Khai thác thị trường nông sản châu Âu

Liên minh châu Âu (EU) là một trong những thị trường xuất khẩu nông, lâm, thủy sản lớn và quan trọng của Việt Nam, nhất là từ tháng 8/2020 khi Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA) có hiệu lực với lợi thế ưu đãi về thuế quan. Tuy nhiên, đây cũng là thị trường nhiều thách thức khi liên tục thay đổi các biện pháp về an toàn thực phẩm, kiểm dịch động, thực vật cũng như đi đầu trong các xu hướng chuyển đổi nông nghiệp xanh, đòi hỏi các ngành hàng phải linh hoạt thích ứng để xuất khẩu bền vững.
0:00 / 0:00
0:00
Gạo “Cơm ViệtNam Rice” lên kệ chuỗi siêu thị của tập đoàn phân phối bán lẻ hàng đầu nước Pháp E.Leclerc và hệ thống phân phối Carrefour. (Ảnh Tập đoàn Lộc Trời)
Gạo “Cơm ViệtNam Rice” lên kệ chuỗi siêu thị của tập đoàn phân phối bán lẻ hàng đầu nước Pháp E.Leclerc và hệ thống phân phối Carrefour. (Ảnh Tập đoàn Lộc Trời)

Bài 1: Miền đất hứa cho nông sản Việt Nam

Theo Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), hằng năm, EU nhập khẩu khoảng 290 tỷ USD các mặt hàng nông, lâm, thủy sản, trong đó các loại nông sản chính là 184 tỷ USD, thủy sản 47 tỷ USD, gỗ và sản phẩm gỗ 59 tỷ USD. Đây không chỉ là thị trường tiềm năng về giá trị kim ngạch mà việc đủ điều kiện xuất khẩu vào EU còn như “tấm vé thông hành” để nông sản Việt Nam đến được nhiều quốc gia, khu vực khác.

Năm 2023, kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản của Việt Nam sang thị trường châu Âu đạt khoảng 5,34 tỷ USD, trong đó chủ yếu xuất khẩu sang thị trường EU. Các mặt hàng nhập khẩu chính của EU từ Việt Nam, gồm: Cà-phê, thủy sản, gạo, rau quả, gỗ và sản phẩm gỗ...

Nhiều mặt hàng tăng trưởng cao

Số liệu của Tổng cục Hải quan cho thấy, năm 2023, xuất khẩu gạo sang EU tăng 10% cả về sản lượng và giá trị so với năm 2022, đạt khoảng 104.000 tấn, kim ngạch 71,7 triệu USD - con số cao nhất từ trước đến nay, vượt mức hạn ngạch 80.000 tấn mà EU cấp cho Việt Nam theo EVFTA. Trong cơ cấu xuất khẩu gạo sang EU, gạo thơm chiếm tỷ trọng lớn nhất, tiếp đến là các loại gạo lứt, gạo hữu cơ, gạo giống Nhật, gạo đồ.

Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Nông nghiệp công nghệ cao Trung An Phạm Thái Bình cho biết: “So với sản lượng gạo xuất khẩu của cả nước năm 2023 là hơn 8 triệu tấn, kim ngạch 4,78 tỷ USD, thì sản lượng và trị giá xuất khẩu gạo sang EU còn khiêm tốn, nhưng giá xuất khẩu lại khá cao. Hiện giá xuất khẩu trung bình các loại gạo thơm của Việt Nam vào EU ở mức 800 USD đến hơn 1.000 USD/tấn, có thời điểm đạt hơn 1.200 USD/tấn.

Ngoài yêu cầu về quy trình canh tác theo tiêu chuẩn bền vững quốc tế (SRP), các quốc gia EU còn xem xét đến nhiều khía cạnh trong chuỗi cung ứng lúa gạo, như: Điều kiện làm việc, sử dụng lao động, sử dụng nước, quản lý chất thải... Gần đây, tiêu chí phát thải thấp trong trồng lúa được EU đặc biệt chú trọng, giúp nâng tầm hơn nữa những sản phẩm gạo được phép nhập khẩu vào EU”.

Cùng với sản phẩm gạo, cà-phê là một trong những nông sản ghi nhận sự tăng trưởng giá trị xuất khẩu vào EU. Năm 2023, khối lượng xuất khẩu cà-phê vào EU giảm 10,4% so với năm 2022, chỉ đạt hơn 600.000 tấn nhưng giá trị kim ngạch vẫn đạt gần 1,5 tỷ USD, đạt 101,5% kim ngạch năm 2022.

Nguyên nhân là do giá xuất khẩu cà-phê vào thị trường này tăng cao, cụ thể như tháng cuối năm 2023, giá xuất khẩu bình quân cà-phê hòa tan ở mức 8.235 USD/tấn, tăng 6,1% so với cùng kỳ năm 2022; giá xuất khẩu bình quân cà-phê chưa rang chưa khử caffeine ở mức 2.663 USD/tấn, tăng 22,5% so với cùng kỳ năm 2022.

Hiện nay châu Âu vẫn là thị trường nhập khẩu cà-phê lớn nhất thế giới và cũng là thị trường lớn, tiềm năng của cà-phê Việt Nam, nhất là trong điều kiện thị hiếu tiêu dùng cà-phê của người dân EU có sự chuyển dịch từ cà-phê Arabica sang cà-phê Robusta - loại cà-phê thế mạnh của Việt Nam. Điều này sẽ giúp ngành cà-phê Việt Nam gia tăng giá trị và mở rộng thị phần tại EU thời gian tới.

Một trong những điểm sáng về xuất khẩu nông sản vào EU năm 2023 phải kể đến là rau quả với kim ngạch đạt gần 300 triệu USD, tăng 27,4% so với năm 2022. Ông Đặng Phúc Nguyên - Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam cho biết: Năm 2024, dự kiến kim ngạch xuất khẩu rau quả của Việt Nam sang EU sẽ tăng trưởng từ 20% trở lên.

Đây là thị trường có các yêu cầu về chất lượng khắt khe bậc nhất thế giới nhưng điều đáng mừng là các doanh nghiệp Việt Nam đã thích ứng nhanh chóng, thay đổi cả trong sản xuất, chế biến và xuất khẩu để đáp ứng đầy đủ các yêu cầu từ EU. Việt Nam hiện cũng là nước duy nhất trong ASEAN đứng trong top 30 nhà xuất khẩu rau quả vào EU.

Bên cạnh sự tăng trưởng của từng ngành hàng thì những năm qua, xuất khẩu nông sản sang EU còn ghi nhận xu hướng tăng lên của các sản phẩm chế biến sâu. Thống kê của Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho thấy, 10 năm trở lại đây, kim ngạch xuất khẩu cà-phê chế biến tăng trưởng bình quân 30%/năm, các sản phẩm chế biến từ cao su tăng 20%/năm, hạt điều chế biến tăng 43%/năm, trái cây chế biến tăng 15%. Để tận dụng ưu đãi thuế 0% từ hiệp định EVFTA đối với các sản phẩm chế biến (cà-phê, tiêu, điều, cao su, rau quả), các doanh nghiệp trong nước đã và đang đầu tư mạnh mẽ cho công nghệ chế biến nông sản.

Khai thác thị trường nông sản châu Âu ảnh 1

Chế biến thủy sản xuất khẩu ở Công ty cổ phần Thủy sản Cafatex Hậu Giang. (Ảnh QUỐC TUẤN)

Dư địa thị trường còn rất lớn

Tham tán thương mại, Thương vụ Việt Nam tại Bỉ và EU Trần Ngọc Quân thông tin: Sau hai năm kinh tế EU khủng hoảng thì đã có một số điểm sáng, hiện lạm phát đã giảm nhiều, các nhà kinh tế EU và thế giới đều dự báo kinh tế EU trong năm 2024 sẽ tăng trưởng nhẹ gần 1% và khoảng 1,5% trong năm 2025.

Thương mại quốc tế của EU giảm hơn 15% trong năm 2023 thì cũng bắt đầu khôi phục trở lại trong năm 2024 với mức tăng trưởng khoảng 1,7% đối với chiều nhập khẩu vào EU và khoảng 1,1% đối với chiều xuất khẩu từ EU đi các nước khác; mức thương mại này sẽ tăng độ mạnh gấp đôi vào năm 2025. Cùng với thu nhập của người dân tăng trở lại, các chuỗi cung ứng được khôi phục nên cơ hội xuất khẩu nhiều mặt hàng tiêu dùng, trong đó có nông, lâm, thủy sản sẽ gia tăng trong năm 2024 vào thị trường EU.

Tuy nhiên, theo Vụ trưởng Hợp tác quốc tế (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, so với tổng kim ngạch nhập khẩu của EU thì kim ngạch nhập khẩu từ Việt Nam vẫn chiếm tỷ trọng rất nhỏ, chỉ khoảng 2%. Cụ thể, thủy sản chiếm tỷ trọng 2,06%; rau quả 0,2%; cà-phê 6,9%; tiêu 32,4%; điều 24,4%; cao su và sản phẩm từ cao su 0,8%; gỗ và sản phẩm gỗ 0,8%.

Nguyên nhân là do hàng nông sản của Việt Nam xuất khẩu sang EU vẫn chủ yếu tham gia vào các phân khúc thị trường có giá trị gia tăng thấp như hàng thô hay các sản phẩm chế biến làm nguyên liệu đầu vào để sản xuất các sản phẩm cuối cùng. Trong đó, tỷ trọng cà-phê thô chiếm tới 95% tổng kim ngạch xuất khẩu cà-phê, hạt điều thô chiếm 96,8%, hạt tiêu thô chiếm 79%, thủy sản đông lạnh/sơ chế chiếm 60%.

Mặt khác, những năm gần đây, chi phí logistics tăng cao làm giảm sức cạnh tranh của nông sản tại thị trường này. Chi phí logistics trong chuỗi giá trị nông nghiệp của Việt Nam đang ở mức 20-25% tổng chi phí, cao hơn so với mức trung bình 10-15% của các nước trong khu vực.

Thêm vào đó, do quy mô các đơn hàng nhỏ lẻ, thiếu liên kết giữa các doanh nghiệp xuất khẩu nên nông sản xuất khẩu của Việt Nam sang EU dễ bị các đội tàu vận chuyển ép giá, làm tăng thêm chi phí logistics.

Ngoài ra, nông sản Việt Nam chưa tham gia sâu vào hệ thống phân phối hiện đại và chưa xây dựng được kênh phân phối ổn định tại thị trường EU; chưa xây dựng được thương hiệu. Hiện nay, Việt Nam mới đăng ký hai thương hiệu quốc gia cho hàng nông sản là thương hiệu gạo và thương hiệu cao su.

Tuy nhiên, việc triển khai áp dụng trên thực tế của hai thương hiệu quốc gia này còn chậm. Đối với thương hiệu riêng của các doanh nghiệp, hơn 80% lượng nông, thủy sản xuất khẩu sang EU chưa xây dựng được thương hiệu. Ngay cả các mặt hàng chế biến của Việt Nam xuất khẩu sang EU cũng được các nhà chế biến/phân phối của EU gắn dưới tên thương hiệu của họ. Do đó, mức độ nhận diện hàng nông sản Việt Nam của người tiêu dùng EU còn hạn chế.

(Còn nữa)

Một số nông sản Việt Nam đã bước đầu thâm nhập các kênh phân phối hiện đại của EU như cá tra được bán trong các siêu thị, dịch vụ bán buôn và thực phẩm trên khắp EU, nhất là tại Bắc Âu. Cá tra Việt Nam cũng đã được lên kệ tại các nhà bán lẻ EU, gồm: Albert Heijn và Jumbo ở Hà Lan; Tesco ở Anh và REWE ở Đức. Một số loại trái cây như thanh long, chanh leo, với số lượng còn hạn chế theo mùa vụ, cũng đã được đưa vào các siêu thị như Colruyt, Carrefour, Grand Frais. Gạo “Cơm ViệtNam Rice” của Việt Nam cũng đã lên kệ chuỗi siêu thị của tập đoàn phân phối bán lẻ hàng đầu nước Pháp E.Leclerc và hệ thống phân phối Carrefour.