Còn nhớ cuối tháng 12-2005, nhạc sĩ Phú Quang tổ chức đêm nhạc Có một ngày với một con đường với giá được kích lên 1 triệu đồng/vé đã tạo thành sự kiện: đáng đồng tiền bát gạo hay chỉ là chiêu gây sốc? Và Phú Quang cũng từng trả lời rằng: "Mọi người mới nghe giá vé thì thấy có vẻ là đắt. Nhưng với những quà tặng kèm theo, chương trình trước đêm diễn, chất lượng âm nhạc trong đêm diễn... thì có lẽ nó còn rẻ". Nhìn lại năm 2007 có thể là một mốc đánh dấu mức giá 1 triệu đồng/vé từ nay không còn xa lạ và quá ngỡ ngàng nữa.
Người ta bắt đầu phải quen dần những chương trình ca nhạc đặc biệt với một vài giọng ca đặc biệt và loại siêu vé (vé VIP) ở vị trí ngồi tốt nhất đã ngót nghét cả 100 USD/vé. Ðêm Rơi lệ ru người (nhạc Trịnh Công Sơn) tổ chức hồi tháng 6-2007 giá vé cao nhất ở mức 1,5 triệu đồng/vé, để được xem Tuấn Ngọc - Khánh Hà trong chương trình Nối vòng Việt Nam ở vị trí ngồi tốt nhất phải chi hơn hai triệu đồng/vé, năm 2006 Tuấn Ngọc về nước làm liveshow Riêng một góc trời đã bán ở mức 800.000 - 1 triệu đồng/vé... Còn những chương trình bán vé khá cao như Duyên dáng Việt Nam (giá cao nhất là hơn 700.000 đồng/vé) hay vé vừa tầm như lễ trao giải Mai Vàng 2007 (giá từ 50.000 đồng - 300.000đồng/vé) thì lại chủ yếu để gây quỹ học bổng hoặc làm từ thiện cho nên không thể nói quyết định nhiều đến... thị trường vé xem nghệ thuật.
Khán giả ở hàng ghế VIP là ai? Họ có đại diện cho gu thưởng thức âm nhạc nào đó không? Và với đồng lương cán bộ, công nhân, viên chức tầm tầm, giấc mơ xem trực tiếp một chương trình âm nhạc nghệ thuật đỉnh cao (không phải truyền hình trực tiếp) có phải đang ngày càng quá xa vời? Thực tế là không thể có đáp án cụ thể nào cho những câu hỏi kể trên. Chân dung khán giả bây giờ cũng bắt đầu phân khúc theo thị trường giải trí đang nhiều đỏng đảnh và đầy biến động. Có bán vé 100 USD hay hơn thế cũng rất khó bù lỗ cho chương trình biểu diễn ca nhạc được cho là hoành tráng hiện nay nếu không chạy thêm đơn vị tài trợ. Người sẵn sàng bỏ tiền ra mua vé VIP đôi khi chưa chắc đã vì nghệ thuật mà có thể là mua tặng đối tác, bạn hàng hoặc mua để... PR cho bản thân "ta thuộc tầng lớp biết thưởng thức nghệ thuật đích thực và rất chịu chơi"... Còn nếu thật sự yêu quý một giọng ca, một bài hát, một nghệ sĩ... nào đó, công chức lương tầm tầm vẫn có thể dồn tiền để một năm... cắn răng thưởng thức nghệ thuật một lần! Ðành vậy thôi và phải vậy thôi! Ca sĩ Hồng Nhung kể: Vé xem một vở nhạc kịch ở Anh, Mỹ trung bình là khoảng hơn 3 triệu đồng/vé và người ta có thể diễn chỉ một vở trong cả năm trời, có như thế mới đủ bù chi và nuôi sống nghệ sĩ lẫn nghệ thuật.
Ðêm 31-12-2007, nhìn đoàn người xếp hàng ở Cảng Sài Gòn để chờ lên tàu F- Diamond (của kênh truyền hình thời trang nổi tiếng thế giới FTV) tham dự Chương trình mừng năm mới 2008 mới thấy dân ta rất chịu chơi. Giá vé để lên tàu xem trình diễn thời trang và thưởng thức tiệc buffet hôm đó là 120 USD (gần 2 triệu đồng). Người xem chật kín vòng trong vòng ngoài và ba tầng của du thuyền. Giải đáp tạm thời cho tình huống này là chỉ cần xuất hiện một hình thức giải trí nào mới lạ một chút sẽ có ngay khán giả, bởi một thực tế: người có tiền vẫn thiếu chỗ vui chơi. Và dĩ nhiên phải nhắc lại, chương trình bán vé cao không phải lúc nào cũng mang giá trị nghệ thuật tương ứng.
Bí mật vườn Lệ Chi - vở chính kịch dựng lại của sân khấu Idecaf (TP Hồ Chí Minh) cho tới đầu tháng 1-2008 này muốn xem vẫn phải đặt trước vé. Thậm chí ngày hôm sau muốn xem thì hôm trước gọi đặt vé đã nghe thông báo: chỉ còn ghế vào hàng cuối, giá vẫn 70.000 đồng/vé, kèm dịch vụ giao vé tận nơi với mức phí 10.000 đồng/lượt mà vẫn "cháy" vé vào ngày thường chứ không chỉ cuối tuần. Còn ở Hà Nội, đạo diễn Lê Hùng từng có sáng kiến cũng gây được chút xôn xao khi dựng kịch thể nghiệm 100 phút cuối cùng của Hàn Mặc Tử và bán với giá 50 USD/vé. Ngẫm lại, giá cả đôi khi cũng là cuộc chơi, là mẹo của nhà tổ chức chứ việc xác định đối tượng khán giả hay nói cách khác: chân dung những khán giả đó là ai. Bởi, đó là một trong những yếu tố quan trọng xác định thành công của nghệ thuật, nhất là nghệ thuật biểu diễn, nhưng, lại là việc chẳng dễ dàng gì.
Công chúng nghệ thuật hôm nay
NGUYỄN VĂN THÀNH
ND - Không phải ngẫu nhiên công chúng đang nổi lên như một vấn đề lớn của sinh hoạt nghệ thuật hôm nay. Mặc dù, trước đây dư luận đã nhận thấy tầm quan trọng và sự cần thiết công chúng đối với nghệ thuật.
Nhưng nhìn chung chúng ta vẫn dừng lại ở việc đồng nhất công chúng với đối tượng phục vụ, đối tượng tác động của nghệ thuật, mà chưa mấy quan tâm đến nhu cầu hưởng thụ nghệ thuật thật sự của công chúng. Thậm chí dẫn đến định kiến rằng hễ có nghệ thuật là mặc nhiên nảy sinh công chúng của nó. Các cơ quan ngôn luận, các đơn vị nghệ thuật, nhà xuất bản, cơ sở phát hành phim hoặc viện nghiên cứu chuyên ngành ít nhiều cũng từng đặt ra nhiệm vụ thu thập, lấy ý kiến của bạn đọc, khán giả về một cuốn sách, một bộ phim, một vở kịch, hơn thế còn có cả những công trình điều tra xã hội học về dư luận công chúng của ngành điện ảnh, ngành sân khấu, v.v... được tiến hành, nhưng hầu hết vẫn nặng tính hình thức, kết quả điều tra chưa mang tính phổ quát và hiệu quả tác động vào thực tế không tránh khỏi hạn chế. Có thể nói, một thời gian dài vấn đề công chúng còn bị xem nhẹ, theo đó nhận thức về bản thân cái gọi là công chúng cũng phiến diện, đơn giản...
Tình hình này chỉ thật sự thay đổi khi nước ta rời bỏ bao cấp để bước vào cơ chế thị trường. Từ đó đến nay, theo thời gian đã có thể nói đến sự hình thành của một thị trường nghệ thuật tự do bên cạnh khu vực của Nhà nước.
Tất nhiên xuất phát từ đặc điểm của từng bộ môn nghệ thuật, nhất là khả năng thích ứng với biến động của kinh tế, xã hội, tư tưởng mà sự bùng nổ của thị trường tự do ở từng ngành sẽ khác nhau.
Sự trồi sụt thất thường của hoạt động nghệ thuật, nhất là tình trạng khủng khoảng công chúng triền miên càng ngày càng trầm trọng ở hầu khắp các lĩnh vực nghệ thuật từ văn học đến mỹ thuật, âm nhạc, sân khấu và điện ảnh, khiến chúng ta vỡ lẽ ra nhiều điều, nhất là ý thức sáng rõ hơn về tính độc lập tương đối của công chúng trong tương quan với nghệ thuật. Ðúng là nghệ thuật nào sẽ góp phần tạo ra chính đối tượng công chúng cho mình, nhưng ngược lại bản thân công chúng cũng có thể quy định loại nghệ thuật phù hợp với yêu cầu thẩm mỹ của mình. Người tiếp nhận nghệ thuật hôm nay không chỉ biết chăm chú hướng tới các tác phẩm mà còn thẳng thắn bày tỏ thái độ chối từ, quay lưng lại với những sản phẩm nghệ thuật nào mà họ không thích thú hay không kích thích được sự quan tâm của họ. Như vậy nếu thiếu vắng nghệ sĩ sáng tạo thì nhất định sẽ không thể ra đời những tác phẩm nghệ thuật, nhưng một khi sản phẩm nghệ thuật hình thành mà lại chưa thiết lập được mối quan hệ với công chúng thì cũng không thể hình dung sự tồn tại bình thường của sinh hoạt nghệ thuật.
Một câu hỏi tất yếu được đặt ra: Vậy công chúng, thực chất, họ là ai?
Có một thời, người ta nhấn mạnh vào thành phần chủ đạo của công chúng là công, nông, binh. Rồi sau đó mở rộng ra tới quảng đại các tầng lớp nhân dân, hoặc cộng đồng dân cư, v.v. và v.v. nhưng như thế cũng vẫn quá chung chung. Có lẽ phải minh định cụ thể hơn quan niệm về công chúng của nghệ thuật với ba tư cách sau đây:
1- Công chúng với tư cách người tiếp nhận tác phẩm nghệ thuật.2- Công chúng với tư cách người tham gia đồng sáng tạo với nghệ sĩ.
3- Công chúng với tư cách khách hàng bỏ tiền mua vé để có quyền tiếp xúc với tác phẩm và vì thế đóng góp vào nuôi dưỡng sự tồn tại và phát triển của nghệ thuật.
Tất nhiên tỷ lệ của ba tư cách này ở các bộ phận công chúng cụ thể cũng như với một cá nhân không dàn đều, cố định mà vận động theo thời gian và hoàn cảnh, nhất là chúng tác động lẫn nhau để rồi cùng ảnh hưởng trở lại nghệ thuật, từ đó hình thành sinh hoạt nghệ thuật.
Sự phát triển của nhận thức và cùng với nó sự phát triển của bản thân nghệ thuật đòi hỏi ý thức của chúng ta về công chúng ngày càng toàn diện và sâu sắc hơn. Ðã đến lúc không thể nói về công chúng một cách chung chung theo kiểu vơ đũa cả nắm, cũng như không thể dừng lại theo thói quen của một thời vẫn nghĩ và nói về công chúng như một thực thể đại diện cho đám đông không xác định nào đó, hoặc một sự nhân danh thiếu thỏa thuận, không hợp thức. Không ít bài phê bình, giới thiệu tác phẩm khi chỉ ra những mặt yếu kém của tác phẩm nghệ thuật thường nhân danh công chúng, đám đông bày tỏ nhận định để tạo ra sức nặng cho bài viết, càng ngày càng tỏ ra thiếu sức thuyết phục. Rút cục công chúng vẫn được nhắc đến nhưng chẳng khác gì những danh từ trống rỗng.
Ðể hình dung cụ thể hơn về công chúng hiện nay, bắt buộc chúng ta phải tìm đến thao tác phân loại. Bản chất của phân loại là xác định ranh giới để tìm ra sự giống nhau và sự khác nhau của đối tượng. Hơn nữa mọi sự phân loại đều tùy thuộc vào mục đích để từ đó định ra tiêu chí phân loại. Ðể khắc phục tính mơ hồ trong quá trình nhận diện về công chúng của nghệ thuật hôm nay, người ta tìm đến với các thao tác phân loại thông thường và căn cứ vào những đặc điểm gần gũi để gắn kết công chúng lại thành một tập hợp lại vừa dựa trên những nét riêng biệt để phân hóa công chúng thành những nhóm loại khác nhau.
Có cách hình dung công chúng thành hai bộ phận lớn như loại công chúng tiềm năng để chỉ toàn bộ cộng đồng dân cư ở một địa phương nhất định, trong đó có những người chưa có điều kiện tiếp xúc với tác phẩm nghệ thuật, trong hiện tại, nhưng có thể đến với nghệ thuật ở tương lai, và loại công chúng thực tế đã làm quen trực tiếp với nghệ thuật.
Tương quan giữa hai loại công chúng này cho thấy phần nào sự phồn vinh, hoặc suy tàn của nghệ thuật trong một khoảng thời gian nhất định. Phổ biến hơn cả là việc chia thành loại công chúng đại chúng và công chúng chọn lọc. Nếu công chúng chọn lọc có yêu cầu cao và khắt khe, tinh tế về nghệ thuật, thì công chúng đại chúng thường dễ tính, đơn giản hơn.
Dưới tác động của hai bộ phận công chúng này nên trong sinh hoạt nghệ thuật vẫn thấy hiện tượng có tác phẩm thực sự mang chứa nhiều tìm tòi, cách tân nghệ thuật đáng chú ý nhưng lại ít được công chúng đại chúng mặn mà, để chỉ được sự đón nhận của một số ít khán giả nào đó. Ngược lại có không ít những tác phẩm được tạo ra một cách vội vã, không thật nhiều những suy tư, trăn trở về sáng tạo cái mới nhưng khi công bố lại được đám đông công chúng bình dân vồ vập hưởng ứng. Chẳng hạn các chương trình kịch hài, những tiết mục sân khấu thuộc loại kinh dị về ma quỷ, những vở diễn đang gây cơn sốt vé ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh hoặc các bộ phim với nhiều cảnh "nóng" gây sốc, và những chương trình ca nhạc nhẹ thu hút khán giả trẻ... nhưng lại không được những đồng nghiệp và những khán giả có kiến thức sâu về nghệ thuật đồng cảm.
Sự chênh lệch của các thành phần công chúng là một thực tế. Chính sự khác biệt này làm cơ sở cho việc phân chia công chúng thành nhiều loại để từ đó có thái độ văn hóa thích hợp. Nhưng sẽ là điều không bình thường khi sự chênh lệch này quá lớn, nhất là khi công chúng chọn lọc không nắm giữ được vị thế hạt nhân tích cực vốn có của mình, để cho thị hiếu thẩm mỹ của công chúng đám đông lấn át, thao túng sinh hoạt nghệ thuật, có lẽ vì thế mà trên công luận người ta thấy vang lên những lời cảnh báo về tình trạng xuống cấp của sân khấu khi loại kịch hài, thực chất là hề kịch chỉ nhằm gây cười một cách dễ dãi đang "lấn sân", đánh dạt hình thức chính kịch nghiêm túc, hoặc sự "lên ngôi" của dòng phim thương mại so với dòng phim nghệ thuật.
Ðã có nhiều ý kiến tỏ ra thất vọng khi chứng kiến việc một số nghệ sĩ từng khẳng định tên tuổi của mình ở những tác phẩm nghệ thuật có chất lượng, gây tiếng vang ở hội diễn sân khấu, liên hoan phim trong nước và quốc tế nhưng liền đó lại nhảy ra làm những tiết mục hay bộ phim mà mục đích chính là thỏa mãn nhu cầu đỏng đảnh và nông nổi của một bộ phận khán giả nhằm cho sản phẩm của mình làm ra bán được nhiều vé, thu được tối đa lợi nhuận.
Như thế là lại rơi vào một ngộ nhận lầm lẫn nữa về công chúng. Chẳng khác gì, nếu trước đây chúng ta chưa thật quan tâm đúng mức về vai trò của công chúng cũng như thiếu hiểu biết đầy đủ về công chúng cùng những đặc điểm xác định của nó với các nhóm loại riêng biệt (tùy theo lứa tuổi, giới tính, địa bàn cư trú, trình độ học vấn, nghề nghiệp, v.v.) để chỉ bằng lòng với một quan niệm chung chung về công chúng, thì hiện nay khi nhận thức ra vị thế quan trọng của công chúng, các đơn vị nghệ thuật và ngay bản thân nghệ sĩ lại đang tuyệt đối hóa tư cách khách hàng là thượng đế của công chúng để chỉ chăm chăm ve vuốt, theo đuôi công chúng, đánh mất giá trị nội tại cao quý vốn có của nghệ thuật, tức là hạ thấp nghệ thuật.
Không thể không nhận thức về tầm quan trọng của công chúng, nhất là sự vận động, phân hóa không ngừng của công chúng trong bối cảnh của thời đại công nghiệp hóa, hiện đại hóa và xu thế hội nhập hiện nay. Ðể ý thức rằng, trong điều kiện hiện nay khó mà có một loại hình nghệ thuật nào có thể thu hút được mọi bộ phận công chúng. Mỗi loại hình nghệ thuật trong thời đại bùng nổ các phương tiện truyền thông và giải trí đã thành công nghệ như hiện nay chỉ có thể thỏa mãn một bộ phận công chúng nhất định mà thôi. Cũng như vậy, nghệ thuật không phải chỉ đem cái mình có đến với công chúng, bởi xác định công chúng như đối tượng tiếp nhận, mà còn phải biết thăm dò nhu cầu của công chúng để đem đến cho công chúng cái họ cần, mặt khác cần biết tập dượt cho công chúng làm quen dần với những tác phẩm nghệ thuật có thể còn mới lạ trong cảm nhận của đại bộ phận công chúng. Ðó chính là tương quan biện chứng giữa công chúng và nghệ thuật.