Khai thác hiệu quả tiềm năng nhãn lồng Hưng Yên

NDO -

Hưng Yên là tỉnh có đặc sản nhãn lồng nổi tiếng, là giống cây có tiềm năng và thế mạnh cần được quan tâm giữ gìn và phát triển để mang lại nguồn thu lớn cho nông dân.

Nông dân Hưng Yên thu hoạch nhãn.
Nông dân Hưng Yên thu hoạch nhãn.

Kết thúc vụ nhãn chính vụ năm nay, phần lớn hộ trồng nhãn ở xã Hồng Nam, TP Hưng Yên - vùng trồng nhãn lớn (chủ yếu là nhãn Hương chi) của tỉnh Hưng Yên ngậm ngùi “thất thu”, bởi giá nhãn xuống thấp đã ảnh hưởng lớn đến nguồn thu nhập chính của nông dân trong xã. Tuy nhiên, cũng có nhiều hộ trồng nhãn đường phèn vẫn “thắng đậm”, do vẫn bán được giá cao, có bao nhiêu cũng đều được đặt hàng mua hết. 

Anh Trịnh Việt Vương ở thôn Nễ Châu, xã Hồng Nam, TP Hưng Yên, cho biết: gia đình anh có 9 sào vườn, trồng toàn bộ giống nhãn đường phèn. Cây nhãn đường phèn lâu năm nhất được lấy giống từ cây nhãn tổ ở chùa Hiến và trồng cách đây khoảng 70 năm. Quả nhãn đường phèn khi chín vỏ mỏng, khi bóc ra thấy múi nhãn căng mọng có màu hơi ánh vàng, cùi dày, róc hạt, ăn thấy mềm nhưng giòn, ngọt thanh, hương thơm thoang thoảng như mùi mật ong. 

Cũng chính bởi hương vị đặc biệt của giống nhãn đường phèn, nên mỗi vụ nhãn đến, ngay từ khi quả nhãn còn xanh non, nhiều khách quen đã tìm đến tận nơi đặt hàng và không có đủ hàng để đáp ứng nhu cầu của khách. Năm nay cũng vậy, mặc dù dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, việc tiêu thụ nhãn quả tươi của người dân gặp nhiều khó khăn, nhưng 1,5 tấn nhãn đường phèn của anh Vương đều được đặt mua hết với bán với giá 85.000 đến 95.000 đồng/kg.

Anh Vương cho biết thêm, đã có nhiều chủ vườn ở các huyện Kim Động, Tiên Lữ, Ân Thi, Phù Cừ đến nhà anh đặt, mua giống nhãn đường phèn về trồng. Tuy nhiên, giống nhãn đường phèn “khó tính”, người trồng phải hiểu rõ đặc tính của từng cây để có cách chăm sóc phù hợp mới mang lại hiệu quả cao.

Ông Vũ Hồng Ngân, Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp và Thủy sản Hưng Thịnh, xã Quang Hưng, huyện Phù Cừ cho biết: Nhãn đường phèn quả nhỏ, khoảng 120 quả đến 130 quả/kg; khi chín vỏ quả màu vàng đồng, da cóc, mã xấu hơn những giống nhãn khác; bóc ra thấy cùi dày ánh vàng, vân múi căng, róc vỏ, róc hạt, giòn, hạt nhỏ hơi nhăn có màu hanh nâu; khi ăn cảm nhận mùi vị ngọt tựa mật ong, hương thơm rất đặc biệt. 

Hiện nay, rất ít nhà còn giữ được cây nhãn đường phèn cổ, sản lượng loại nhãn này vì thế cũng rất ít và toàn bộ được khách hàng “sành ăn” đặt trước để mua thưởng thức hoặc làm quà biếu. Giá bán loại nhãn này những năm trước khoảng 120.000 đồng/kg; năm nay do dịch Covid-19, việc vận chuyển nhãn gặp khó khăn nên giá nhãn đường phèn dao động từ 90.000 đến 100.000 đồng/kg, cao hơn gấp 5 đến 10 lần so với các giống nhãn khác.

Cần khai thác hiệu quả tiềm năng nhãn lồng Hưng Yên -0
Quả nhãn đường phèn khi chín giòn, ngọt thanh, hương thơm thoang thoảng như mùi mật ong. 

Tỉnh Hưng Yên là vùng trồng nhãn lớn, có khoảng 4800 ha nhãn, hàng năm cho sản lượng khoảng 50 nghìn tấn quả; các giống nhãn được trồng chủ yếu ở Hưng Yên là: nhãn Hương Chi, nhãn chín muộn Miền Thiết, nhãn T1, T2, T6… đây cũng là các giống nhãn được trồng phổ biến ở nhiều địa phương khác trong nước, như: Sơn La, Hòa Bình...

Chính vì vậy, những năm gần đây, tỉnh Hưng Yên khuyến cáo người dân không nên phát triển diện tích trồng nhãn một cách ồ ạt, cần tập trung cải tạo, nâng cao chất lượng nhãn bằng cách gìn giữ, phát triển những giống nhãn quý và mở rộng diện tích canh tác nhãn theo quy trình VietGAP.

Giai đoạn 2012-2015, tỉnh Hưng Yên đã thực hiện dự án “Bảo tồn giống nhãn đặc sản và nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm vùng chuyên canh nhãn tỉnh Hưng Yên”.

Dự án nhằm bảo tồn các giống nhãn đặc sản có chất lượng quả ngon, phù hợp với thị hiếu của người tiêu dùng; nâng cao sản lượng, chất lượng và giá trị sản phẩm vùng sản xuất chuyên canh nhãn có quy mô tập trung, áp dụng tổng hợp các biện pháp kỹ thuật thâm canh cao gồm chọn giống, kỹ thuật trồng trọt, chăm sóc, thu hoạch, công nghệ sau thu hoạch, các hoạt động thương mại sản phẩm.

Theo khảo sát của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hưng Yên, hiện nay, diện tích trồng các giống nhãn quý, trong đó có nhãn đường phèn chỉ chiếm chưa đến 1% diện tích nhãn của toàn tỉnh.

Thấy được chất lượng và giá trị kinh tế vượt trội của nhãn đường phèn so với nhiều giống nhãn khác, một số chủ vườn nhãn ở Hưng Yên đã tìm cách nhân giống, trồng nhãn đường phèn mở ra tiềm năng phát triển diện tích nhãn đường phèn đặc sản Hưng Yên. 

Tuy nhiên, nhiều chủ vườn nhãn đường phèn giàu kinh nghiệm tâm sự, họ vẫn “bó tay” khi can thiệp cho nhãn đường phèn ra hoa, đậu quả, khắc phục tình trạng “năm ăn quả, năm trả cành” ở giống nhãn này. Việc ứng dụng các kỹ thuật, tác động cơ học, hóa học như khoanh cành, phun thuốc kích thích cho cây nhãn nhằm tăng khả năng phân hóa mầm hoa, kích thích nhãn ra hoa, đậu quả được ứng dụng thành công trên nhiều giống nhãn phổ biến hiện nay, nhưng không mấy hiệu quả đối với cây nhãn đường phèn. Hơn nữa, ở Hưng Yên, không phải nơi nào cũng có thể trồng được cây nhãn đường phèn cho chất lượng quả ngon, thơm…

Bởi vậy, người trồng nhãn Hưng Yên mong muốn được tiếp thu, hướng dẫn kỹ thuật để phát triển diện tích trồng nhãn đường phèn không những nâng cao giá trị kinh tế mà còn là để gìn giữ, phát huy giá trị, thương hiệu đặc sản nhãn lồng Hưng Yên.