Nằm ở khu vực miền trung của tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc, thành phố Thái An được đặt tên theo núi Thái Sơn với hàm ý quốc thái dân an. Thành phố Thái An có lịch sử lâu đời và nền văn hóa truyền thống đặc sắc. Thiên nhiên đã ban tặng nơi đây núi Thái Sơn hùng vĩ với danh hiệu “Ngũ nhạc độc tôn”, nghĩa là đứng đầu trong 5 ngọn núi lớn và trở thành nơi tổ chức đại lễ tế trời của các triều đại phong kiến xưa.
Được Quốc vụ viện Trung Quốc phê chuẩn là thành phố du lịch quốc tế từ năm 1982, thành phố Thái An đã thiết lập quan hệ hợp tác kinh tế-thương mại, văn hóa với hơn 30 quốc gia và vùng lãnh thổ, có quan hệ kết nghĩa hoặc hợp tác hữu nghị với 28 thành phố của 21 quốc gia, hàng năm thu hút rất nhiều du khách trong nước và quốc tế đến tham quan, du lịch, nghỉ dưỡng, tìm hiểu và trải nghiệm văn hóa, lịch sử đặc sắc của địa phương.
Với chủ đề “Leo núi Thái Sơn-Cảm nhận Thái An”, lễ hội leo núi quốc tế Thái Sơn lần thứ 38 được tổ chức tại thành phố Thái An từ ngày 5-12/9/2024. Sự kiện này là một chuỗi các hoạt động nhằm tăng cường quan hệ hợp tác kinh tế-thương mại, kết nối văn hóa-du lịch của thành phố Thái An nói riêng, tỉnh Sơn Đông và Trung Quốc nói chung với các thành phố kết nghĩa cũng như các quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, như: Hội nghị du lịch-thương mại quốc tế Thái An 2024, Cuộc thi leo núi quốc tế Thái Sơn lần thứ 38, Hội nghị kết nối đầu tư thương mại Thái An Trung Quốc 2024.
Các vận động viên chuyên nghiệp qua cổng kiểm tra an ninh. |
Cán bộ, nhân viên của một doanh nghiệp nước khoáng ở thành phố Thái An tham gia cuộc thi chụp ảnh lưu niệm trước giờ thi đấu. |
Lễ hội leo núi quốc tế Thái Sơn lần thứ nhất được tổ chức vào năm 1987, là hoạt động thể thao đầu tiên của Trung Quốc lấy leo núi làm chủ đề chính, gắn với trải nghiệm văn hóa, du lịch, thúc đẩy hợp tác kinh tế-thương mại. Trải qua 37 kỳ tổ chức, lễ hội leo núi quốc tế đã trở thành thương hiệu quảng bá văn hóa Thái Sơn nói riêng và thành phố Thái An nói chung.
Sáng 6/9, tại sân vận động Lâm Hiệu, dưới chân núi Thái Sơn, thành phố Thái An, đã diễn ra Cuộc thi leo núi quốc tế Thái Sơn lần thứ 38. Đây là hoạt động chính mở đầu cho Lễ hội leo núi quốc tế Thái Sơn, thu hút hơn 2.000 vận động viên chuyên nghiệp và gần 8.000 người yêu thích chạy bộ leo núi đến từ 28 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, khu tự trị, đặc khu hành chính của Trung Quốc và 12 quốc gia tham gia.
Các vận động viên xuất phát từ sân vận động Lâm Hiệu, dưới chân núi Thái Sơn. |
Lễ xuất phát Cuộc thi leo núi quốc tế Thái Sơn lần thứ 38. |
Cuộc thi leo núi quốc tế Thái Sơn lần thứ 38 thu hút gần 10.000 người tham gia. |
Vận động viên người cao tuổi chụp ảnh lưu niệm với huy chương vàng. |
Cuộc thi chia thành 3 nhóm lứa tuổi trong độ tuổi từ 18-65: thanh niên, trung niên và người cao tuổi. Các vận động viên phải hoàn thành các cung đường với độ dài khác nhau, đích đến với độ cao khác nhau, nhưng cùng một điểm chung đó đều là các điểm di tích trên núi Thái Sơn.
Các vận động viên cùng du khách trải nghiệm cảnh đẹp của núi Thái Sơn. |
Nhóm người cao tuổi về đích tại Trung Thiên Môn ở độ cao 847m sau khi hoàn thành hành trình khoảng 5,1km. |
Một vận động viên người nước ngoài tham gia cuộc thi leo núi. |
Một đoạn đường dốc để lên đỉnh cao nhất trên núi Thái Sơn. |
Đỉnh Ngọc Hoàng-đỉnh cao nhất trên núi Thái Sơn ở độ cao 1.545m so với mực nước biển dành cho nhóm lứa tuổi thanh niên phải hoàn thành lộ trình 8,6km. |
Một vận động viên chuyên nghiệp chụp ảnh với khẩu hiệu “Ngũ nhạc độc tôn”. |
Từ trên đỉnh Ngọc Hoàng nhìn xuống là 1 góc thành phố Thái An. |
Trước đó vào chiều 5/9 tại, Trung tâm văn hóa nghệ thuật Thái An, gần 400 đại biểu đến từ các thành phố kết nghĩa, công ty du lịch, doanh nghiệp của 14 quốc gia và vùng lãnh thổ như Việt Nam, Pháp, LB Nga, Hàn Quốc, Armenia, Canada, Nhật Bản đã tham dự khai mạc Lễ hội leo núi quốc tế Thái Sơn lần thứ 38.
Ngoài ra, trong thời gian lễ hội leo núi năm nay, các vận động viên, đại biểu và du khách cũng có cơ hội tìm hiểu, trải nghiệm văn hóa, lịch sử Thái Sơn thông qua hoạt động tham quan các di tích lịch sử như Đại miếu, Xuân thu cổ trấn, hay xem biểu diễn thực cảnh Đại lễ tế trời....
Đại miếu, còn được gọi là Đông Nhạc miếu, được xây dựng cách đây khoảng 2.100 năm, là nơi tổ chức lễ tế trời của các triều đại phong kiến. |
Đại miếu được xây dựng theo kiểu kiến trúc hoàng thành hình chữ nhật với chiều nam bắc dài 405m, chiều đông tây dài 236m, bên trong còn bảo tồn hơn 150 kiến trúc cổ. |
Biểu diễn thực cảnh tái hiện đại lễ tế trời qua các triều đại phong kiến với sự tham qua của 300 diễn viên, 5.000 bộ trang phục biểu diễn trên sân khấu rộng 5.500m2. |
Với tổng vốn đầu tư hơn 300 triệu nhân dân tệ, biểu diễn thực cảnh Đại lễ tế trời đã thu hút gần 9 triệu lượt người xem sau hơn 10 năm công diễn. |