Qua khảo sát, cơ quan chức năng đã phát hiện xác một tàu cổ, dài khoảng 20-30m, mạn tàu đã phát lộ, trên thân tàu có nhiều chồng gốm. Địa điểm phát hiện tàu cổ đắm cách bờ khoảng 6-7m, ở độ sâu khoảng 9m. Kiểm tra thực địa, các chuyên gia phát hiện nhiều hiện vật như chén, đĩa, bát với nhiều kích cỡ và hoa văn khác nhau, có niên đại khoảng thế kỷ 15.
Sau khi phát hiện tàu và cổ vật, tỉnh Quảng Ngãi yêu cầu các đơn vị dừng nạo vét thông luồng cảng trong bán kính 100m, tính từ vị trí tàu đắm. Đồng thời, sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cùng các ngành chức năng đã tiến hành xác định vị trí chính xác tàu đắm, phạm vi phân bố của tàu và hiện vật.
UBND tỉnh Quảng Ngãi cũng đã họp bàn phương án khai quật khẩn cấp tàu cổ đắm tại vùng biển Dung Quất. Phương pháp thực hiện khai quật tàu cổ sẽ sử dụng thợ lặn mang theo ống lặn và máy quay, định vị nhằm thu thập thông tin tàu cổ, hiện vật. Các cổ vật sau khi trục vớt được sẽ xử lý sơ bộ, lập hồ sơ bảo quản theo quy định.
Chỉ đạo về việc khai quật tàu cổ vừa được phát hiện tại vùng biển Dung Quất, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Trần Ngọc Căng khẳng định, di sản văn hóa dưới nước là tài sản quý của tỉnh, quốc gia. Vì vậy, công tác khai quật phải bảo đảm an toàn, nguyên trạng các cổ vật hiện có trên tàu đắm.
Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi yêu cầu, các ngành chức năng tham mưu, lựa chọn đơn vị khai quật có năng lực và triển khai trước ngày 20-9 để tránh mưa bão, trả lại mặt bằng cho đơn vị thi công nạo vét thông luồng cảng. Tất cả các phương án, thủ tục phải hoàn thành báo cáo Thường trực Tỉnh ủy trước khi xem xét phê duyệt trong thời gian sớm nhất.
Tiến sĩ Nguyễn Đăng Vũ, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Quảng Ngãi cho biết: “Hiện, chúng tôi đang hoàn chỉnh dự thảo mời các đơn vị, doanh nghiệp có chức năng trục vớt khai quật tàu cổ dưới nước để tham gia khai quật tàu cổ. Đồng thời, xây dựng các tiêu chí lựa chọn tổ chức, cá nhân thực hiện khai quật khẩn cấp tàu cổ đắm ở vùng biển Dung Quất; thành lập tổ tư vấn xét chọn, cấp phép khai quật. Các cổ vật thu được chuyển về Bảo tàng tổng hợp Quảng Ngãi bảo quản, phục vụ công tác nghiên cứu”.
Cảng Dung Quất thuộc Khu kinh tế Dung Quất hiện có sáu đơn vị khai thác vận chuyển hàng hóa, thiết bị công nghiệp nặng và các sản phẩm từ nhà máy lọc dầu Dung Quất. Mỗi ngày, có hàng chục tàu thuyền cập cảng xuất, nhập hàng hóa. Do vậy, dễ ảnh hưởng, xáo trộn hiện trạng tàu đắm cùng các cổ vật. “Chúng tôi cũng phối hợp Bộ đội Biên phòng tỉnh, Công an tỉnh, UBND huyện Bình Sơn trong việc bảo vệ hiện trường cả trên bờ và dưới nước, giữ nguyên hiện trạng cổ vật cho đến khi hoàn thành công tác khai quật”, Tiến sĩ Nguyễn Đăng Vũ cho biết thêm.
Đây không phải là lần đầu tiên tàu cổ bị đắm cùng các cổ vật được phát hiện vùng biển Quảng Ngãi. Năm 2013 và 2014, ngư dân cùng các ngành chức năng tỉnh Quảng Ngãi liên tiếp phát hiện sáu tàu cổ đắm cùng hàng nghìn cổ vật ở vùng biển Vũng Tàu thuộc xã Bình Châu, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi. Các hiện vật đã được khai quật và phục vụ công tác nghiên cứu.
Và hiện nay, vùng biển Dung Quất tiếp tục phát hiện tàu cổ bị đắm cùng cổ vật. Điều này tiếp tục minh chứng cho vùng biển Quảng Ngãi một thời buôn bán giao thương mạnh mẽ với bên ngoài trên con đường tơ lụa, gốm sứ trên biển, chứng minh vùng biển Bình Sơn là nơi neo đậu của các thuyền buồm trên đường hải hành, giao dịch thương mại. Đây sẽ là cơ sở để các chuyên gia, nhà nghiên cứu làm rõ thêm các giá trị lịch sử, văn hóa của vùng đất Quảng Ngãi.