Tháng 3/1974, một nông dân ở thôn Tây Dương, huyện Ly Sơn, thành phố Tây An, tỉnh Thiểm Tây, Trung Quốc trong khi làm ruộng đã phát hiện một vài tượng đất nung bị vỡ có kích thước như người thật và thông báo cho chính quyền địa phương. Ngay lập tức, công tác kiểm tra và khai quật hố tượng đất nung được triển khai.
Đến tháng 4/1979, Bảo tàng tượng đất nung Tần Thủy Hoàng chính thức được khánh thành. Đây là bảo tàng di chỉ khảo cổ lớn nổi tiếng thế giới, trưng bày gần 8.000 tượng đất nung, hàng chục nghìn binh khí và các cổ vật khác được khai quật ở 3 hố khảo cổ.
Dù đã qua cao điểm du lịch hè, nhưng Bảo tàng tượng đất nung Tần Thủy Hoàng vẫn tấp nập người và xe. |
Bảo tàng tượng đất nung Tần Thủy Hoàng thu hút nhiều du khách nước ngoài đến tham quan. |
Du khách nước ngoài chụp ảnh trước khu nhà trưng bày hố khảo cổ số 1. |
Hố khảo cổ số 1, dài 230m, rộng 62m, sâu 4,5-6,5m, diện tích khoảng 14.260m2. Dựa theo mật độ bố trí các bức tượng và ngựa đất nung đã khai quật, các nhà khảo cổ dự đoán hố khảo cổ số 1 chôn khoảng 6.000 tượng binh lính và ngựa đất nung, ngoài ra còn rất nhiều các loại vũ khí bằng đồng khác. Hố khảo cổ số 1 được xem như là doanh trại của binh lính.
Du khách đi dọc theo 2 bên hành lang để tham quan khu nhà trưng bày hố khảo cổ số 1. |
Phía trước của hố khảo cổ số 1 là nơi khai quật và trưng bày các tượng đất nung. |
Các tượng đất nung rất sinh động bởi khuôn mặt, biểu cảm, tư thế, râu, tóc, quần áo của mỗi bức tượng đều không giống nhau. |
Hố khảo cổ số 1 chôn khoảng 6.000 tượng binh lính và ngựa đất nung. |
Hố khảo cổ số 2, dài 124m, rộng 98m, sâu 5m, diện tích khoảng 6.000m2, ước tính có khoảng 1.300 tượng binh lính và ngựa đất nung tại đây. Các cổ vật trong hố số 2 phong phú hơn, chủng loại tượng binh lính đất nung nhiều hơn so với hố số 1, được xem là nơi tập trung những tinh hoa nhất trong các hố khảo cổ, như hành lang nối các khu, chuồng ngựa, chiến xa....
Hố khảo cổ số 2 là nơi tập trung những tinh hoa nhất trong các hố khảo cổ của Bảo tàng tượng đất nung Tần Thủy Hoàng. |
Các đường đi, hàng lang nối các phòng đều có binh lính đứng canh gác. |
Trang phục, áo giáp, khăn cuốn cổ của mỗi tượng đất nung đều không giống nhau. |
Bốn con ngựa dùng để kéo chiến xa. |
Hố khảo cổ số 3 có quy mô nhỏ nhất, dài 28,8m, rộng 24,57m, sâu 5,2-5,4m, diện tích khoảng 520m2, chôn 72 tượng binh lính và ngựa đất nung. Các học giả cho rằng, đây đều là tượng các tướng lĩnh chỉ huy. Khu vực này có thể được xem là doanh trại chỉ huy của đội quân đất nung.
Công tác khai quật, nghiên cứu vẫn đang được triển khai tại các hố khảo cổ của Bảo tàng tượng đất nung Tần Thủy Hoàng. |
Trong quá trình khai quật, các nhà khảo cổ phát hiện những tượng đất nung này khi được chôn đều là những tượng có màu sắc với hơn 10 loại màu khác nhau như đỏ tươi, xanh nhạt, đỏ gạch. Nhưng trải qua 2.000 năm bị chôn vùi dưới lòng đất, những lớp màu trên tượng đất nung này bắt đầu bị oxy hóa và biến đổi ngay sau 15 giây khi được khai quật và các lớp màu cũng nhanh chóng bong tróc, tan màu chỉ sau 4 phút, chỉ còn lại lớp bùn màu xám như hiện nay.
Năm 2023, các nhà khảo cổ công bố kết quả khai quật lần thứ 3 ở hố khảo cổ số 1, theo đó đã phát hiện thêm hơn 200 tượng, từng bước làm sáng tỏ quy tắc bố trí đội hình tượng binh lính và quy trình chế tác tượng. Năm 2024 là tròn 50 năm phát hiện tượng đất nung ở lăng mộ Tần Thủy Hoàng. Nửa thế kỷ qua, công tác khai quật, bảo tồn và nghiên cứu tượng đất nung vẫn đang được triển khai và thu được nhiều kết quả quan trọng, dần giải mã bí ẩn lịch sử của hơn 2.000 năm trước.
Du khách có thể đến Phòng trưng bày Bảo tàng tượng đất nung Tần Thủy Hoàng để tham quan, tìm hiểu kỹ hơn về tượng đất nung. |
Tượng đất nung và chiến mã được trưng bày trong Phòng trưng bày. |
Tượng đất nung trong tư thế bắn cung hấp dẫn nhiều du khách. |
Theo các chuyên gia khảo cổ Trung Quốc, đội quân đất nung là một phần quan trọng trong quần thể lăng mộ Tần Thủy Hoàng, vị hoàng đế đầu tiên đã có công thống nhất Trung Quốc, mở ra thời kỳ phong kiến tập quyền kéo dài hàng nghìn năm. Với quan niệm "việc chết như việc sống", khu lăng mộ Tần Thủy Hoàng được xây dựng với quy mô lớn có đầy đủ các công trình cung điện, đồ dùng trang trí như lúc nhà vua còn sống. Đặc biệt, đội quân đất nung là thể hiện hình ảnh những tướng lĩnh và binh sĩ canh gác ở kinh thành, bảo vệ an toàn cho nhà vua.
Bảo tàng tượng đất nung Tần Thủy Hoàng là kho báu về giá trị văn hóa, nghệ thuật, khoa học thời Tần, được mệnh danh là "kỳ quan thứ 8 của thế giới". Năm 1987, UNESCO công nhận Lăng mộ Tần Thủy Hoàng là di sản thế giới.
Việc phát hiện tượng đất nung đã biến vùng làng quê sơn dã này thành điểm du lịch nổi tiếng thế giới. Tính đến nay, Bảo tàng lăng mộ Tần Thủy Hoàng đã thu hút hơn 160 triệu lượt du khách trong nước và quốc tế đến tham quan, trong đó năm 2023 đã thu hút hơn 11 triệu lượt du khách, mức kỷ lục kể từ khi bảo tàng mở cửa đến nay.