Khẩn trương khắc phục hậu quả mưa lũ

Do ảnh hưởng bão số 2, những ngày qua trên địa bàn thành phố Hà Nội xảy ra mưa lớn trên diện rộng, với tổng lượng mưa từ 85 mm đến 190 mm, gây ngập úng nhiều khu vực, ảnh hưởng đến giao thông đi lại, sản xuất nông nghiệp của người dân. Các địa phương đang tập trung khắc phục hậu quả mưa lũ.
0:00 / 0:00
0:00
Lực lượng chức năng huyện Quốc Oai khắc phục hậu quả mưa lũ. (Ảnh QUỐC PHƯƠNG)
Lực lượng chức năng huyện Quốc Oai khắc phục hậu quả mưa lũ. (Ảnh QUỐC PHƯƠNG)

Từ ngày 22 đến 24/7, bão số 2 đã ảnh hưởng trực tiếp địa bàn thành phố Hà Nội. Tổng lượng mưa đo được đến thời điểm 11 giờ ngày 24/7 tại một số khu vực ở quận Hà Đông là gần 310 mm, quận Hoàng Mai là gần 300 mm, quận Nam Từ Liêm hơn 220 mm, quận Thanh Xuân hơn 210 mm; khu vực huyện Quốc Oai là hơn 270 mm, huyện Thanh Oai hơn 270 mm, huyện Thanh Trì hơn 230 mm…

Mưa lớn kéo dài làm mực nước tại các sông dâng cao, việc tiêu thoát nước chậm, gây úng ngập tại các phố Đàm Quang Trung, Cổ Linh, Ngọc Lâm, Hoa Lâm, Vũ Xuân Thiều (quận Long Biên); Phan Văn Trường, Dương Đình Nghệ (quận Cầu Giấy); các hầm chui Đại lộ Thăng Long… khiến người dân đi lại khó khăn. Mực nước trên sông Nhuệ tại cống Hà Đông 5,45m, hạ lưu đập Thanh Liệt 5,56m.

Tại khu vực ngoại thành, nhất là nhiều địa phương gần khu vực sông Tích, sông Bùi cũng bị ngập úng sâu. Do nước sông Bùi từ Hòa Bình đổ về lớn, từ sáng 24/7, mực nước dâng rất nhanh đã gây ngập úng khu vực dân cư Bùi Xá, thị trấn Xuân Mai, huyện Chương Mỹ.

Lực lượng chức năng đã nhanh chóng có mặt để hỗ trợ người dân di chuyển người và tài sản đến nơi an toàn, nhưng nhiều người dân vẫn rất lo lắng. Anh Nguyễn Văn Đạt, sinh sống tại thị trấn Xuân Mai cho biết, nước lũ từ rừng đổ về quá nhanh.

Khoảng 22 giờ ngày 23/7, mực nước vẫn thấp dưới đường khoảng 50 cm, nhưng đến 5 giờ sáng 24/7, nước đã dâng cao hơn đường gần 1 m. Nơi đây là vùng thoát lũ, người dân vốn rất quen với lũ lụt kéo dài, nhưng lần này lũ về nhanh khiến người dân không kịp trở tay. Nhiều tài sản trong nhà anh Đạt bị ngập nước, hư hỏng.

Để chủ động ứng phó với bão số 2, Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn huyện Chương Mỹ đã có công điện yêu cầu các đơn vị, địa phương, nhất là những khu vực có nguy cơ cao xảy ra ngập lụt, sạt lở, sự cố công trình chuẩn bị lực lượng, phương tiện, trang thiết bị, nhu yếu phẩm theo phương châm bốn tại chỗ.

Đặc biệt, các địa bàn chịu ảnh hưởng lũ rừng ngang, như thị trấn Xuân Mai, các xã Thủy Xuân Tiên, Tân Tiến, Nam Phương Tiến, Hoàng Văn Thụ… chủ động phương án sơ tán người dân khi có lũ lớn tràn về, bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản của người dân.

Xí nghiệp Đầu tư phát triển thủy lợi Chương Mỹ kiểm tra, xử lý sự cố, bảo đảm an toàn hồ đập và chủ động vận hành các trạm bơm tiêu úng bảo vệ sản xuất nông nghiệp.

Tại huyện Quốc Oai, hồi 10 giờ 10 phút ngày 24/7, mực nước trên sông Tích tại trạm thủy văn cống Vĩnh Phúc đã lên đến 8,01m (trong khi mức báo động lũ cấp III là 8,0m), Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn huyện Quốc Oai ban hành Lệnh báo động lũ cấp III trên sông Tích.

Mưa lớn cộng nước sông dâng cao đã làm cống tiêu tại đê bao Phú Bình, xã Phú Cát bị sụt lún. Cầu Tân Phú, cầu Đại Thành, cầu Đông Thượng ở xã Cấn Hữu đi Xuân Mai bị ngập sâu. Mưa lũ làm hư hại nhiều nhà cửa và một người chết do lũ cuốn; nhiều diện tích đất trồng lúa, hoa màu, cây ăn quả, ao nuôi thủy sản bị ngập sâu…

Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn huyện Quốc Oai yêu cầu Xí nghiệp Thủy lợi Quốc Oai và các hợp tác xã nông nghiệp vận hành 13 trạm bơm tiêu, với 44 máy bơm công suất lớn để tiêu úng cho các diện tích đất sản xuất nông nghiệp.

Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các xã, thị trấn thực hiện kế hoạch và phương án phòng chống thiên tai theo từng cấp báo động; chủ động các biện pháp phòng chống, tìm kiếm cứu nạn, tại chỗ kịp thời, hiệu quả; hỗ trợ các gia đình, cá nhân bị ảnh hưởng, thiệt hại về người và tài sản, hỗ trợ di chuyển vật nuôi và tài sản khi cần thiết…

Hiện nay tình hình mưa lũ, nhất là khu vực thượng nguồn các sông Tích, sông Bùi diễn biến phức tạp, dự kiến còn mưa kéo dài và lũ từ thượng nguồn sẽ tiếp tục đổ về Hà Nội, cộng với việc hồ thủy điện Hòa Bình xả lũ, dự báo mực nước các sông còn dâng cao, đe dọa an toàn hệ thông đê điều, hồ đập.

Các địa phương cần chủ động các biện pháp ứng phó mưa lũ; thường xuyên kiểm tra các công trình đê điều, hồ đập; khi phát hiện sự cố cần nhanh chóng xử lý tại chỗ, bảo đảm an toàn tính mạng và tài sản của người dân.