Hơn 10 năm gắn bó với đồng bào Ba Na ở địa bàn xã Kông Lơng Khơng, huyện Kbang (tỉnh Gia Lai), chị Trần Thị Bích Ngọc, cán bộ văn hóa xã không chỉ tích cực tuyên truyền người dân địa phương bảo tồn và phát triển nghề dệt thổ cẩm truyền thống của người Ba Na mà còn đồng hành với cộng đồng nâng cao năng lực, tạo những mẫu thiết kế mới có tính ứng dụng cao, phù hợp nhu cầu đời sống đương đại.
Là chủ nhiệm Dự án Bảo tồn và phát triển nghề dệt thổ cẩm Ba Na ở xã Kông Lơng Khơng, chị Ngọc đã vận động được các nghệ nhân cao tuổi trao truyền nghề cho chị em phụ nữ trong xã, khôi phục làng nghề trước nguy cơ bị mai một, đồng thời phát triển nhiều sản phẩm mới trên nền hoa văn thổ cẩm.
Khác biệt văn hóa, tiếng nói, thói quen sinh hoạt... khiến chị Ngọc gặp không ít khó khăn trong quá trình vận động người dân trong xã bảo tồn và phát triển nghề dệt thổ cẩm truyền thống của người Ba Na. Phong tục bản địa đặc sắc, văn hóa không bị lai tạp, đồng bào BaNa ở Kông Lơng Khơng có truyền thống tự trồng bông, thu hoạch, các công đoạn tách bông, se sợi, nhuộm sợi... đều làm thủ công.
Thêm nữa, người bản địa chỉ tự dệt vải, tự may quần áo cho người thân trong gia đình chứ chưa có sản phẩm thương mại. Quá trình chờ thu hoạch đến hoàn thiện thành phẩm kéo dài vài tháng, cho nên người dân trong làng còn duy trì nghề dệt thổ cẩm ít dần. Để thực hiện dự án bảo tồn nghề dệt song song với phát triển kinh tế ở một làng thuần nông, ngoài giờ hành chính, chị Ngọc lại xuống làng trò chuyện, vận động người dân, khuyến khích họ tận dụng thời gian rảnh ngày mùa làm thêm nghề dệt.
Thời gian đầu người dân chưa tin sản phẩm dệt có thể bán được, ngần ngại không muốn quay lại nghề bởi thời gian chờ thu hoạch, hoàn thiện thành phẩm quá lâu, giá thành sản phẩm cao, công xá không được bao nhiêu.
Để tạo niềm tin cho người dân, chị Ngọc thuyết phục những người thật sự quan tâm đến nghề dệt và những nghệ nhân nòng cốt trong làng. Sản phẩm đầu tiên được đưa ra thị trường là trang phục cách tân trên nền trang phục truyền thống để mọi người thuận tiện, dễ dàng sử dụng trong sinh hoạt hằng ngày.
Bên cạnh đó, chị Ngọc cùng người dân nghiên cứu, tập trung phát triển các hoa văn trên nền vải công nghiệp, tạo ra sản phẩm cách tân nhưng vẫn giữ được những nét đặc trưng truyền thống. Thấy những sản phẩm đầu tiên bán được, người dân bắt đầu tham gia, dựa vào nghề truyền thống để phục vụ khách du lịch và phát triển kinh tế gia đình.
Đến nay chị Ngọc và cộng sự đã xây dựng tài liệu về quy trình dệt thổ cẩm (dày 169 trang với 32 bài học), tổ chức các lớp dạy nghề dệt thổ cẩm do các nghệ nhân ưu tú của làng trực tiếp truyền dạy và phát triển sản phẩm mới dựa trên hoa văn thổ cẩm truyền thống. Hoa văn được lựa chọn thích hợp để thiết kế lên hoa tai, ví, túi xách, trang trí lên áo quần, áo gối, khăn bàn… phù hợp nhu cầu thị trường.
Thành công của dự án giúp người dân phát triển nghề dệt và nâng cao kinh tế gia đình. Người dân quay lại nghề dệt truyền thống ngày càng nhiều. Năm 2023, chị Ngọc đã hỗ trợ, hướng dẫn người dân địa phương xây dựng thương hiệu cho khăn quàng cổ Brưng, trở thành sản phẩm OCOP 3 sao của huyện Kbang.
Ở khu vực miền núi phía bắc, tour du lịch nhuộm chàm, dệt vải, vẽ sáp ong của Hợp tác xã Mường Hoa ở thôn Tả Van Dáy 2, xã Tả Van, thị xã Sa Pa (tỉnh Lào Cai) thu hút du khách trong và ngoài nước. Thực hiện Đề án phụ nữ khởi nghiệp từ năm 2018, chị Sùng Thị Lan (dân tộc H’Mông đen), thành lập Hợp tác xã Mường Hoa (với chín thành viên ban đầu) để sản xuất, phát triển các sản phẩm thổ cẩm, hoa văn, phụ kiện thêu tay vải dệt thủ công, tạo công ăn việc làm cho chị em người H’Mông đen và Dao đỏ.
Đến nay, sản phẩm và dịch vụ của Hợp tác xã Mường Hoa ngày càng đa dạng, cung cấp trải nghiệm văn hóa dân tộc Giáy, dân tộc H’Mông... cho du khách. Chị Sùng Thị Lan vừa giữ vai trò Chủ nhiệm Hợp tác xã Mường Hoa vừa là Chủ nhiệm Câu lạc bộ Phụ nữ khởi nghiệp vì sự phát triển cộng đồng thị xã Sa Pa.
Phụ nữ dân tộc Lự ở xã Bản Hon, huyện Tam Đường (Lai Châu) se sợi dệt vải thổ cẩm. (Ảnh NGUYỄN ĐĂNG) |
Là người con của núi rừng Sa Pa, chị Sùng Thị Lan cho biết: Với phương châm vừa gìn giữ nghề truyền thống, vừa phát triển sản phẩm gắn với phát triển du lịch cộng đồng để thu hút khách, Hợp tác xã Mường Hoa đã xây dựng các nhóm thổ cẩm, trồng lanh, dệt lanh, se sợi, dệt vải, tổ chức workshop đón khách về bản Tả Van. Nhưng việc thực hiện mô hình ngay nơi bản làng mình sinh ra với chị không phải không có những khó khăn, thách thức.
Người dân bản địa phần lớn sinh sống trên núi, ít có cơ hội giao lưu với đời sống thị trường, người dân lại hạn chế vì không biết tiếng phổ thông, phong tục tập quán còn lạc hậu... cho nên quá trình vận động người dân cùng tham gia phát triển sản phẩm không hề đơn giản. Người có tay nghề thêu thùa, nhuộm vải nhiều nhưng không biết chữ, hoặc người trẻ biết bán hàng lại không am hiểu về văn hóa bản địa.
Trong thời gian khó khăn do dịch Covid-19, chị Sùng Thị Lan vẫn bền bỉ xây dựng dẫn dắt các nhóm cộng đồng, và Hợp tác xã Mường Hoa đã quy tụ được những người trước đây bán hàng rong, đeo bám khách du lịch tham gia các nhóm thêu, dệt, sản xuất thổ cẩm… Từ đó, nhờ tạo việc làm và thu nhập ổn định, dần dần, nhóm thêu của Hợp tác xã Mường Hoa có hơn 300 thành viên. Sản phẩm chính là thổ cẩm được tái chế để bảo vệ môi trường. Nhóm đi thu gom hoa văn, phụ kiện, trang phục thủ công đã qua sử dụng mang về tái chế, giặt sạch, làm mới, thiết kế lại theo mẫu mã để đáp ứng nhu cầu thị trường.
Từ những sản phẩm cắt ghép hoa văn ngẫu hứng, không lựa chọn tông mầu phù hợp, tiếp nhận ý kiến đóng góp của du khách, hợp tác xã nghiên cứu xu hướng tiêu dùng, thị hiếu của người sử dụng, lựa chọn hoa văn đặc sắc thích hợp thiết kế sản phẩm có mẫu mã phù hợp, dễ ứng dụng và dễ bán. Dần dần, các sản phẩm và dịch vụ của hợp tác xã ngày càng mở rộng và đa dạng, tạo ấn tượng và sự ghi nhận trong cộng đồng địa phương và du khách.
Trải qua quá trình tự mày mò phát triển, hoàn thiện dần sản phẩm, hoạt động của Hợp tác xã Mường Hoa ngày càng đa dạng, tiếp cận được với du khách trong và ngoài nước, từ tổ chức workshop dạy vẽ sáp ong, nhuộm chàm, dệt vải đến hình thành chuỗi phục vụ cộng đồng trải nghiệm các hoạt động thủ công, homestay trải nghiệm văn hóa và ẩm thực bản địa… vừa phát triển sản phẩm đa dạng vừa tạo nên cộng đồng phụ nữ Sa Pa năng động...
Gìn giữ và trao nghề dệt thổ cẩm truyền thống, cùng chia sẻ ý tưởng làm mới các sản phẩm truyền thống mang bản sắc văn hóa là xu hướng đúng trong khai thác các giá trị bản địa, tạo nên sản phẩm thu hút du khách, đem lại sinh kế bền vững cho người dân địa phương.