Với 1.350 làng nghề, Hà Nội hiện đang chiếm hơn 30% tổng số làng nghề trên cả nước. Làng nghề vừa là nơi lưu giữ, tôn vinh những giá trị văn hóa truyền thống, vừa là những cơ sở kinh tế hết sức quan trọng. Trong các làng nghề nói chung, Hà Nội có số lượng lớn các làng chuyên sản xuất đồ thủ công mỹ nghệ, một trong sáu lĩnh vực công nghiệp văn hóa có thế mạnh mà thành phố ưu tiên phát triển trong giai đoạn từ nay đến năm 2025. Thống kê của Sở Công thương cho thấy, Hà Nội hiện có 308 làng nghề truyền thống.
Những làng nghề truyền thống sản xuất đồ thủ công mỹ nghệ đã nổi tiếng trong và ngoài nước lâu nay có thể kể đến gồm: Gốm sứ Bát Tràng (huyện Gia Lâm), mây tre đan Phú Vinh (huyện Chương Mỹ), sơn mài Hạ Thái (huyện Thường Tín), lụa Vạn Phúc (Hà Đông)… Chưa kể hàng chục làng chuyên sản xuất đồ gỗ mỹ nghệ nằm rải rác ở các huyện: Thạch Thất, Đông Anh, Thường Tín… Về giá trị sản xuất, hiện nay, thành phố có khoảng 100 làng nghề đạt doanh thu từ 10 tỷ đến 20 tỷ đồng/năm, gần 70 làng nghề đạt từ 20 tỷ đến 50 tỷ đồng/năm và khoảng 20 làng nghề đạt hơn 50 tỷ đồng/năm. Khối làng nghề tạo công ăn, việc làm cho khoảng 740 nghìn lao động.
Trong bối cảnh thành phố đang đẩy mạnh phát triển công nghiệp văn hóa, làng nghề đang đứng trước nhiều cơ hội để phát triển. Tuy nhiên, ngành thủ công mỹ nghệ tại Hà Nội đang gặp không ít thách thức. Trong số 1.350 làng nghề hiện có, chỉ có 207 làng nghề đang phát triển, 543 làng nghề đã bị mai một và hàng trăm làng nghề có dấu hiệu mai một. Những thách thức lớn nhất đối với làng nghề là khả năng tiếp cận thị trường, xây dựng thương hiệu, thiết kế sản phẩm. Việc áp dụng công nghệ mới trong sản xuất còn hạn chế, sản phẩm thiếu sự độc đáo.
Nhân lực làng nghề hiện nay cũng là “bài toán khó” khi một bộ phận thanh niên không gắn bó với nghề truyền thống. Đối với những làng nghề có tiềm năng phát triển du lịch thì mối liên kết giữa làng nghề với doanh nghiệp lữ hành còn yếu, nghệ nhân làng nghề chưa sẵn sàng với việc “làm” du lịch. Ngay ở Bát Tràng, một trong những làng nghề nổi tiếng nhất Việt Nam, Chủ tịch UBND xã Phạm Huy Khôi cho biết, không phải hộ gia đình nào cũng sẵn sàng làm du lịch. Nhiều hộ gia đình vốn quen với sản xuất, cho nên khi khách du lịch đến họ cảm thấy phiền hà.
Để khai thác giá trị làng nghề trong phát triển công nghiệp văn hóa, còn nhiều “nút thắt” cần phải gỡ. Một trong những mấu chốt của hoạt động làng nghề hiện nay là “nổi tiếng” nhưng lại không có thương hiệu. Tiến sĩ Nguyễn Thị Hạnh (Viện Văn hóa, nghệ thuật quốc gia Việt Nam) cho biết: “Trong bối cảnh của cơ chế thị trường, sức sản xuất và cạnh tranh lớn, mỗi sản phẩm làng nghề cần có một thương hiệu riêng.
Tuy nhiên, phần lớn các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất làng nghề chưa ý thức được tầm quan trọng của việc xây dựng và phát triển thương hiệu. Trước hết, cần nâng cao nhận thức của làng nghề, tạo sự liên kết giữa các hộ sản xuất trong làng nghề để xây dựng một thương hiệu chung. Cần xác định lựa chọn thị trường mục tiêu, định vị thương hiệu sản phẩm, tạo ra bản sắc thương hiệu cho sản phẩm thông qua đặt tên thương hiệu; biểu trưng và biểu tượng của thương hiệu; khẩu hiệu của thương hiệu”.
Đại diện Hiệp hội Làng nghề sơn mài Hạ Thái Đỗ Trọng Đoàn chia sẻ, vấn đề vốn là một trong những khó khăn lớn của các làng nghề. Hiện nay, mức vay ưu đãi dành cho doanh nghiệp làng nghề là quá ít, chỉ dao động từ 20 triệu đến 100 triệu đồng. Các cơ quan cần có chính sách hỗ trợ về các nguồn vốn vay ưu đãi với lãi suất thấp, hạn mức vay cao, đủ để bảo đảm xây dựng, phát triển kinh tế. Ngoài ra, thành phố cần hỗ trợ xây dựng trung tâm hoặc cửa hàng trưng bày giới thiệu sản phẩm tại làng nghề, các khu du lịch làng nghề của thành phố, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dễ tiếp cận và trao đổi thúc đẩy lưu thông hàng hóa.
Chủ tịch Hiệp hội Thủ công mỹ nghệ và làng nghề Hà Nội Hà Thị Vinh đề xuất: “Để tạo điều kiện cho các làng nghề phát triển bền vững, các thế hệ trẻ có cơ hội hành nghề làm giàu, gìn giữ và bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc, thành phố nên có chủ trương để các trường, trung tâm đào tạo nghề biên soạn các giáo trình cho học viên về môn thiết kế sản phẩm và các kỹ năng chuyên môn sâu về nghề cho từng dòng sản phẩm, động viên cho các con em đi học nghề nhằm phát triển nghề tại địa phương”.
GS, TS Từ Thị Loan (Viện Văn hóa, nghệ thuật quốc gia Việt Nam) cho rằng: “Chúng ta cần có một chiến lược dài hạn, triển khai các giải pháp đồng bộ, thiết thực và hiệu quả. Công việc này, bên cạnh sự nỗ lực, cố gắng của các cơ sở sản xuất, các làng nghề, sự tham gia của các hiệp hội, tổ chức nghề nghiệp, rất cần sự hỗ trợ, quản lý, điều tiết vĩ mô thống nhất, sự liên kết phối hợp giữa các ngành, cơ quan chức năng”.