Thăm không gian triển lãm, không chỉ được du ngoạn trong thế giới sắc mầu cùng những di sản thiên nhiên, di tích kiến trúc độc đáo trải dài khắp ba miền đất nước như cầu Long Biên, Ô Quan Chưởng, Trại Bảo An binh, thành cổ Sơn Tây (Hà Nội), Tả Phìn (Lào Cai), đền Vua Ðinh, rừng quốc gia Cúc Phương (Ninh Bình), Hiếu Lăng, cầu ngói Thanh Toàn (Thừa Thiên Huế), phố cổ Hội An, di tích Mỹ Sơn (Quảng Nam), Tháp Bà Ponagar (Nha Trang), chùa Hang (Lý Sơn)…; người xem còn được khám phá vẻ đẹp của những di sản văn hóa phi vật thể giàu giá trị như tuồng, chèo, nhã nhạc Cung đình Huế, hát xoan, ca trù, hát then, tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ, múa rối nước, các điệu múa rồng, múa hoa đăng, các lễ hội cầu ngư, hội Lim…
Bên cạnh sự phong phú về nội dung đề tài, triển lãm cho thấy sự đa dạng trong phong cách thể hiện với nhiều chất liệu như sơn dầu, acrylic, sơn mài, khắc gỗ, tranh lụa, tranh in, đồ họa, chất liệu tổng hợp…
Có nhiều tác phẩm tại triển lãm đã chứng minh được sự dụng công cả về ý tưởng, nội dung và phong cách thể hiện. Tiêu biểu như "Lễ hội Khmer ở Cà Mau" - tác phẩm đoạt Giải xuất sắc duy nhất của cuộc thi, được tác giả Lại Lâm Tùng vẽ trong suốt 8 tháng bằng bút sắt và màu nước sau quá trình chuẩn bị tư liệu kéo dài 2-3 năm, tái hiện những chi tiết sắc nét trong lễ hội tri ân tổ tiên Sene dolta của người Khmer.
Hay tác phẩm "Tiên nữ, cánh diều và mái đình" đoạt Giải ba, bao gồm 22 bản in được tác giả Phạm Hùng Anh khắc bằng cao-su, có các hình ảnh tiên nữ và nhân vật trong điêu khắc đình làng vùng Ðồng bằng Bắc Bộ. Các bản in này được đưa vào những hộp nhựa tái chế, tạo thành nhiều hộp module ghép lại thành bức tranh, kết hợp với ánh sáng đèn LED tạo hiệu ứng thị giác mạnh mẽ. Gây bất ngờ không kém là tác phẩm sơn dầu "Cảm xúc" của tác giả Võ Tuấn, với ba bức tranh kết nối nhau theo phong cách đồng hiện, trung tâm là hình tượng vị thần bốn mặt được vẽ nổi mang đến nhiều cảm xúc ấn tượng...
Theo dõi triển lãm, người xem như được thưởng thức một cuộc trình diễn vẻ đẹp di sản thông qua những góc nhìn mới mẻ của hội họa. Họa sĩ Lê Huy Tiếp, Chủ tịch Hội đồng Giám khảo Cuộc thi vẽ tranh "Di sản văn hóa Việt Nam qua hội họa" cho biết, có 100 tác phẩm triển lãm được lựa chọn từ số lượng không nhỏ tác phẩm dự thi và trên cơ sở đó chọn ra 70 tác phẩm vào vòng chung khảo, tiếp đó là 30 tác phẩm đoạt giải với một Giải xuất sắc, một Giải nhất, hai Giải nhì, bốn Giải ba, 22 Giải khuyến khích, là cả một hành trình "cân não" qua nhiều vòng chấm của các thành viên hội đồng trên cơ sở cân nhắc yếu tố sáng tạo, trình độ nghệ thuật, kỹ thuật biểu hiện và nội dung tư tưởng của tác phẩm. "Tôi cho rằng thành công của cuộc thi không chỉ thể hiện ở số lượng, chất lượng, sự đa dạng về nội dung chủ đề các tác phẩm dự thi, mà còn được khẳng định bởi việc khơi dậy lòng tự hào về kho tàng di sản văn hóa Việt Nam trong công chúng, nhất là giới trẻ, qua đó lan tỏa tình yêu di sản, ý thức bảo vệ, phát huy giá trị văn hóa truyền thống dân tộc" - họa sĩ Lê Huy Tiếp nhấn mạnh.
Có mặt tại triển lãm, họa sĩ Trần Anh Tuấn, Trưởng ngành sơn mài Trường đại học Mỹ thuật công nghiệp chia sẻ, bản thân đã từng tham dự nhiều trưng bày nghệ thuật trong nước, quốc tế, nhưng đây là lần đầu anh được tiếp cận một triển lãm góp phần nâng cao giá trị di sản văn hóa truyền thống bằng ngôn ngữ hội họa.
"Các tác phẩm đều thành công về mặt đề tài, thể hiện được những góc nhìn riêng của tác giả về dấu ấn thời gian của di sản qua cách sử dụng chất liệu truyền thống và hiện đại, tạo nên sự phong phú cho triển lãm. Tôi đánh giá rất cao triển lãm này vì đã hội tụ được cả giá trị về mặt nội dung và nghệ thuật. Tôi tin rằng bất cứ bạn trẻ nào tới đây cũng sẽ ngỡ ngàng và thú vị khi nhìn thấy những dấu ấn của di sản ở các vùng miền khác nhau" - Họa sĩ Trần Anh Tuấn chia sẻ và cho biết anh rất ấn tượng với "Nghìn xưa lưu dấu" - tác phẩm đoạt Giải nhất cuộc thi. Tác phẩm không chỉ thể hiện sự kỳ công với các bản khắc cao-su hình ảnh di sản tượng và phù điêu tiêu biểu của Việt Nam, mà còn cho thấy nghệ thuật in đòi hỏi nhiều công phu của người thực hiện.
Tiến sĩ, họa sĩ Lê Thị Thanh, tác giả của tác phẩm "Nghìn xưa lưu dấu" cho biết, chị mất gần một năm mới hoàn thiện được tác phẩm. Ðây là cụm đồ họa tranh in từ 4 kỹ thuật: in dập, in cao-su, in lưới, in độc bản, thể hiện vẻ đẹp các hoa văn truyền thống của người Việt ở các đình làng, đền, chùa, lăng, miếu, đặc biệt ở khu Vườn bia Tiến sĩ Văn Miếu-Quốc Tử Giám. Bộ tranh hiển thị các tín hiệu tạo hình mà cổ nhân để lại trong tinh thần của tác phẩm nghệ thuật.
Là giảng viên Khoa Thiết kế mỹ thuật, Trường đại học Kiến trúc Hà Nội, họa sĩ Lê Thị Thanh thường xuyên có cơ hội đưa sinh viên tiếp cận, nghiên cứu những công trình di tích cổ. Chị rất ngưỡng mộ trước năng lực tạo tác của cha ông, cũng không khỏi xót xa khi có những di tích cổ chìm dần vào lòng đất. Vì thế, chị quyết định thực hiện tác phẩm với mong muốn giới thiệu, đưa vẻ đẹp, giá trị của di sản với một đời sống mới qua những bức tranh nghệ thuật đương đại. Ðó cũng là cách giúp vẻ đẹp di sản bay cao, bay xa hơn.
Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Ðỗ Văn Trụ, Chủ tịch Hội Di sản văn hóa Việt Nam, Trưởng ban Chỉ đạo cuộc thi: Sự nghiệp bảo vệ, phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc đòi hỏi luôn phải có sự năng động, sáng tạo, đa dạng hóa các hình thức, biện pháp. Và Cuộc thi vẽ tranh "Di sản văn hóa Việt Nam qua hội họa" lần thứ nhất - năm 2023 được tổ chức chính là nhằm tạo sân chơi nghệ thuật bổ ích, rộng rãi, bình đẳng dành cho những người yêu hội họa và di sản. Hội Di sản Văn hóa Việt Nam dự kiến sẽ tổ chức cuộc thi 2 năm một lần để tình yêu, trách nhiệm đối với di sản văn hóa ngày càng được thấm sâu, nâng cao trong toàn xã hội.