Khai mạc triển lãm “Truyền thống hiếu học”

NDO - Sáng 31/8, tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam đã diễn ra lễ khai mạc triển lãm “Truyền thống hiếu học” nhân kỷ niệm 77 năm ngày Quốc khánh 2/9 và chào đón ngày khai trường.
0:00 / 0:00
0:00
Người xem tham quan triển lãm. (Ảnh: THỦY LÊ)
Người xem tham quan triển lãm. (Ảnh: THỦY LÊ)

Phát biểu tại lễ khai mạc, ông Nguyễn Anh Minh, Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam. chia sẻ: “Ngay sau ngày độc lập đầu tiên, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã luôn quan tâm đặc biệt đến công tác giáo dục. Ngày khai trường năm học mới đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa, Người đã gửi thư cho các em học sinh. Trong thư, Bác viết: “Non sông Việt Nam có trở nên vẻ vang hay không, dân tộc Việt Nam có được vẻ vang sánh vai với các cường quốc năm châu được hay không, chính là nhờ một phần lớn ở công học tập của các cháu”.

Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam nhấn mạnh: “Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng “Một dân tộc dốt là một dân tộc yếu”, vì vậy, để khuyến khích toàn dân học tập vào năm 1945, hưởng ứng lời kêu gọi của Người, phong trào bình dân học vụ với mục tiêu diệt giặc dốt, chống nạn mù chữ… là những bước đi đầu tiên, quan trọng, định hướng của Chính phủ lâm thời cho việc tiếp nối truyền thống học tập, không phân biệt lứa tuổi, dân tộc, vùng miền. Cũng từ đây, nhiều tác phẩm mỹ thuật đã thể hiện chân thực, sinh động truyền thống hiếu học của dân tộc và sự nghiệp phát triển giáo dục ở nước ta cho đến nay. Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam hy vọng triển lãm khơi dậy niềm tự hào về truyền thống hiếu học tốt đẹp của dân tộc, động viên thế hệ trẻ tiếp nối cha ông rèn luyện, phấn đấu để trở thành chủ nhân tương lai đích thực của đất nước…”

Khai mạc triển lãm “Truyền thống hiếu học” ảnh 1

Triển lãm gồm 50 tác phẩm trên nhiều chất liệu như sơn mài, sơn dầu, khắc gỗ, lụa, màu nước, thạch cao, gang… của nhiều thế hệ họa sĩ, sáng tác từ năm 1945 cho đến nay.

Các bức tranh trong triển lãm phản ánh nhiều giai đoạn của công cuộc “Diệt giặc dốt”, “Chống nạn mù chữ” mà Chủ tịch Hồ Chí Minh phát động ngay sau khi đất nước giành được độc lập. Đó là các tác phẩm trong giai đoạn đầu của cuộc chiến xóa mù chữ như “Lớp trung học đầu tiên” (Diệp Minh Châu), “Lớp học bình dân làng Bền” (Trần Văn Cẩn), “Bủ Đường biết đọc” (Tô Ngọc Vân), “Đi học bình dân” (Lê Công Thành)…

Trong những năm tháng chiến tranh, điều kiện học tập vô cùng khó khăn, nhưng những điều này cũng không ngăn cản được việc học của cả người lớn và trẻ nhỏ. Các tác phẩm “Lớp học miền núi” (Hoàng Đạo Khánh), “Lớp 5 dưới lòng đất” (Ngô Tôn Đệ), “Lớp học bổ túc ở Tây Nguyên” (Nguyễn Thế Vinh), “Giờ học văn hóa nữ du kích Củ Chi” (Đào Hữu Phước), “Giúp đỡ bạn (cõng bạn đi học)” (Đào Văn Can), “Đi học đêm” (Nguyễn Thế Minh)… đã cho thấy điều này.

Triển lãm “Truyền thống hiếu học” diễn ra đến hết ngày 11/9.