Tham dự buổi lễ có Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh; Bộ trưởng Công thương Trần Tuấn Anh; Bà Carolyn Turk, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam; Bà Robyn Mudie, Đại sứ Australia tại Việt Nam.
Được sự hỗ trợ của Chính phủ Australia, Bộ Công thương và Ngân hàng Thế giới (WB) đã phối hợp khởi động việc xây dựng FTAP từ tháng 2/2019. Sau gần 2 năm triển khai, mặc dù gặp nhiều khó khăn do Đại dịch Covid-19 nhưng các chuyên gia của Bộ Công thương và Ngân hàng Thế giới đã hoàn tất các công việc cuối cùng để khai trương FTAP đầu tiên của Việt Nam tại địa chỉ http://fta.moit.gov.vn/
Cho đến nay, Việt Nam đã ký kết 14 Hiệp định thương mại tự do (FTA) khu vực và song phương (trong đó đang thực thi 13 FTA), đã kết thúc đàm phán 01 và đang đàm phán 02 Hiệp định với các đối tác khác. Trong số các FTA này, có 2 FTA thế hệ mới là CPTPP và EVFTA. Sau khi kết thúc các FTA đang đàm phán, có thể nói Việt Nam đã thiết lập được quan hệ thương mại tự do với hầu hết các nước đối tác quan trọng nhất trên thế giới, tạo cơ sở vững chắc cho việc tăng cường và thúc đẩy trao đổi thương mại – đầu tư song phương cũng như tăng cường hội nhập kinh tế quốc tế trong khu vực và trên toàn cầu.
Trong bối cảnh Hội nhập quốc tế ngày một sâu rộng, cùng với đó là sự phát triển mãnh mẽ của Công nghệ 4.0 thì ý tưởng về một Cổng thông tin điện tự về FTA của Việt Nam cho phép doanh nghiệp chỉ cần ngồi một chỗ có thể tra cứu tất cả các thông tin cần thiết, đặc biệt là các cam kết liên quan đến thuế, quy tắc xuất xứ, dịch vụ và đầu tư, v.v.. là vô cùng cần thiết. Trên cơ sở sự hỗ trợ của Chính phủ Australia và Ngân hàng thế giới, Cổng thông tin điện tử về các FTA Việt nam đã được xây dựng dựa trên mô hình của Cổng thông tin điện tử FTA của Chính phủ Australia.
Đây là lần đầu tiên Việt Nam có được một công cụ tra cứu các cam kết FTA và các thông tin liên quan một cách thông minh, tiên tiến, có ý nghĩa rất lớn trong việc giúp cộng đồng doanh nghiệp và người dân tận dụng tối đa cơ hội từ các FTA mà Việt Nam đã tham gia, gửi đi thông điệp quan trọng về quyết tâm của Chính phủ Việt Nam trong việc thực thi các FTA một cách hiệu quả nhất thông qua các tính năng quan trọng.
Phát biểu tại lễ khai trương, Bộ trưởng Công thương Trần Tuấn Anh cho biết, FTAP với giao diện thân thiện, khoa học, tạo sự thuận lợi và tiện ích cho người sử dụng, sẽ là địa chỉ cung cấp công cụ tra cứu trực tuyến thông minh cho cộng đồng doanh nghiệp và các đối tượng quan tâm đối với cam kết của tất cả các FTA mà Việt Nam tham gia, bao gồm các cam kết về thuế, quy tắc xuất xứ, dịch vụ và đầu tư, cũng như các thông tin thiết yếu khác cho quá trình giao thương của doanh nghiệp như tình hình thị trường, các quy định về xuất nhập khẩu, phát triển bền vững ...
Cụ thể, FTAP có khả năng tích hợp các thông tin trong các hiệp định thương mại tự do đa phương, khu vực và song phương của Việt Nam vào trong một hệ thống tra cứu thông minh và thân thiện với người sử dụng. Theo đó, về thương mại hàng hóa, Cổng thông tin điện tử này cho phép doanh nghiệp và người dân tra cứu ra kết quả mức thuế, lộ trình cắt giảm thuế đối với từng mặt hàng cụ thể theo các FTA của Việt Nam với các đối tác, đặc điểm quy mô thị trường, quy tắc xuất xứ để hưởng ưu đãi và các thủ tục cần thực hiện và các biện pháp phi thuế mà doanh nghiệp cần lưu ý trong quá trình xuất khẩu/nhập khẩu mặt hàng đó, ...
Về thương mại dịch vụ - đầu tư, Cổng thông tin điện tử này cho phép doanh nghiệp và người dân tra cứu ra kết quả cam kết mở cửa thị trường dịch vụ - đầu tư liên quan tới từng ngành/phân ngành dịch vụ hoặc phi dịch vụ theo từng phương thức cung cấp dịch vụ cũng như thông tin về các văn bản quy phạm pháp luật cam kết và hiện hành có liên quan ...
Điều này sẽ tạo tiền đề quan trọng giúp doanh nghiệp và người dân có được thông tin cần thiết một cách nhanh chóng, chính xác, từ đó tận dụng tối đa các cơ hội do các FTA này mang lại.
FTAP sẽ cập nhật thường xuyên tình hình và kết quả triển khai thực thi các Hiệp định FTA của Việt Nam từ phía các cơ quan quản lý tại các phiên họp Hội đồng, Ủy ban có liên quan trong các Hiệp định này; Các văn bản pháp luật thực hiện các Hiệp định FTA Việt Nam do cơ quan quản lý ban hành sẽ được cập nhật đầy đủ trên Cổng thông tin điện tử về các FTA; Số liệu hoặc thông tin về các thị trường có FTA với Việt Nam sẽ được cập nhật thường xuyên dựa trên các nguồn thông tin tin cậy; Các hội nghị, hội thảo hoặc khóa tập huấn dưới hình thức trực tiếp và trực tuyến sẽ được thường xuyên cập nhật để doanh nghiệp hoặc những tổ chức, cá nhân quan tâm có thể đăng ký tham gia. Ngoài ra, các ấn phẩm hỗ trợ doanh nghiệp khi được xuất bản cũng sẽ được đăng tải công khai để doanh nghiệp hoặc người dân có thể tham khảo; Toàn bộ các dữ liệu trên Cổng thông tin này sẽ được hiển thị dưới dạng song ngữ (tiếng Việt và tiếng Anh).
Công cụ tra cứu được thiết kế cho FTAP cho phép bất cứ cá nhân hay doanh nghiệp nào quan tâm đến các cam kết FTA có thể ngồi một chỗ được tiếp cận và hướng dẫn trực tuyến một cách chi tiết, rõ ràng và đơn giản nhất có thể, thay vì phải tự tìm tòi hoặc liên hệ nhiều cơ quan, đơn vị khác nhau để có được thông tin mình cần. Việc này sẽ giảm thiếu tối đa thời gian, chi phí, giúp cho các doanh nghiệp tận dụng được một cách hiệu quả nhất các cơ hội mang về từ các FTA mà Việt Nam đang tham gia.