Mất đất, mất nhà cửa do bờ sông sạt lở
Mấy ngày nay, gia đình ông Võ Văn Tính, ngụ ấp 4 (xã Nhơn Thạnh, thành phố Bến Tre, tỉnh Bến Tre) phải lo tất bật di dời căn nhà vì bị sạt lở gây ra. Cách đây gần nửa tháng, vụ sạt lở làm gia đình ông mất khoảng 500m2 đất với nhiều cây ăn quả, chuồng dê, ao nuôi cá và lấn tới căn nhà đang ở. Kế bên, hộ bà Hồ Thị Phương cũng trong tình cảnh tương tự khi mất khoảng 300m2 và buộc phải di dời căn nhà khỏi vùng nguy hiểm.
Ông Tính cho biết: “Hôm đó, khoảng 23 giờ đêm, nghe tiếng ầm ầm ở phía sau nhà, tôi chạy ra xem thì thấy hàng dừa trôi xuống sông, đến gần sáng sạt thêm lần nữa kéo theo chuồng dê và ao nuôi cá. Mấy ngày nay, gia đình phải lo di dời căn nhà lên phía trên cách đó hơn 20m vì sợ sạt lở sẽ cuốn trôi luôn căn nhà. Bây giờ người dân ở đây chỉ gia cố tạm thời và mong muốn chính quyền địa phương sớm có dự án xây dựng bờ kè chống sạt lở để ổn định cuộc sống”.
Theo ghi nhận của chính quyền địa phương, đoạn sạt lở dọc bờ sông khoảng 1.000m với nhiều vết nứt nguy hiểm ảnh hưởng đến 17ha đất của 18 hộ dân.
Hiện tại, trên địa bàn tỉnh Bến Tre có khoảng 115 điểm sạt lở bờ sông. Trong đó, đầu mùa mưa có nhiều điểm sạt lở mới đe dọa cuộc sống của người dân.
Tại tỉnh Long An, tính từ đầu năm 2021 đến nay đã xảy ra tám vụ sạt lở đất. Vụ sạt lở mới nhất xảy ra vào ngày 26/6, trên sông Vàm Cỏ Tây thuộc ấp 1, xã Phước Tân Hưng (huyện Châu Thành) với chiều dài sạt lở 70m, rộng 40m, độ sâu 12m; làm ngôi nhà ba căn liền kề của hộ ông Nguyễn Văn Chiếu có tổng diện tích khoảng 300m2 và 1.500m2 đất vườn chìm xuống sông.
Ông Nguyễn Văn Chiếu cho biết: “Khoảng 0 giờ ngày 26/6, phát hiện đất nhà rung chuyển đã kịp thời gọi sáu người sống trong ba căn nhà liền kề thoát ra ngoài. Trong phút chốc, cả nhà và đất đều trôi xuống sông, tài sản ước tính thiệt hại khoảng một tỷ đồng”.
Trước đó, ngày 7/6, tại bờ sông Rạch Cát, thuộc ấp Chợ, xã Long Hựu Đông, huyện Cần Đước đã xảy ra vụ sạt lở với chiều dài khoảng 15m, sâu vào bờ trên 3m và có hiện tượng tiếp tục sạt lở, gây nguy hiểm cho những hộ dân trong khu vực.
Mới bắt đầu mùa mưa, tình trạng sạt lở trên địa bàn tỉnh Tiền Giang diễn biến phức tạp, ảnh hưởng đến sản xuất, sinh hoạt và làm đảo lộn cuộc sống của nhiều hộ dân.
Theo ghi nhận, tuyến đê bao đông - tây kênh Ba Rài luôn là điểm “nóng” khi có hàng loạt điểm sạt lở xảy ra hằng năm. Điểm sạt lở này vừa khắc phục xong thì xuất hiện điểm sạt lở mới và phức tạp hơn. Đây là nỗi lo thường trực cho chính quyền địa phương và người dân sống dọc theo tuyến đê này.
Mới đây, một điểm sạt lở dài hơn 20m, sâu khoảng 3m trước cửa gia đình bà Nguyễn Thị Bích Quyên, ngụ xã Hội Xuân (huyện Cai Lậy, tỉnhTiền Giang) ảnh hưởng trực tiếp vườn cây ăn trái cũng như căn nhà của gia đình. Bà Quyên cho biết: “Cách đây vài tháng, phần đất phía ngoài đê có dấu hiệu lún, rồi vết nứt lan rộng vào khu vực hàng rào của gia đình. Chính quyền địa phương đã gia cố tạm bằng cừ tràm, rọ đá nhưng nguy cơ sạt lở tiếp tục tái diễn rất cao”.
Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Cai Lậy, hiện nay, địa phương có 32 điểm sạt lở, với tổng chiều dài khoảng 900m, ước kinh phí xử lý sạt lở hơn 28,5 tỷ đồng.
Nguyên nhân dẫn đến sạt lở nghiêm trọng trên địa bàn các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long theo ghi nhận là do lượng phù sa, bùn cát từ thượng nguồn sông Mê Kông đổ về giảm mạnh; nền đất yếu; mật độ sông, rạch dày đặc với nhiều đoạn sông cong, nhiều ngã ba, ngã tư là những vị trí dễ bị sạt lở do dòng chảy đạp thẳng vào bờ.
Ngoài ra, xây dựng nhiều nhà ở, công trình hạ tầng quá gần bờ sông, bờ biển như đê, đường giao thông, bãi vật liệu xây dựng… hoặc các công trình lấn chiếm lòng sông, kênh, rạch làm co hẹp, chuyển hướng dòng chảy, từ đó gia tăng nguy cơ sạt lở bờ sông...
Khẩn cấp ứng phó sạt lở bờ sông
Để ứng phó tình hình sạt lở bờ sông rất phức tạp trong mùa mưa, các địa phương đã huy động lực lượng hỗ trợ người dân di dời tài sản đến vị trí an toàn. Đối với những căn nhà bị hư hỏng nặng, có nguy cơ tiếp tục sụp lún, không bảo đảm an toàn về kết cấu công trình nhà, vận động người dân chủ động tìm chỗ ở tạm thời, ổn định cuộc sống.
Mới đây, Chi cục trưởng Phát triển nông thôn tỉnh Bến Tre Võ Tiến Sĩ có công văn đề nghị địa phương phổ biến, hướng dẫn người dân di dời đến nơi an toàn. Theo đó, thông qua hội đồng bình xét cấp xã, thị trấn, số hộ đủ điều kiện theo quy định sẽ được nhà nước hỗ trợ 20 triệu đồng; trường hợp hộ gia cố tại chỗ sẽ được hỗ trợ 10 triệu đồng.
Để giải quyết tình trạng sạt lở bờ sông ở Bến Tre, Chủ tịch UBND thành phố Bến Tre Huỳnh Vĩnh Khánh cho biết, UBND thành phố đã báo cáo với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xem xét trình UBND tỉnh Bến Tre chủ trương đầu tư khẩn cấp công trình chống sạt lở bờ sông Bến Tre, bảo đảm ổn định bờ sông, ổn định nhà cửa của các hộ dân, công trình hạ tầng, giao thông trong khu vực và cuộc sống của người dân trong vùng sạt lở; dự kiến, từ vị trí tiếp giáp kè đã xây dựng kéo dài đến ngã ba sông Chẹt Sậy, chiều dài khoảng 1.000m.
Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Long An Nguyễn Thanh Truyền cho biết, ngoài các dự án đã được Trung ương hỗ trợ kinh phí và đang thực hiện, Long An còn rất nhiều khu vực, điểm sạt lở đặc biệt nguy hiểm, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống dân cư.
Để có đủ nguồn lực tiếp tục triển khai thực hiện các dự án phòng chống, xử lý sạt lở trong năm 2021 và những năm tiếp theo, Long An kiến nghị các bộ, ngành Trung ương xem xét tổng hợp, báo cáo trình Thủ tướng Chính phủ bố trí 780 tỷ đồng từ nguồn vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025, hỗ trợ tỉnh thực hiện các dự án xử lý sạt lở cấp bách.
Ông Nguyễn Đức Thịnh, Phó Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Tiền Giang cho biết, tính từ đầu năm 2021 đến nay, tỉnh Tiền Giang đã xảy ra khoảng 60 điểm sạt lở, với chiều dài hơn 3,7km, ước kinh phí xử lý khoảng gần 68 tỷ đồng. Trong đó, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tham mưu, đề xuất kịp thời cho UBND tỉnh cho chủ trương xử lý 10 điểm sạt lở, với tổng chiều dài gần 1,8km, kinh phí xử lý khoảng 43 tỷ đồng.