Chiến công hiển hách, khẳng định nền độc lập
Ngô Quyền đã có những đóng góp to lớn vào tiến trình lịch sử dân tộc. Chiến công hiển hách của ông đánh bại quân Nam Hán xâm lược trong trận Bạch Đằng năm 938 đã kết thúc hơn 1.000 năm Bắc thuộc, mở ra thời kỳ độc lập lâu dài của dân tộc Việt Nam. Mùa Xuân năm 939, Ngô Quyền bỏ chức Tiết độ sứ với phương Bắc, xây dựng chính quyền độc lập, tự xưng Vương hiệu, chọn Cổ Loa - kinh đô của nhà nước Âu Lạc thời An Dương vương - làm kinh đô cho triều đại của mình và trị vì từ năm 939 đến năm 944.Việc Ngô Quyền định đô ở Cổ Loa đã tiếp nối truyền thống An Dương Vương, mang ý nghĩa phục hồi lại quốc thống.
Công lao của Ngô Quyền đã được viết trong nhiều nguồn chính sử. Đại Việt sử ký toàn thư ghi: “Tiền Ngô Vương có thể lấy quân mới họp của nước Việt ta mà đánh tan được trăm vạn quân của Lưu Hoằng Tháo, mở nước xưng vương, làm cho người phương Bắc không dám lại sang nữa. Có thể nói là một lần nổi giận mà yên được dân, mưu giỏi mà đánh cũng giỏi vậy. Tuy chỉ xưng vương, chưa lên ngôi đế, đổi niên hiệu, nhưng chính thống của nước Việt ta ngõ hầu đã nối lại được”. Ngô Sĩ Liên, Nhà Sử học nổi tiếng thời Lê khẳng định: “Tiền Ngô (vương) nổi lên không chỉ có công chiến thắng mà thôi, việc đặt trăm quan, chế định triều nghi phẩm phục, có thể thấy được quy mô của bậc đế vương”. Nhà Sử học thế kỷ XVIII Ngô Thì Sĩ gắn chặt sự nghiệp trung hưng đất nước của Ngô Quyền với kỳ tích anh hùng của ông ngoài cửa biển Bạch Đằng. Phan Bội Châu tôn vinh Ngô Quyền là vị “Tổ trung hưng nước ta”, chỉ đứng sau “Thủy tổ dựng nước là Hùng Vương”... Những đánh giá đó đã được các nhà sử học hiện đại kế thừa và khẳng định thêm bằng những nghiên cứu mới.
Tôn vinh và tưởng niệm
Tại Hội thảo, các nhà khoa học đã trao đổi những kết quả nghiên cứu về Ngô Quyền, làm rõ các nguồn tư liệu, thư tịch liên quan đến Ngô Quyền nói chung và giai đoạn Ngô Quyền đóng đô ở Cổ Loa nói riêng.
Lăng Ngô Quyền ở Đường Lâm (Sơn Tây, Hà Nội).
Thời gian gần đây đã có những tranh luận cho rằng, quê hương Ngô Quyền ở Đường Lâm (Thanh Hóa). Tại Hội thảo, PGS Nguyễn Minh Tường (Viện Sử học Việt Nam) trình bày những khảo cứu chứng minh, khẳng định quê hương của Ngô Quyền ở Đường Lâm (Sơn Tây, Hà Nội). Ngô Quyền đã được nhân dân nhiều nơi lập đền thờ tưởng nhớ. Hiện nay, ngoài vùng Đường Lâm (Sơn Tây, Hà Nội) có đền và lăng thờ Ngô Quyền thì còn có gần 50 địa phương khác có liên quan đã lập đền thờ tưởng nhớ Ngô Quyền và triều đại Ngô Vương (nhiều nhất là ở vùng Hải Phòng với 34 di tích). Tuy nhiên, tại mảnh đất Cổ Loa lịch sử, nơi Ngô Quyền chọn để định đô cho triều Ngô đến nay vẫn chưa có một công trình nào tưởng niệm ông.
Với Hà Nội, bên cạnh những di tích về Ngô Quyền ở Đường Lâm, một khu lưu niệm về Ngô Quyền trong quần thể di tích Cổ Loa là xứng đáng để ghi nhận công lao của “Vị tổ trung hưng” của dân tộc Việt Nam. Kết quả của Hội thảo “Ngô Quyền và sự nghiệp trung hưng đất nước” là nguồn tư liệu khoa học để Hà Nội tiến tới tổ chức trọng thể kỷ niệm 1.080 năm ngày Ngô Quyền xưng vương, định đô ở mảnh đất Cổ Loa lịch sử vào trung tuần tháng 4-2019, tại Khu di tích cấp Quốc gia đặc biệt Cổ Loa.