Khẩn trương hoàn thành dự án sửa chữa và nâng cao an toàn đập

NDO -

Hiện nay, đã bước vào mùa mưa lũ vì vậy việc bảo đảm an toàn cho các hồ đập và ao chứa là một trong những nhiệm vụ rất quan trọng. Ngày 8/9, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn họp trực tuyến tổng kết đoàn giám sát dự án Sửa chữa và nâng cao an toàn đập (WB8).

Đến nay có 335 hồ đập trong tổng số 469 hồ đập đã và đang được nâng cấp để nâng cao hệ số an toàn.
Đến nay có 335 hồ đập trong tổng số 469 hồ đập đã và đang được nâng cấp để nâng cao hệ số an toàn.

Vẫn còn chậm hoàn thành thủ tục đấu thầu

Phát biểu tại cuộc họp ông Phạm Hùng Cường, đại diện Đoàn giám sát của Ngân hàng Thế giới (WB) cho biết: Qua 4 tháng triển khai thực hiện (từ cuối tháng 4/2021 cuối tháng 8/2021), dự án WB8 đã đạt được những kết quả đáng khích lệ.

Về mặt tổng thể, có 335 hồ đập trong tổng số 469 hồ đập đã và đang được nâng cấp để nâng cao hệ số an toàn. Trong số 335 hồ này, có 145 hồ đã hoàn thành công tác nâng cấp, sửa chữa, nâng cao hệ số an toàn (riêng trong 4 tháng vừa qua đã có 100 hồ hoàn thành sửa chữa nâng cấp, với số vốn giải ngân khoảng 17 triệu USD).

Với tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp như trên, WB đánh giá cao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ban quản lý Trung ương các dự án thủy lợi, Ban quản lý dự án WB8 cũng như các địa phương triển khai dự án.

“Đến nay, dự án WB8 đã giải ngân được tổng số 166 triệu USD (tương đương 40% vốn dự án). Bên cạnh đó, tất cả các tiểu dự án đều đã được phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi. Chỉ còn 3-4 báo cáo tác động môi trường và xã hội đang chờ được phê duyệt (dự kiến hoàn thành vào giữa tháng 10/2021)”, ông Phạm Hùng Cường thông tin.

Bên cạnh kết quả đạt được, WB cũng chia sẻ một số tồn tại, hạn chế trong quá trình triển khai dự án WB8, đặc biệt là hai tỉnh Đắk Lắk và Hà Tĩnh chậm hoàn thành các thủ tục để đủ điều kiện đấu thầu thi công sửa chữa, nâng cấp 22 hồ đập. Một số dự án thi công chậm tiến độ do những vướng mắc trong khâu giải phóng mặt bằng.

Đoàn giám sát của WB đưa ra 7 giải pháp để thúc đẩy công tác thực hiện dự án. Thứ nhất là bảo đảm phân bổ vốn và thông báo phân bổ nguồn vốn cho các địa phương ngay từ đầu năm 2022, vì trong 6 tháng đầu năm sau, các nhà thầu sẽ tổ chức thi công dồn dập nên nhu cầu sử dụng vốn rất cao.

Thứ hai, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Ban Quản lý dự án WB8 phải có văn bản nêu rõ thời hạn phê duyệt các thủ tục dự án, thí dụ phê duyệt thiết kế kỹ thuật bản vẽ thi công, kế hoạch lựa chọn nhà thầu, phê duyệt kết quả đấu thầu, trúng thầu để các địa phương bám vào, nếu địa phương không thực hiện đúng thì có thể đưa ra các hình thức xử lý, thí dụ có thể từ chối, không đầu tư dự án nữa.

Thứ ba, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Ban Quản lý dự án WB8 phải cùng các địa phương xác định một số công việc ưu tiên cao để tập trung thi công thực hiện. Đồng thời, nhanh chóng hoàn thành công tác đấu thầu, trao thầu càng sớm càng tốt cho 122 đập để phấn đấu đến hết tháng 6/2022, chúng ta hoàn thành nâng cấp, sửa chữa 447 đập.

Khẩn trương hoàn thành dự án sửa chữa và nâng cao an toàn đập -0
Họp trực tuyến tổng kết đoàn giám sát dự án Sửa chữa và nâng cao an toàn đập (WB8) ngày 8/9. 

Thứ tư, một trong những nguyên tắc bắt buộc đó là chỉ khi có mặt bằng sạch mới trao thầu.

Thứ năm, phải thắt chặt công tác quản lý, quản trị hợp đồng, nhất là các hợp đồng thi công xây lắp. Trong trường hợp phát hiện nhà thầu kém năng lực, thiếu năng lực phải đình chỉ thi công và trao nhiệm vụ đó cho các nhà thầu khác trong liên danh hoặc lựa chọn nhà thầu mới.

Thứ sáu, bảo đảm thanh toán kịp thời cho các đơn vị thi công và nhà cung cấp dịch vụ vì trong tình hình dịch bệnh và nền kinh tế bị ảnh hưởng như hiện nay, việc thanh toán kịp thời sẽ giúp nhà thầu duy trì tiến độ thi công một cách quyết liệt.

Thứ bảy, đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ký một văn bản gửi cho tất cả 34 tỉnh thuộc dự án WB8 và nêu rõ, trường hợp dự án không hoàn thành các hạng mục đầu tư vào 30/6/2022, sau mốc thời gian này, địa phương phải tự bỏ kinh phí ra để tiếp tục hoàn thành dự án đó.

Rà soát kỹ bảo đảm chất lượng thiết bị công trình

Ông Nguyễn Cảnh Tĩnh, Giám đốc dự án WB8 khẳng định, từ nay đến cuối năm 2021 sẽ tổ chức đấu thầu và trao thầu các tiểu dự án sửa chữa, nâng cấp cho 112 đập. Còn đối với 8 hồ lớn cần nâng cấp để nâng cao khả năng xả lũ, ông Đồng Văn Tự, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy lợi cho biết, đã hoàn thành công tác đấu thầu.

Về vấn đề trách nhiệm của các đơn vị triển khai thực hiện, Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp nhấn mạnh: Cả Ban Quản lý Trung ương các dự án Thủy lợi; Ban Quản lý dự án WB8 và các địa phương phải nâng cao năng lực quản trị lên. Bởi, thời gian thực hiện dự án không còn nhiều, phải quy rõ trách nhiệm, thưởng – phạt phân minh. Riêng Ban Quản lý Trung ương các dự án Thủy lợi, cần cam kết hoàn thành sửa chữa, nâng cấp tối thiểu 450 hồ, nếu vượt chỉ tiêu trên thì sẽ thưởng còn nếu dưới 450 hồ sẽ có hình thức phạt.

Đối với các địa phương, nếu dự án nào chậm do lựa chọn nhà thầu yếu, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ làm việc với Ban quản lý dự án ở địa phương đó để thay nhà thầu yếu, đồng thời phê bình Ban quản lý dự án ở địa phương đó.

Khẩn trương hoàn thành dự án sửa chữa và nâng cao an toàn đập -0
 Thứ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Hoàng Hiệp phát biểu tại cuộc họp.

Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp đề nghị các đơn vị tiếp thu đầy đủ các kiến nghị của WB liên qua đến dự án WB8. Đối với hai địa phương Đăk Lăk và Hà Tĩnh, Thứ trưởng Hiệp cho biết: “Chúng tôi đã cảnh báo nhiều lần nhưng địa phương vẫn triển khai chậm. Đề nghị Ban Quản lý Trung ương Các dự án Thủy lợi có văn bản riêng cho từng tỉnh, xem cái gì địa phương làm được, cần làm những gì?... Thậm chí, nếu cần thiết tôi sẽ gọi điện thoại trực tiếp cho Chủ tịch UBND hai tỉnh này để trao đổi”.

Ông cũng lưu ý thêm, đối với các gói thầu liên quan đến lắp đặt thiết bị phục vụ quản lý, giám sát, điều hành cho 35 hồ chứa, Tổng cục Thủy lợi và Ban quản lý dự án phải rà soát thật kỹ, không chỉ lắp thiết bị vào hồ là xong mà còn phải đào tạo vận hành và nhà cung cấp phải cam kết bảo hành 3 năm trở lên, tránh trường hợp “dự án đi thì thiết bị thành cục sắt”. Dứt khoát dự án này không thể để xảy ra tình trạng như vậy.