Khai thác hiệu quả lòng đường, vỉa hè

Với một đô thị lớn như Thành phố Hồ Chí Minh, hoạt động kinh doanh, buôn bán luôn diễn ra sôi động, tấp nập. Và khi mỗi "tấc đất, tấc vàng" thì nhiều tuyến đường, lòng đường, vỉa hè đều được người dân tận dụng để buôn bán.
0:00 / 0:00
0:00

Đây cũng là một trong những nguyên nhân lớn khiến nỗ lực xây dựng đô thị văn minh, hiện đại bị ảnh hưởng nhiều khi những hình ảnh nhếch nhác, mất mỹ quan đô thị vẫn hằng ngày diễn ra trên các tuyến đường. Hoạt động "kinh tế vỉa hè" trở thành kế sinh nhai đối với không ít người dân khi họ tận dụng, lấn chiếm lòng, lề đường mà không phải đóng một khoản phí, thuế nào.

Những hạn chế, bất cập trong quản lý và sử dụng lòng đường, vỉa hè trên địa bàn thành phố không phải bây giờ mới được chính quyền thành phố bàn bạc giải quyết. Từ năm 2008, Ủy ban nhân dân thành phố đã có Quyết định số 74/2008/QĐ-UBND để thực thi vấn đề này. Tuy nhiên, quá trình thực hiện, nhiều bất cập tiếp tục xuất hiện; trong đó, nguyên nhân quan trọng nhất là việc quản lý, triển khai các quy định cụ thể của quyết định đã không được thực hiện xuyên suốt, lâu dài.

Cách đây 5 năm, trong nỗ lực "lấy" lại lòng đường, vỉa hè, thiết lập cảnh quan đô thị, Ủy ban nhân dân thành phố cũng từng thực hiện các chiến dịch rầm rộ, quyết liệt, nhưng chỉ một thời gian sau, khi hoạt động này tạm dừng, lòng đường, vỉa hè thành phố nhiều nơi đã trở lại với hình ảnh nhếch nhác như trước.

Mới đây, Sở Giao thông vận tải thành phố đã có dự thảo đề án về rà soát hiện trạng hạ tầng giao thông đường bộ để xây dựng đề án thu phí sử dụng tạm thời một phần lòng đường, hè phố trình Ủy ban nhân dân thành phố. Có thể hiểu, dự thảo đề án này là một bản "nâng cấp" hơn so với Quyết định 74/2008/QĐ-UBND khi nêu rõ các trường hợp sử dụng vỉa hè phải đóng phí gồm: Điểm tổ chức kinh doanh dịch vụ, mua, bán hàng hóa; các công trình, tiện ích phục vụ giao thông công cộng có thu tiền sử dụng; các công trình tạm, các trụ quảng cáo tạm; các hoạt động văn hóa; điểm trông, giữ xe phục vụ hoạt động văn hóa; điểm trung chuyển vật liệu, phế thải xây dựng để phục vụ thi công công trình của hộ gia đình; điểm trông, giữ xe có thu phí.

Dự thảo đề án này khi tiếp cận người dân đã không ít người phản đối vì ít nhiều "động chạm" vào quyền lợi kinh doanh vỉa hè, lòng đường mà họ đang "lấn chiếm" để sử dụng miễn phí. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia nhận định rằng, đề án này khi được triển khai sẽ góp phần không nhỏ trong việc xây dựng văn hóa, văn minh đô thị, góp phần làm đẹp cho bộ mặt thành phố.

Việc thu phí cũng sẽ khiến các hộ dân đang kinh doanh vỉa hè, lòng đường ý thức hơn từ các quy định trong đề án này. Việc thu phí cũng sẽ giúp ngân sách nhà nước có thêm kinh phí để duy tu, bảo dưỡng hạ tầng của lòng đường, vỉa hè…

Để đề án này vừa được đón nhận, thực thi, tạo sự công bằng, các cơ quan chức năng cần có những quy định cụ thể, rõ ràng đối với các hộ đang sử dụng lòng đường, vỉa hè để kinh doanh; các cơ quan chức năng trong quá trình triển khai cần khảo sát kỹ nhu cầu của người dân; cần tính kỹ đến việc giải quyết hài hòa lợi ích giữa trật tự kỷ cương trong quản lý đô thị và cuộc sống của nhiều người dân đang sử dụng vỉa hè như một "cần câu cơm" trong cuộc sống hằng ngày.

Các cơ quan cần quy hoạch các vị trí thích hợp để những người kinh doanh tự do có địa điểm kinh doanh buôn bán lâu dài thay vì cố gắng bám trụ, bất chấp các quy định, nguy cơ mất an toàn, mỹ quan đô thị để kiếm sống.