Khẳng định thương hiệu thành phố sáng tạo

Sau hai năm bị đình trệ bởi dịch Covid-19, Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội 2022 đem lại một xung lực mới trong những hoạt động thiết kế sáng tạo trên địa bàn. Hơn 50 sự kiện của Lễ hội được tổ chức tại nhiều địa điểm khác nhau, từ khu vực trung tâm như phố đi bộ quanh hồ Hoàn Kiếm cho đến khu vực ngoại thành như Bảo tàng Gốm Bát Tràng, Thành cổ Sơn Tây… góp phần khẳng định, lan tỏa thương hiệu Thành phố sáng tạo của Hà Nội.
0:00 / 0:00
0:00
Cổng sáng tạo là điểm nhấn chính của Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội 2022.
Cổng sáng tạo là điểm nhấn chính của Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội 2022.

Không gian hồ Hoàn Kiếm dịp cuối tuần qua trở nên khác lạ với hàng loạt không gian trưng bày, biểu diễn, trải nghiệm và tương tác. Một trong những trưng bày nổi bật nhất là tác phẩm “Cổng sáng tạo” (Kiến trúc sư Lê Quang Thạch) tại đài phun nước-quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục. Nhìn tổng thể đó là một khối lập phương khổng lồ, với mỗi cạnh dài 14m, được tạo thành bởi những chiếc cột dựng đứng và những dải lụa đan chéo nhau.

Điều đặc biệt hơn nữa, khi ngồi dưới “Cổng sáng tạo”, khách du lịch có thể chạm tay vào đỉnh của đài phun nước mà bình thường nó rất “xa vời”. Đây cũng là ý tưởng của tác giả nhằm tạo cho công chúng một cảm nhận mới khi đến với hồ Hoàn Kiếm. Cũng tại không gian hồ Hoàn Kiếm và phụ cận, khách tham quan còn được chứng kiến nhiều điều lạ mắt khác.

Không gian kiến trúc mang tên “Hội nhập” được đặt ở bờ đông hồ Hoàn Kiếm lấy cảm hứng từ các di sản từ chính hồ Hoàn Kiếm như Tháp rùa, cầu Thê Húc và kiến trúc truyền thống Bắc Bộ...

Tuy nhiên, dưới tư duy của những người làm thiết kế đương đại, tất cả chúng được chuyển thể thành một hình ảnh độc đáo, ấn tượng. Tổng thể, không gian “Hội nhập” giống như một hành lang có mái che. Hệ mái dài được nâng đỡ bởi một tổ hợp gồm 96 cây gỗ tà vẹt lớn vốn sử dụng trên đường ray tàu của thành phố đã bỏ đi.

Chúng được lấy cảm hứng từ 32 chân cột cầu Thê Húc. Hệ mái này được cấu tạo bởi những thanh mây tre đan là vật liệu từ tự nhiên vốn để tạo ra các sản phẩm thủ công mỹ nghệ của làng nghề. Trung tâm của “Hội nhập” là một khoảng sân tĩnh lặng, nơi có thể sẽ được chiêm ngưỡng Tháp rùa ở một góc nhìn rất khác lạ và mới mẻ.

Tại không gian này, Ban Tổ chức trưng bày kết quả của các cuộc thi thiết kế dành cho các nhà sáng tạo trẻ trong khuôn khổ Lễ hội và một số trưng bày khác. Các không gian sắp đặt khác quanh hồ Hoàn Kiếm còn được lấy cảm hứng từ chiếc lá chuối, bông hoa tre, những cánh diều…

Bên cạnh các thiết kế, trưng bày, với chủ đề “Thiết kế và công nghệ”, khách tham quan còn được trải nghiệm nhiều hoạt động liên quan đến công nghệ và thiết kế. Anh Lê Hoàng Minh, sau khi trải nghiệm không gian thực tế ảo tại Trung tâm Thông tin văn hóa Hồ Gươm chia sẻ: “Có quá nhiều thứ mới mẻ tại Lễ hội lần này, trong đó, có những điều bản thân tôi chưa từng trải nghiệm bao giờ.

Hôm nay, tôi đã thử “hóa thân” thành cung thủ bảo vệ Hoàng thành Thăng Long bằng công nghệ thực tế ảo. Tiếp đó, tôi cũng trải nghiệm Di sản Văn hóa thiên nhiên Tràng An và Hoàng thành Thăng Long bằng công nghệ này. Thật sự rất là thú vị. Tôi thấy rất nhiều trẻ em cũng hăng hái tham gia trải nghiệm”.

Hà Nội gia nhập Mạng lưới các Thành phố sáng tạo của UNESCO từ năm 2019. Thành phố đã cam kết thực hiện những sáng kiến xây dựng Thành phố sáng tạo với UNESCO. Nhưng dịch Covid-19 đã khiến không ít hoạt động bị đình trệ. Trước đây, nhiều chuyên gia cho rằng, Hà Nội là Thành phố sáng tạo về thiết kế, nhưng yếu tố thiết kế chưa thật sự đậm nét trong đời sống hằng ngày, trong con mắt của khách du lịch; tỷ lệ người dân chưa biết đến danh hiệu Thành phố sáng tạo còn cao.

Tuy nhiên, thành phố đang nỗ lực thay đổi điều này. Đó là một trong những lý do Lễ hội Thiết kế sáng tạo 2022 không chỉ tổ chức ở một vài trung tâm văn hóa mà được tổ chức tại nhiều không gian khác nhau, tất cả đều hoàn toàn miễn phí nhằm lan tỏa mạnh mẽ nhất tinh thần của thiết kế sáng tạo đến cộng đồng.

Ngoài không gian chính bên hồ Hoàn Kiếm, Lễ hội Thiết kế sáng tạo còn được tổ chức tại một loạt địa điểm khác như: Trung tâm Văn hóa nghệ thuật (số 22, phố Hàng Buồm, quận Hoàn Kiếm), Trung tâm Thông tin văn hóa Hồ Gươm (số 2, phố Lê Thái Tổ, quận Hoàn Kiếm), Thành cổ Sơn Tây (thị xã Sơn Tây), Trung tâm Tinh hoa làng nghề Việt (xã Bát Tràng, huyện Gia Lâm)…

Một số không gian sáng tạo của tư nhân cũng tham gia Lễ hội, điển hình như Complex 01 (phố Tây Sơn, quận Đống Đa) cũng hưởng ứng bằng một loạt sự kiện trưng bày, tọa đàm…

Tinh thần thiết kế sáng tạo còn thể hiện ở nhiều trò chơi dành cho thiếu nhi trong chương trình “Khoe chơi”, hay cuộc thi Thiết kế nhanh-Bảo tồn và phát huy Di sản Nhà máy.

Trong đó, chỉ trong một thời gian ngắn nhất định, các thí sinh phải đưa ra ý tưởng để bảo tồn, phát huy giá trị những nhà máy cũ trên địa bàn thành phố.

Theo Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội Đỗ Đình Hồng: “Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội 2022 tiếp tục khẳng định nguồn lực sáng tạo của Hà Nội bằng cách kết nối các nghệ sĩ, nhà thiết kế sáng tạo, chuyên gia trong nhiều lĩnh vực khác nhau, như: Kiến trúc, mỹ thuật, âm nhạc, sân khấu, công nghệ...; phát huy các nguồn lực văn hóa của Hà Nội và thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển của cộng đồng và tài năng sáng tạo, tạo điểm nhấn cho Hà Nội ở tầm quốc gia và khu vực”. Rất kỳ vọng Hà Nội sẽ có những hoạt động tiếp theo, Lễ hội tiếp theo có sức lan tỏa mạnh mẽ hơn nữa.