Khẩn trương khắc phục khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp

Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh vừa tổ chức hội nghị gặp gỡ, lắng nghe đề xuất của doanh nghiệp. Lãnh đạo thành phố đã thể hiện quyết tâm nhanh chóng tìm kiếm giải pháp nhằm khắc phục những vướng mắc, khó khăn của doanh nghiệp.
0:00 / 0:00
0:00
Công nhân may quần áo xuất khẩu tại một doanh nghiệp ở thành phố.
Công nhân may quần áo xuất khẩu tại một doanh nghiệp ở thành phố.

Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp thành phố Nguyễn Ngọc Hòa cho biết: Từ quý IV/2022, hoạt động sản xuất, kinh doanh trên địa bàn thành phố có phần chậm lại, số lượng doanh nghiệp có doanh thu tăng chỉ còn chiếm 22% tổng số doanh nghiệp, trong khi tỷ lệ này ở quý III/2022 là 26%. Một số doanh nghiệp đang cho người lao động làm việc thay phiên hoặc nghỉ dài ngày (từ trước Tết Nguyên đán Quý Mão 2023 đến nay), với lý do không có đơn hàng dự trữ.

Khảo sát của Hiệp hội cũng cho thấy: Số doanh nghiệp trả mức lương bình quân hơn 10 triệu đồng/tháng giảm từ 80% của quý II/2022 xuống còn 65% của quý IV/2022. Đây là hiện tượng bất thường và báo động so với các năm trước. Trong lĩnh vực xuất khẩu, lạm phát tăng cao, đặc biệt tại các thị trường xuất khẩu chính của ngành dệt may như Mỹ, Liên minh châu Âu (EU), nên lượng hàng tiêu thụ giảm rõ rệt (châu Âu đã giảm tới 60%, Mỹ giảm từ 30% đến 40%), lượng hàng tồn kho tăng lên (chiếm từ 20% đến 25%).

Do vậy, trong quý IV/2022 và quý I/2023, số khách hàng giảm sút, không đặt đơn hàng mới, hoặc có đơn hàng nhưng cạnh tranh gay gắt về giá, nhiều khách hàng đưa ra mức giá chỉ bằng 50% so với mức bình thường, thậm chí có trường hợp chỉ bằng 40%. Hệ quả là từ cuối năm 2022, nhiều doanh nghiệp đã phải cắt giảm lao động lẫn quy mô sản xuất. Theo ông Hòa, một số ngành đang gặp khó khăn nghiêm trọng như mỹ nghệ, chế biến gỗ, bất động sản, vật liệu xây dựng…

Từ thực tế đó, Hiệp hội Doanh nghiệp Thành phố kiến nghị chính quyền thành phố thực hiện nhiều giải pháp. Trước hết, ngành ngân hàng cần có biện pháp hạ lãi suất huy động của các ngân hàng thương mại, khống chế mức lợi nhuận để các ngân hàng thương mại chia sẻ khó khăn với nền kinh tế hiện nay nhằm hạ lãi suất cho vay.

Nhà nước cần tiếp tục thực hiện chính sách gia hạn nợ vay thêm một năm (năm 2023) đối với các khoản vay trung và dài hạn. Với thị trường trái phiếu và tài chính, kiến nghị Chính phủ có chính sách cho doanh nghiệp phát hành gia hạn, mua lại hay tất toán các khoản nợ với trái chủ. Theo đó, các trái phiếu của tài sản bảo đảm và có kỳ hạn 1 năm trở xuống được gia hạn 12 tháng, trái phiếu có kỳ hạn 3 năm trở lên được gia hạn 18 tháng. Về chính sách thuế, bên cạnh miễn, giảm và gia hạn nộp thuế đối với thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp và tiền thuê đất, Nhà nước cần ưu đãi thuế thu nhập cá nhân đối với người làm công ăn lương, là những người bị ảnh hưởng rất nhiều bởi dịch Covid-19 vừa qua.

Đồng thời, Nhà nước nên tiếp tục áp dụng thuế suất thuế giá trị gia tăng 8% cho tất cả các ngành kinh tế, thời hạn áp dụng tới hết năm 2023. Các loại thuế khác (thuế thu nhập doanh nghiệp, tiền thuê đất, thuế tiêu thụ đặc biệt…) cũng cần được xem xét miễn, giảm để chia sẻ khó khăn doanh nghiệp và khuyến khích phát triển kinh tế trong thời điểm thị trường quốc tế cạnh tranh khốc liệt hiện nay. Ngoài ra, Nhà nước cần chỉ đạo quyết liệt việc giải quyết hoàn thuế đúng thời hạn cho doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp phát triển thuận lợi.

Nhiều doanh nghiệp đề nghị thành phố cần đơn giản hóa thủ tục hành chính hơn nữa để cải thiện môi trường đầu tư-kinh doanh, xem xét mở rộng ngành nghề, nâng số vốn cho vay từ chương trình kích cầu đầu tư để chương trình có hiệu quả lan tỏa hơn và tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn được thuận lợi hơn. Cùng với đó, thành phố cần tập trung giải quyết hồ sơ tồn đọng về cấp chủ quyền đất đai, nhà xưởng, hoàn công để doanh nghiệp, người dân có chủ quyền đất được thuận lợi khi thế chấp để vay vốn từ ngân hàng nhằm phục vụ sản xuất, kinh doanh.

Chính quyền thành phố cần chấn chỉnh hoạt động kiểm tra doanh nghiệp vốn còn nhiều bất hợp lý, tiêu cực hiện nay, đồng thời xem xét lại chính sách cho thuê đất, tạo điều kiện cho doanh nghiệp được thế chấp giá trị đất thuê và tài sản trên đất thuê để vay ngân hàng…

Để tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, hỗ trợ nhà đầu tư và doanh nghiệp, thời gian tới, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố Đào Minh Chánh cho biết: Sở dự kiến phát hành sổ tay đầu tư theo các quy định mới của Luật Đầu tư năm 2020 và các văn bản pháp luật có liên quan. Sở Kế hoạch và Đầu tư đã trình Ủy ban nhân dân thành phố ban hành “Quy chế phối hợp giải quyết thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư các dự án có sử dụng đất trên địa bàn thành phố” để tăng cường sự phối hợp giữa các cơ quan trong quá trình thực hiện thủ tục hành chính.

Sở tiếp tục hoàn thiện, bổ sung chức năng hệ thống đầu tư nước ngoài và hệ thống đầu tư trực tuyến của Sở. Đối với hoạt động xúc tiến đầu tư, giải quyết khó khăn cụ thể của các nhà đầu tư, Sở Kế hoạch và Đầu tư đang triển khai thực hiện kế hoạch tổ chức lắng nghe ý kiến doanh nghiệp, nhà đầu tư thường xuyên theo định kỳ hằng quý.

Sở tăng cường tiếp xúc, hỗ trợ nhà đầu tư thông qua việc cung cấp thông tin, tổ chức các hoạt động tuyên truyền, phổ biến pháp luật, duy trì các kênh thông tin thường xuyên đối với doanh nghiệp (điện thoại, Zalo, Viber, Email...) để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp. Các nội dung còn vướng mắc theo quy định của pháp luật (cần tháo gỡ để đẩy nhanh việc thực hiện các thủ tục đầu tư) sẽ được đưa vào dự thảo nghị quyết thay thế Nghị quyết số 54/2017/QH14 ngày 24/11/2017 về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh để trình Quốc hội ban hành.

Đồng chí Nguyễn Văn Nên, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh mong muốn cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân phát huy cao độ tinh thần chiến binh trong sản xuất, kinh doanh, trên thương trường, chung sức và đồng lòng với chính quyền vì sự phát triển của thành phố. Cộng đồng doanh nghiệp và chính quyền cùng các cơ quan quản lý nhà nước cần nỗ lực với 200% khả năng, sức lực của mình để có thể tồn tại và phát triển trong giai đoạn hiện nay.

Đồng chí yêu cầu chính quyền các cấp và cơ quan quản lý nhà nước ở thành phố cần khắc phục nhanh hơn nữa những vấn đề bất cập (vốn có) của thành phố; còn những vấn đề không thuộc thẩm quyền thì thành phố sẽ tiếp thu và đề xuất, kiến nghị Trung ương xem xét… Bên cạnh đó, đồng chí yêu cầu công khai, minh bạch, bình đẳng và lành mạnh hóa mối quan hệ doanh nghiệp-chính quyền, cơ quan quản lý nhà nước; làm sao cho mối quan hệ này ngày càng trong sáng và tốt đẹp hơn.

Cần tối giản hơn nữa thủ tục hành chính, bảo đảm nhanh, trôi chảy và thông suốt hơn nữa. Mỗi sở, ngành, cơ quan, đơn vị và cá nhân cần soi lại mình, soi lại từng việc đã làm để đề ra được những việc mới, cách làm mới, để làm đúng, làm tốt và nhanh công việc hơn nữa. Đồng chí cũng yêu cầu phải “làm mới”, “làm nóng” hơn chương trình cho vay kích cầu của thành phố để phù hợp hơn với bối cảnh mới, để đồng hành và đồng cảm với doanh nghiệp hơn…