” với 4.415 bình ô-xi miễn phí, với nhiều dung tích được các tình nguyện viên chuyển đến cấp cứu bệnh nhân tại nhà; “Đội Tình nguyện viên phản ứng nhanh” trợ giúp bệnh nhân; “Đội Vận động trợ táng” cho người có hoàn cảnh khó khăn qua đời; “Phiên chợ 0 đồng”, “Phiên chợ nghĩa tình”, “Siêu thị 2K”, “Phiên chợ Nhân ái-Nghĩa tình”… được thực hiện một cách có hiệu quả trong thời điểm diễn ra các cấp độ của đại dịch Covid-19.
Khi đại dịch Covid-19 tiếp tục bùng phát và diễn biến khó lường trên phạm vi cả nước, nhất là khi nhiều địa phương trên cả nước trở thành tâm dịch, những “chiến sĩ áo đỏ” của Thủ đô Hà Nội không quản ngại khó khăn, ngày đêm chuyển đến những vùng đỏ - điểm nóng tâm dịch những “túi hàng gia đình” - nghĩa tình của người dân và doanh nghiệp Hà Nội. Đáp lại ân tình “Hà Nội với cả nước, Thủ đô vì cả nước”, Hội Chữ thập đỏ Thủ đô trở thành “nhịp cầu” tiếp nhận “chi viện” gần 600 tấn gạo, rau củ quả từ Hội Chữ thập đỏ các tỉnh phía bắc để hỗ trợ người dân có hoàn cảnh khó khăn và lực lượng tuyến đầu chống dịch Covid-19 trên địa bàn thành phố.
Phóng viên: Để phát huy hiệu quả vai trò nòng cốt trong công tác nhân đạo, từ thiện, thiết thực trợ giúp những người có hoàn cảnh khó khăn, người bị tổn thương vươn lên trong cuộc sống, đồng chí cho biết phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm của Hội trong thời gian tới?
Đồng chí Bùi Thị Hòa: Trong nhiệm kỳ 2022-2027, Hội Chữ thập đỏ Việt Nam sẽ triển khai các hoạt động nhân đạo tập trung vào một số định hướng lớn, với hai khâu đột phá, một phong trào, một cuộc vận động lớn, hai chương trình trọng điểm và hai đề án.
Hai khâu đột phá, đó là: Vận động chính sách liên quan đến tổ chức và hoạt động Hội; chủ trì cùng Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên xây dựng cơ chế phối hợp trong hoạt động nhân đạo; phát triển mạnh mẽ lực lượng tình nguyện viên, hình thành mạng lưới tổ, nhóm thiện nguyện trong các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, tổ chức tôn giáo.
Một phong trào lớn-Một cuộc vận động lớn, đó là: Phong trào “Người tốt, việc thiện-Chung sức xây dựng cộng đồng nhân ái”, với mục tiêu chính là không ngừng nhân lên những tấm gương người tốt, việc thiện ở mỗi cơ quan, trường học, tổ chức, doanh nghiệp, cộng đồng, qua đó góp phần hình thành lối ứng xử nhân văn, nhân ái trong xã hội, là hoạt động cụ thể để tuyên truyền các giá trị nhân đạo và tư tưởng nhân đạo Hồ Chí Minh. Cuộc vận động “Mỗi tổ chức, mỗi cá nhân gắn với một địa chỉ nhân đạo” tiếp tục được tổ chức sâu rộng như hoạt động nền tảng, căn cốt của mỗi cấp Hội với sự trợ giúp mạnh mẽ của công nghệ thông tin và vận động sự tham gia của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cộng đồng, trường học, khu vực tư nhân, bảo đảm trợ giúp và vận động trợ giúp hầu hết các địa chỉ nhân đạo thuộc ngân hàng địa chỉ nhân đạo do Hội quản lý. Đồng thời, xác định “ngư dân nghèo, khó khăn”, “trẻ em nghèo, khuyết tật” là các “địa chỉ nhân đạo” trong cuộc vận động này ở những địa bàn liên quan.
Hai chương trình trọng điểm, đó là: Chương trình “An toàn cho ngư dân nghèo, khó khăn” hướng đến cải thiện điều kiện lao động, an toàn và sinh kế cho ngư dân nghèo, có hoàn cảnh khó khăn tại 291 xã đặc biệt khó khăn, bãi ngang ven biển, hải đảo thuộc 23/28 tỉnh, thành phố có biển; Chương trình “Dinh dưỡng cho trẻ em nghèo, khuyết tật” hướng đến hỗ trợ dinh dưỡng và cải thiện điều kiện học tập, sinh hoạt cho trẻ em nghèo, khuyết tật tại khu vực miền núi phía bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ, các cơ sở nuôi dưỡng trẻ tập trung tại 27 tỉnh, thành phố (gồm 26 tỉnh, thành phố đã và đang triển khai Chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương” và tỉnh Hòa Bình).
Hai đề án, đó là: Đề án “Nâng cao nhận thức cộng đồng về phòng tránh tai nạn, thương tích và tổ chức hoạt động sơ cấp cứu dựa vào cộng đồng”; Đề án “Xây dựng mô hình chăm sóc người cao tuổi khó khăn dựa vào cộng đồng”.
Phóng viên: Trân trọng cảm ơn đồng chí.