Con giống là cách gọi chung về đề tài các con vật trải dài trong lịch sử nghệ thuật Việt Nam. Đối với mỹ thuật truyền thống của người Việt, hình tượng con giống rất phong phú. Từ con chim lạc, con cóc trên mặt trống đồng Đông Sơn đến voi, cá, chim, gà trên gốm Lý-Trần; rồi lân, phượng, rồng, cá sấu trên gốm Chu Đậu... Hội họa hiện đại Việt Nam cũng có nhiều nghệ sĩ theo đuổi đề tài con giống như họa sĩ Nguyễn Tư Nghiêm, Nguyễn Sáng, Lê Ngọc Hân, Nguyễn Trọng Đoan… Nghệ sĩ Lê Đình Nguyên cả đời say mê trâu với hình thức điêu khắc động, đến mức được gắn với biệt danh “Nguyên trâu”. Nghệ sĩ Đinh Công Đạt thích tạo hình côn trùng, con sâu, cái kiến...
Tiếp nối dòng chảy ấy, nhóm nghệ sĩ lần này dù không chung thế hệ hay nơi sống nhưng đã gặp nhau ở đam mê với “Con giống”. Là đàn anh và cũng là người gợi ra ý tưởng thực hiện triển lãm, họa sĩ Lê Thiết Cương tham gia với hơn 10 tác phẩm điêu khắc con giống, chất liệu đồng và sắt, sáng tác trong hai năm 2020 và 2021, như anh khẳng định: “Chắc chắn vẫn là quan niệm nghệ thuật tối giản, dù là hội họa hay điêu khắc. Chắc chắn vẫn là quan niệm điêu khắc-mặt, mặt phẳng, diện. Lê Thiết Cương không thể làm gì khác ngoài làm tối giản”.
Còn nghệ sĩ Vũ Hữu Nhung là một người con của làng gốm sành Phù Lãng (huyện Quế Võ, Bắc Ninh), làng nghề cổ đã hàng trăm năm tuổi. Anh hiện là giảng viên ngành Điêu khắc, khoa Trang trí nội ngoại thất của trường Đại học Mỹ thuật công nghiệp. Các tác phẩm tại triển lãm lần này được sáng tác gần đây và cùng một đề tài ngựa, với chất liệu sở trường là sành Phù Lãng. Tác giả khai thác vốn dân gian từ những con ngựa gỗ, ngựa đá, ngựa gốm, ngựa giấy, đồng thời thêm bớt khéo léo khiến tác phẩm thấp thoáng yếu tố dân gian, nhưng vẫn hài hòa và mới lạ. Ở một số tác phẩm, con người được đưa vào gợi cảm giác sinh động, vui nhộn, no đủ. Cũng là khai thác truyền thống nhưng Vũ Hữu Nhung chỉ lấy chất liệu, kỹ thuật, lò bễ, than củi, men thuốc, đất, nước, lửa... còn tư duy tạo hình thì hoàn toàn hiện đại.
Là nghệ sĩ mới được giới thiệu, Lê Minh Trí trẻ nhất nhóm (sinh năm 1992), tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật công nghiệp. Đây là lần đầu anh “trình làng” bằng những tác phẩm trâu, bò, lợn, gà, và nhất là chó, con vật mà anh yêu thích. Đều bằng gỗ phủ sơn (acrylic trên gỗ) rồi vẽ thêm các họa tiết, các miếng màu, tương phản mạnh, xanh đỏ tím vàng, thành một kiểu điêu khắc pha hội họa, điêu khắc màu. Cách tạo hình, tạo khối không sa vào chi tiết mà theo kiểu gợi, khối chuyển êm, căng đầy.
Một gương mặt đáng chú ý nữa là Lê Ngọc Thuận, một nghệ sĩ “trẻ” đối với lĩnh vực điêu khắc mỹ thuật, nhưng đã là cái tên kỳ cựu được nhiều người biết với vai trò tiên phong và tích cực đóng góp cho du lịch xanh và bền vững ở thành phố Hội An (Quảng Nam). Anh đóng góp cho triển lãm loạt điêu khắc gỗ hình voi, rồng, trâu, gà trống… với nhiều kích cỡ. Các con giống mỗi con một dáng vẻ nhưng đều cùng một ý tưởng xuyên suốt: cách tạo hình hiện đại trên nền văn hóa truyền thống của người Cơ Tu (Tây Giang, Quảng Nam) - một dân tộc thiểu số có nghề điêu khắc gỗ và đan lát rất giỏi. Lê Ngọc Thuận cùng các nghệ nhân của làng mộc Kim Bồng (xã Cẩm Kim, thành phố Hội An) đã làm cho truyền thống điêu khắc gỗ của người Cơ Tu trở nên mới lạ, sống động. Một số tác phẩm của tác giả này được đẽo gọt từ củi lụt (gỗ trôi dạt trên sông Thu Bồn, Cửa Đại sau những trận bão lũ). Những cây gỗ ấy được tái sinh, sống tiếp một cuộc đời nữa và sống đẹp nhờ nghệ thuật.
Lê Ngọc Thuận cho biết, họa sĩ Lê Thiết Cương là người đã gợi ý cho anh đi sâu hơn vào văn hóa Cơ Tu. Công thức truyền thống cộng hiện đại ngày càng phổ biến, song không dễ để bắt chước hay chạy theo xu hướng nếu không có nền tảng văn hóa vững chắc để dựa vào. Mỗi tác phẩm kể một câu chuyện, gợi một suy tưởng, đó là cách nghệ thuật bắc cây cầu “nối” truyền thống với hiện đại.
Triển lãm “Con giống” diễn ra tại Hà Nội đến hết ngày 27/5, và sẽ tiếp tục ra mắt công chúng tại thành phố Hồ Chí Minh vào ngày 16/6, tại thành phố Hội An vào đầu tháng 7.