Từ năm 1995, động Phong Nha được đưa vào khai thác du lịch và từ đó đến nay hàng triệu người đã được chiêm ngưỡng những tuyệt tác của tạo hóa hình thành qua hàng trăm triệu năm với hệ thống sông ngầm, thạch nhũ tráng lệ, kỳ vĩ và rất độc đáo.
Đến thăm Di sản thiên nhiên thế giới Phong Nha-Kẻ Bàng (Quảng Bình), du khách có nhiều lựa chọn: xuống thuyền đi tham quan động Phong Nha vào ban ngày hoặc tham gia các tour, tuyến, điểm du lịch khác rất hấp dẫn ở đây.
Nhưng với tour “Khám phá chiều sâu bí ẩn động Phong Nha bằng kayak vào ban đêm” lại mang đến những cảm giác mới lạ khi được dùng chính đôi tay của mình khua nước, đẩy thuyền kayak trôi trên dòng sông ngầm dài nhất thế giới, thay cho việc đi ca-nô thăm động Phong Nha theo cách thông thường.
Ngày đầu xuân, khi mặt trời bắt đầu khuất sau điệp trùng rừng núi đá vôi Phong Nha-Kẻ Bàng, nhóm chúng tôi đã có mặt ngay khu vực phía trước cửa động Phong Nha để chuẩn bị hành trình khám phá động bằng thuyền kayak.
Cán bộ Trung tâm du lịch Phong Nha-Kẻ Bàng trang bị cho chúng tôi áo phao, mũ bảo hiểm, đèn đội đầu và hướng dẫn cặn kẽ để bảo đảm an toàn cho mọi người trong suốt hành trình. Nước sông Son khá lạnh nhưng không ngăn được sự háo hức của chúng tôi.
Từ cửa động, chiếc kayak nhẹ nhàng trôi theo từng nhịp chèo đưa chúng tôi đến vùng tối nằm sâu phía sau hệ thống đèn trong động. Nếu 1.200 m đầu tiên (tour tham quan thông thường bằng ca-nô) trong lòng động Phong Nha lấp lánh ánh sáng kỳ ảo và lao xao những âm thanh của đời thường vọng tới, thì đoạn tiếp theo, động trở nên hoang sơ kỳ vĩ, bóng tối và ánh sáng trên những chiếc đèn đội đầu đan xen tạo nên cảm giác về sự tò mò và nhiều liên tưởng. Không khí trong hang mát lạnh và rất dễ chịu.
Tiếng tí tách kiên nhẫn của những giọt nước chảy qua hàng chục triệu năm để tạo nên những cột thạch nhũ khổng lồ hay các “măng đá” mới chào đón chúng tôi.
Càng vào sâu hơn bên trong vùng bóng tối, không gian của lòng hang biến đổi liên tục theo dòng chảy của nước và kiến tạo địa chất từ triệu triệu năm trước. Lòng hang hẹp dần và trần hang như lùi lại tít trên cao. Sông Son lúc này như chảy zigzag. Chúng tôi, những tay chèo không chuyên ngẩn ngơ trước nhiều lối rẽ bất ngờ của dòng sông ngầm độc đáo.
Ở vùng tối xuyên thời gian, các loài động vật càng kỳ lạ hơn, rất nhiều loài sinh sống sâu bên trong động mà không cần tới ánh sáng như cá, dơi, côn trùng… Trong không gian tối vĩnh cửu ấy, ánh sáng từ những chiếc đèn đội đầu chỉ để soi gần, vừa đủ cho chúng tôi khua nước đưa chiếc kayak lặng lẽ trôi trên sông ngầm, ngắm thạch nhũ đẹp mê hồn mà chưa biết nơi nào bến cuối.
Tiếp tục thong dong uốn lượn, chúng tôi phân vân rồi tự hỏi rằng dòng sông sẽ tiếp tục đưa ta đến chốn nào, thì bất chợt dòng sông như biến mất... rồi mở ra một không gian rộng lớn, ánh sáng mờ ảo đậm chất liêu trai.
Người hướng dẫn viên đi cùng cho biết, đó là động Huyền Không. Trong hang động này, có một hồ nước được đặt tên là Xuyên Sơn Hồ với màu nước xanh ngắt thực sự khiến cả đoàn chúng tôi kinh ngạc. Điểm xuyết như ẩn như hiện hai bên thành hang động, giữa lòng hồ là các khối thạch nhũ lấp lánh càng làm cho Xuyên Sơn Hồ thêm lạ lùng và bí hiểm.
Đến đây, tôi chợt nhớ lại cảm giác trong lần đi bộ 7.000 m trong lòng động Thiên Đường mà mình có dịp trải nghiệm. Ở đó, trong không gian rộng lớn dưới hang sâu mà có cảm giác như đi trên mặt đất, dưới ánh sao đêm, những vòm hang rộng lớn, lộng lẫy, thạch nhũ tuyệt đẹp và nước hồ thì xanh ngắt, lung linh dưới ánh đèn đội đầu.
Chúng tôi có lẽ chưa cảm nhận hết vẻ đẹp bí ẩn và bất tận đó cũng như chưa thể hiểu hết nguồn gốc của tên gọi của động Huyền Không hay Xuyên Sơn Hồ song cảm giác vô ưu là có thật. Đây cũng là điểm cuối cùng của chuyến hành trình trải nghiệm chiều sâu bí ẩn 4.500 m động Phong Nha. Sau khoảng thời gian dừng chân tận hưởng vẻ đẹp kỳ vĩ và tráng lệ của tạo hóa, chúng tôi bắt đầu quay trở ra.
Đoàn dừng chân ở hang Bi Ký, nơi được đánh giá còn lưu giữ được nhiều nét văn hóa của người Chăm cổ, trong đó có những chữ viết trên thành hang. Gồm 97 bảng chữ khắc (còn gọi là Bi Ký) và 162 ký tự Champa viết trên vách đá trong động Phong Nha.
Được biết, trong chuyến khảo sát đầu thế kỷ 20, một học giả người Pháp cũng cho rằng rất khó để đọc, viết phỏng lại chính xác. Mất khá nhiều thời gian để tìm hiểu, học giả này chỉ nhận ra được một chữ và ông cho rằng đó là “capimala”. Sau này, theo giáo sư Trần Quốc Vượng, nếu đúng là chữ “capimala” thì đó là tên một vị la hán, tổ thứ 13 của Phật giáo. Như vậy, gần 120 năm kể từ khi nhà truyền đạo người Pháp Léopold Cadière phát hiện những ký tự Champa cổ viết trên vách đá nằm sâu trong động Phong Nha, đến nay, những ký tự đó vẫn còn là sự bí ẩn đối với các nhà khoa học trong và ngoài nước. Theo lời anh hướng dẫn viên du lịch, tên hang Bi Ký có thể cũng được bắt nguồn từ đó.
Hang Bi Ký được ví như một thánh đường trong động Phong Nha bởi chiều cao, rộng và độ dài. Trong hang có 2 cột thạch nhũ khổng lồ nối từ dưới đất lên trần hang khiến cho khung cảnh càng trở nên hùng vĩ và kỳ ảo.
Đêm ở cửa động Phong Nha, ánh đèn loáng nước càng làm không gian như mờ như tỏ. Tấp vào bãi cát bằng phẳng ngay cạnh cửa động, bộ phận hậu cần của đơn vị tổ chức tour đã chuẩn bị cho chúng tôi một bữa tiệc BBQ nhỏ với bếp than hồng và những món ăn dân dã đậm dấu ấn miền sơn cước Phong Nha như khoai lang, bắp, tôm sông, gà nướng, bánh lọc rất hấp dẫn. Chuyến trải nghiệm khám phá chiều sâu bí ẩn hang động vào ban đêm đã mang lại cho chúng tôi nhiều cảm xúc thật khó tả. Rằng, Phong Nha rất đẹp, luôn thu hút dù bạn đã đến đó nhiều lần, song mỗi lần đi là một trải nghiệm đầy mới mẻ và phấn khích.
Theo lãnh đạo Trung tâm du lịch Phong Nha-Kẻ Bàng, tour du lịch mạo hiểm khám phá chiều sâu bí ẩn 4.500 m động Phong Nha vào ban đêm là sản phẩm du lịch mới để du khách tiếp tục chiêm ngưỡng vẻ đẹp tuyệt tác từ quá trình kiến tạo địa chất khu vực núi đá vôi Phong Nha-Kẻ Bàng. Dòng sông ngầm sẽ đưa bạn đến nơi giao hòa giữa ánh sáng và bóng tối, giữa hư và thực của “thiên đường” hang động Phong Nha để du khách có thể phiêu bồng trong trường liên tưởng của cá nhân trước tuyệt tác của thiên nhiên và tạo hóa dành cho vùng đất biển xanh, cát trắng, nắng vàng Quảng Bình.