Thanh Tùng, nhân viên phụ trách marketing làm việc tại một công ty giao nhận hàng hóa có trụ sở đặt tại quận 1 khá vất vả khi hai lần/tuần chạy xe ô-tô vào trung tâm thành phố; sau đó, tìm chỗ đỗ xe rồi đi bộ đến công ty. Tùng chia sẻ, dù tìm được bãi đỗ xe (trên đường Tôn Thất Thiệp) nhưng chỉ gửi được trong vòng bốn tiếng đồng hồ, với giá 60 nghìn đồng, cũng không có mái che nắng mưa, sau đó, người gửi buộc phải di chuyển xe đến địa điểm khác.
Với những trở ngại này, Tùng cũng như rất nhiều đồng nghiệp phải lựa chọn phương án gửi xe ô-tô theo tháng tại một số trung tâm thương mại gần công ty với giá cao hoặc chỉ đi ô-tô trong trường hợp thật cần thiết. Câu chuyện đầu tư xây dựng bãi đậu xe ô-tô ở khu vực trung tâm cũng đã được các ban, ngành thành phố quan tâm, kể cả thực hiện công tác quy hoạch và kêu gọi các nhà đầu tư. Tuy nhiên, do một số nguyên nhân, trong đó có vướng mắc về thủ tục nên hiện nay thành phố gần như chưa có một bãi đỗ xe ô-tô đúng quy chuẩn, chủ yếu là các bãi đỗ xe nằm trong các khách sạn, trung tâm thương mại.
Theo Sở Xây dựng thành phố, từ năm 2005 đến nay, khu vực trung tâm thành phố có bốn dự án xây dựng bãi đỗ xe ngầm kết hợp dịch vụ thương mại và công cộng, nhưng thực tế chưa có công trình nào được triển khai. Cụ thể như dự án bãi đỗ xe ngầm Sân khấu Trống Đồng, Công viên Lê Văn Tám, Công viên Tao Đàn, Sân vận động Hoa Lư; trong đó, dự án bãi đỗ xe ngầm Công viên Lê Văn Tám được khởi xướng đầu tiên nhưng sau đó cũng đành “phá sản”...
Để giải quyết trước mắt bức bách về chỗ đỗ xe, mới đây UBND thành phố có văn bản gửi Bộ Xây dựng về hướng dẫn thực hiện thí điểm xây dựng nhà đỗ xe cao tầng lắp ghép sử dụng công nghệ xếp xe bán tự động trên địa bàn thành phố. Theo UBND thành phố, giai đoạn hiện nay, việc triển khai các công trình nhà đỗ xe cao tầng lắp ghép, xây dựng tạm thời là rất cần thiết nhằm giải quyết phần nào nhu cầu đỗ xe của người dân, doanh nghiệp.
Thực tế thời gian qua, số lượng ô-tô trên địa bàn thành phố ngày càng gia tăng, nhất là tại khu vực trung tâm thu hút rất lớn lượng xe của người dân, của các công ty từ địa phương khác đến làm ăn, liên hệ công tác, du lịch... Hệ thống bến bãi đỗ xe của thành phố chưa được đầu tư xây dựng theo quy hoạch, hiện chỉ đạt khoảng 20% quy hoạch, thiếu hơn 900ha so với chỉ tiêu gần 1.200ha. Trong báo cáo đề xuất UBND thành phố, Sở Giao thông vận tải thành phố cho rằng, công trình nhà đỗ xe cao tầng lắp ghép có đặc điểm, ưu thế của một công trình tạm, thời gian thi công, lắp đặt, tháo dỡ tương đối ngắn (khoảng ba tháng), diện tích chiếm dụng nhỏ (49m2 cho 16 đến 21 xe ô-tô đến chín chỗ).
Bên cạnh đó, kinh phí đầu tư ban đầu có thể chấp nhận được và có thể tháo dỡ, di dời để lắp đặt tại vị trí khác; linh hoạt trong triển khai các phương án cải tạo, chỉnh trang hệ thống tường, khung bao che nhằm bảo đảm phù hợp với cảnh quan, môi trường chung quanh. Theo lãnh đạo Sở Giao thông vận tải, nếu được Bộ Xây dựng có hướng dẫn thực hiện thì việc tổ chức nhà đỗ xe cao tầng lắp ghép ở một số nơi như Công viên 23 Tháng 9, Công viên Gia Định, Tao Đàn... sẽ góp phần đáp ứng nhu cầu đỗ xe khi ra, vào khu vực nội đô, là giải pháp khả thi và hiệu quả trong ngắn hạn cho vấn đề khan hiếm bãi xe của thành phố.
“Công trình nhà đỗ xe cao tầng lắp ghép có thể bố trí tại các vị trí trên đất của đường bộ, đất công viên hoặc đất quy hoạch xây dựng công trình công cộng (nhưng chưa thực hiện dự án, chưa khai thác hết công năng). Tuy nhiên, việc xây dựng công trình này chưa có tiền lệ và cần xem xét bảo đảm phù hợp quy định”, đề xuất của UBND thành phố nêu. UBND thành phố cũng kiến nghị Bộ Xây dựng có hướng dẫn về một số nội dung liên quan đến xây dựng công trình tạm là nhà đỗ xe cao tầng lắp ghép như: trình tự thủ thục lập, phê duyệt chủ trương đầu tư, dự án đầu tư; cơ sở thẩm định phê duyệt dự án, thiết kế; trình tự, thủ tục thực hiện cấp phép xây dựng.
Kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn nhận định, việc đầu tư xây dựng bãi đỗ xe cao tầng lắp ghép chỉ là giải pháp “chữa cháy” trước mắt, có khả năng thi công ngay vì làm ở những khu đất trống, có kết cấu đơn giản, ít tốn kém chi phí. Song, về lâu dài và căn cơ thì buộc thành phố phải siết lại các quy định về tỷ lệ đất dành cho bãi đỗ xe ở các khu phức hợp, trung tâm thương mại bởi lâu nay, hầu hết các nhà đầu tư đều lách luật.
Việc này chỉ có lợi cho nhà đầu tư nhưng lại đổ gánh nặng lên vai chính quyền thành phố. Kiến trúc sư Nam Sơn cũng cho rằng, thành phố quy hoạch và đầu tư các dự án bãi đậu xe ngầm là xu hướng không bền vững, trái với xu hướng chung vì việc đào ngầm, bê-tông bên dưới sẽ hạn chế khả năng thẩm thấu và tiêu thoát nước, dẫn đến nguy cơ gây ngập lụt ngày càng nặng nề hơn. Do đó, giải pháp xây dựng bãi đậu xe cao tầng (7-10 tầng) như các nước đã làm là phù hợp, tăng tối đa diện tích đỗ xe, mà chi phí cũng hợp lý; đồng thời, cần có chính sách khuyến khích các nhà đầu tư tham gia.
Hiện một số doanh nghiệp tại thành phố đã đầu tư bãi đỗ xe cao tầng như Công ty Samco đầu tư khu nhà để xe 10 tầng tại khu vực phường Cô Giang (quận 1); nhà xe lắp ghép cao tầng của Công ty cổ phần Đầu tư TCP tại sân bay Tân Sơn Nhất có tổng diện tích sàn 67.000m2 với công suất 6.000 xe máy, 1.500 xe ô-tô và 700 xe taxi.