Khai thác tiềm năng và sức mạnh của AI

Vạch ra những giới hạn trong phát triển trí tuệ nhân tạo (AI) và phương thức phát huy sức mạnh của công nghệ này để phục vụ nhân loại là nội dung trọng tâm mà Hội nghị quốc tế về AI vừa diễn ra ở Geneva, Thụy Sĩ tập trung bàn thảo. Được ví như "con dao hai lưỡi", AI có thể gây ra những hệ lụy khôn lường cho con người và xã hội nếu không được kiểm soát chặt chẽ.
0:00 / 0:00
0:00
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Vừa khép lại vào ngày 7/7 vừa qua tại Geneva, Hội nghị quốc tế mang tên "AI for Good Global Summit" quy tụ khoảng 3.000 chuyên gia đến từ các công ty công nghệ hàng đầu, cũng như từ các trường đại học và tổ chức quốc tế. Hội nghị còn có sự tham dự của các khách mời đặc biệt là những người máy như robot ca sĩ nhạc rock Desdemona, robot y tá Grace...

Người đứng đầu Liên minh Viễn thông Quốc tế Doreen Bogdan-Martin nhận định, hội nghị là cơ hội để những chuyên gia hàng đầu thế giới trong lĩnh vực AI hợp lực giải quyết các vấn đề quản trị công nghệ này, nhằm bảo đảm một tương lai có trách nhiệm của công nghệ AI.

Cũng tại hội nghị, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres khẳng định, sự phát triển của AI phải vì lợi ích của tất cả mọi người; đồng thời thúc giục thế giới nhanh chóng đạt được sự đồng thuận về các quy tắc phát triển và ứng dụng AI. Trên thực tế, ngày càng nhiều lĩnh vực kinh tế được hưởng lợi từ AI. Công nghệ này góp phần nâng cao rõ rệt năng suất lao động và cải thiện chất lượng cuộc sống của con người.

Sự phát triển của AI phải vì lợi ích của tất cả mọi người; đồng thời thúc giục thế giới nhanh chóng đạt được sự đồng thuận về các quy tắc phát triển và ứng dụng AI.

Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres

Chính phủ Bỉ mới đây công bố kế hoạch ngân sách trong năm 2024 để phát triển các dự án ứng dụng AI trong ngành y tế. Thành phố Jakarta của Indonesia cũng tìm đến sự trợ giúp của AI để giải quyết bài toán tắc nghẽn giao thông trầm trọng. Trong khi đó, Chương trình Lương thực Thế giới (WFP) thông báo, từ năm 2024, các xe robot tích hợp AI có thể phân phát các gói thực phẩm đến những khu vực xảy ra xung đột và thiên tai.

Thế nhưng, những mối nguy hiểm tiềm tàng từ AI cũng đang là một trong những mối quan tâm hàng đầu của các nhà nghiên cứu công nghệ và cả công chúng. Một cuộc khảo sát gần đây của Reuters cho thấy, hơn 2/3 số người Mỹ được hỏi bày tỏ lo ngại về những tác động tiêu cực của AI; 61% trong số đó tin rằng AI có thể đe dọa nền văn minh nhân loại.

Được ví như "con dao hai lưỡi", các sản phẩm AI nếu không được kiểm soát chặt chẽ có thể tạo ra các nội dung nguy hiểm, lan truyền thông tin sai lệch, gây gian lận học vấn, rò rỉ dữ liệu, vi phạm quyền riêng tư…

Nhà khoa học Geoffrey Hinton, một trong những nhà tiên phong phát triển công nghệ AI, đã lên tiếng hối thúc chính phủ các nước nhanh chóng hành động để ngăn chặn viễn cảnh máy móc kiểm soát xã hội loài người.

Cụ thể, ông Hinton bày tỏ quan ngại về việc AI làm gia tăng nguy cơ bất bình đẳng trong xã hội, khi phần lớn năng suất khổng lồ của AI mang lại lợi ích cho người giàu thay vì thành phần lao động; đồng thời chỉ rõ nguy cơ từ tin giả do các sản phẩm như ứng dụng ChatGPT tạo ra.

Những mối đe dọa hiện hữu buộc nhiều nước thúc đẩy nỗ lực quản lý các tác động của AI. Hiện các quan chức hàng đầu trong Chính phủ Mỹ tiến hành nhóm họp 2-3 lần/tuần về vấn đề này. Mỹ cũng kêu gọi các công ty tư nhân tham gia giải quyết rủi ro.

Trong khi đó, Liên minh châu Âu (EU) thông báo sẽ hỗ trợ mức kinh phí trị giá 4 triệu euro để giúp các nước đang phát triển xây dựng luật quản lý AI. Mới đây, Nghị viện châu Âu (EP) đã thông qua một văn bản quan trọng có thể tạo nền tảng cho các quy tắc AI trong khi vẫn thúc đẩy sáng tạo trong lĩnh vực này.

AI đang là xu hướng không thể đảo ngược của thế giới khi góp phần thiết thực phục vụ cuộc sống con người. Bên cạnh nỗ lực nghiên cứu để tận dụng cơ hội và phát huy sức mạnh của công nghệ AI, các nước cần khẩn trương thiết lập những rào chắn an toàn để thật sự làm chủ AI và chủ động ứng phó các mối đe dọa tiềm tàng.