Trước tình hình này, Chính phủ đã chỉ đạo chấn chỉnh công tác khai thác cát, sỏi, cùng với đó các địa phương vào cuộc quyết liệt, nhờ đó, đã có những chuyển biến tích cực, dư luận nhân dân phấn khởi. Tuy nhiên, hiện nay do cung cầu mất cân đối quá lớn, nhu cầu cát xây dựng lên tới khoảng 130 triệu m3/năm trong khi năng lực cung ứng chỉ đạt khoảng 50%, cho nên giá cát, sỏi tăng mạnh thời gian qua, ảnh hưởng lớn đến hoạt động xây dựng, nhất là tại các đô thị lớn như TP Hồ Chí Minh. Ðiều này đặt ra vấn đề cấp bách bảo đảm đủ nguồn cung cát, sỏi hoặc các vật liệu xây dựng (VLXD) thay thế.
Theo các chuyên gia VLXD, nguyên liệu có thể thay thế cát tự nhiên là cát nhân tạo - loại cát được nghiền từ đá, có cỡ hạt tương tự cát tự nhiên, bảo đảm các yêu cầu về tính chất cơ lý, hóa và có thể trộn lẫn theo tỷ lệ phù hợp với cát tự nhiên trong bê-tông và vữa xây dựng. Xỉ thép từ các nhà máy luyện kim sau khi tái chế cũng là một nguồn vật liệu có thể thay thế cát xây dựng về lâu dài. Ngoài ra, tro, thạch cao có thể thay thế cát làm nền... Hơn nữa, nếu giải được bài toán tìm được nguyên liệu thay thế cát thì sẽ có ý nghĩa lớn khi mà ở những vùng sâu, vùng xa khan hiếm VLXD, việc chở cát lên thường rất tốn kém. Sử dụng tro, xỉ, thạch cao để thay thế cát san lấp không chỉ hạn chế tình trạng khan hiếm cát, mà còn góp phần bảo vệ môi trường, giảm thiểu việc sử dụng tài nguyên. Hiện nay lượng tro xỉ của các nhà máy nhiệt điện thải ra là rất lớn. Các công trình thủy điện đều đã sử dụng cát nghiền thay thế cát tự nhiên trong xây dựng. Nhiều cơ sở sản xuất gạch cốt liệu bê-tông, xi-măng cũng đang sử dụng vật liệu cát nghiền.
Ðể tăng cường sử dụng các loại vật liệu thay thế cát tự nhiên, các bộ, ngành và địa phương cần tăng cường triển khai thực hiện Quyết định số 452/QÐ-TTg ngày 12-4-2017 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Ðề án đẩy mạnh xử lý, sử dụng tro, xỉ, thạch cao của các nhà máy nhiệt điện, nhà máy hóa chất, phân bón làm nguyên liệu sản xuất VLXD và trong công trình xây dựng; bổ sung các tiêu chuẩn, quy chuẩn liên quan việc sử dụng vật liệu thay thế cát tự nhiên trong san lấp; đẩy mạnh nghiên cứu sử dụng cát nhiễm mặn phục vụ xây dựng trong nước; xây dựng, ban hành các tiêu chuẩn sử dụng cát nhiễm mặn làm VLXD. Chính phủ cần có quy hoạch cụ thể ở từng tỉnh, thành phố để xây dựng các nhà máy sản xuất VLXD nhân tạo nhằm bảo đảm vùng nguyên liệu ổn định cho thị trường. Các bộ, ngành, cơ quan chức năng cần hoàn thiện các tiêu chuẩn, quy chuẩn chất lượng của các loại vật liệu thay thế.
Tại hội nghị trực tuyến toàn quốc về triển khai các nhiệm vụ, giải pháp nhằm tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động khai thác, kinh doanh tài nguyên cát, sỏi do Chính phủ tổ chức mới đây, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình yêu cầu các bộ, ngành chức năng tăng cường hướng dẫn sản xuất và sử dụng cát nhân tạo thay thế cát tự nhiên trong lĩnh vực xây dựng, bổ sung các quy chuẩn và tiêu chuẩn kỹ thuật sử dụng VLXD cát tự nhiên trong san lấp. Phó Thủ tướng Trịnh Ðình Dũng yêu cầu đẩy mạnh nghiên cứu, hướng dẫn sản xuất và sử dụng VLXD thay thế cát tự nhiên như tro, xỉ nhiệt điện, cát nhiễm mặn, cát nhân tạo từ đá... để bảo đảm nhu cầu xây dựng theo từng địa phương, khu vực. Các Bộ: Xây dựng, Giao thông vận tải, Công thương... tập trung rà soát, tổng hợp nhu cầu về VLXD để làm cơ sở cho việc khai thác cát, sỏi, khắc phục tình trạng bị động về nguồn cung trong thời gian qua. Liên quan vấn đề này, Thủ tướng Chính phủ vừa có chỉ đạo giao Bộ Xây dựng chủ trì, cùng Bộ Tài nguyên và Môi trường có phương án cung ứng, bán cát theo quy hoạch, bảo vệ môi trường.