Khai thác tiềm năng du lịch đường sông

Hệ thống sông Sài Gòn, sông Đồng Nai có tiềm năng lớn trong việc phát triển du lịch đường sông của vùng Đông Nam Bộ. Tuy nhiên, đến nay "mỏ vàng" này vẫn chưa được khai thác bài bản, đúng mức để tạo thành điểm nhấn trong ngành "công nghiệp không khói" của vùng.
0:00 / 0:00
0:00

Sông Sài Gòn có dòng chảy hiền hòa lại kết nối với nhiều địa danh nổi tiếng, những điểm du lịch sinh thái ở thành phố Thủ Đức, các huyện Hóc Môn, Củ Chi và cả tỉnh Bình Dương, nên có lợi thế rất lớn để đẩy mạnh du lịch đường sông. Thực tế trong những năm gần đây, các doanh nghiệp đã bắt đầu khai thác lợi thế này khi tuyến buýt đường sông đi vào hoạt động.

Một số doanh nghiệp du lịch đã thực hiện các tua du lịch như "ngắm hoàng hôn trên sông Sài Gòn", "Thủ Đức-thành phố bên dòng sông xanh" được nhiều du khách đăng ký trải nghiệm và yêu thích. Tuy nhiên, việc khai thác nhỏ lẻ đó chưa thể "đánh thức" hết tiềm năng to lớn đang ẩn chứa ở các dòng sông Sài Gòn, Đồng Nai. Chính vì thế, việc đẩy nhanh kế hoạch, giải pháp để khai thác "của để dành" ở các dòng sông này trong hoạt động du lịch là điều vô cùng cần thiết trong giai đoạn phát triển hiện nay.

Vùng đất ven sông Sài Gòn, sông Đồng Nai còn lưu giữ khá nhiều các di tích, cổ vật về quá trình hình thành và phát triển của vùng đất Nam Bộ. Việc khai thác giá trị văn hóa xưa sẽ mang đến những điều thú vị, thu hút sự quan tâm của du khách trong nước và nước ngoài. Bên cạnh đó, các địa phương ven sông trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh, các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai đều có lợi thế về du lịch sinh thái, làng nghề truyền thống,… nên nếu kết nối được, sẽ hình thành được các tua du lịch ấn tượng.

Tuy nhiên, để đánh thức tiềm năng du lịch đường sông ở vùng Đông Nam Bộ đòi hỏi sự vào cuộc của các ngành, các cấp, sự thống nhất của chính quyền các tỉnh, thành phố liên quan.

Một trong những điểm yếu nhất làm chậm sự phát triển du lịch đường sông hiện nay chính là hạ tầng còn kém, chưa đủ điều kiện phục vụ du khách. Các bến tàu, hệ thống đường giao thông kết nối các điểm đến vẫn chưa được đầu tư xây dựng bài bản, hiện đại, nên không thể phát huy tối đa lợi thế du lịch đường sông. Bên cạnh đó, hệ thống tàu phục vụ để phát triển du lịch cũng như giải pháp bảo đảm an toàn cho du khách khi tham quan vẫn chưa được giải quyết triệt để làm hạn chế khả năng khai thác du lịch đường sông của vùng.

Năm 2023, Thành phố Hồ Chí Minh sẽ đẩy mạnh phát triển du lịch đường sông. Không chỉ khai thác du lịch trên sông Sài Gòn, thành phố cũng đang từng bước tận dụng lợi thế hệ thống kênh, rạch của một đô thị sông nước để khai thác du lịch, tái hiện lại cảnh trên bến, dưới thuyền đặc trưng của vùng đất này. Với vai trò là hạt nhân trong liên kết du lịch vùng, việc thành phố tập trung phát triển du lịch đường sông sẽ tạo cú huých để các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai cùng nhau khai thác tiềm năng này, qua đó tạo nên những giá trị mới cho ngành du lịch vùng Đông Nam Bộ.