Phát biểu khai mạc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết phiên họp thứ 54 diễn ra trong một ngày. Tại phiên họp này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ tiến hành xem xét lần cuối công tác chuẩn bị cho kỳ họp thứ 11 của Quốc hội khóa XIV và cho ý kiến về một số nội dung: cho ý kiến về báo cáo tổng kết công tác nhiệm kỳ khóa XIV của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội; về công tác nhân sự; cho ý kiến về báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV; dự thảo báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân gửi đến kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIV.
“Tại kỳ họp tới chúng ta sẽ dành thời gian khá quan trọng để thực hiện công tác nhân sự, kiện toàn một số chức danh của Nhà nước. Do đó, công tác nhân sự cần được xem xét kỹ lưỡng, thận trọng, bảo đảm việc tiến hành tại kỳ họp được chặt chẽ, đúng quy trình và bảo đảm các thủ tục, đạt được sự đồng thuận cao của đại biểu Quốc hội”, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh.
Chủ tịch Quốc hội cho biết, các báo cáo công tác nhiệm kỳ đã được xin ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, các ủy ban của Quốc hội, các ban của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các đoàn đại biểu Quốc hội và các cơ quan hữu quan.
Tại phiên họp này, các báo cáo công tác nhiệm kỳ tiếp tục được Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, thảo luận để làm sâu sắc, toàn diện hơn, bảo đảm phản ánh đầy đủ, khách quan, trung thực những kết quả đạt được, những mặt còn hạn chế và đồng thời cũng làm nổi bật những đổi mới, những bài học kinh nghiệm của Quốc hội, của UBTVQH trong nhiệm kỳ khóa XIV, từ đó đưa ra những kiến nghị để chuyển giao cho nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV.
Ngay sau phiên khai mạc, dưới sự điều hành của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiến hành thảo luận, cho ý kiến về dự thảo báo cáo tổng kết công tác nhiệm kỳ khóa XIV của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Kịp thời giải quyết những vấn đề mới do thực tế đặt ra
Theo Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc, trong nhiệm kỳ khóa XIV, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nỗ lực thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được giao, triển khai khối lượng công việc lớn, nhiều nội dung quan trọng, bảo đảm chất lượng, có trọng tâm, trọng điểm với nhiều đổi mới trong tổ chức thực hiện, kịp thời giải quyết những vấn đề mới do thực tế đặt ra, góp phần quan trọng vào thành tựu chung trong hoạt động của Quốc hội.
Hoạt động lập pháp tiếp tục được chú trọng đổi mới, cải tiến về quy trình, thủ tục, nâng cao chất lượng hoạt động thẩm tra, tiếp thu, giải trình, góp phần nâng cao chất lượng dự án, dự thảo khi trình Quốc hội. Hoạt động giám sát ngày càng được tăng cường với nhiều đổi mới. Việc xem xét, quyết định các vấn đề kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước và các vấn đề quan trọng khác được thực hiện kịp thời, hiệu quả, mang tính toàn diện, giải quyết những vấn đề khó, phức tạp, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Các hoạt động đối ngoại được triển khai hiệu quả, chủ động, liên tục, nhất quán, có tính sáng tạo, đổi mới cao, để lại dấu ấn tốt đẹp, nâng cao vai trò và vị thế của đất nước. Công tác chỉ đạo, phối hợp hoạt động của Hội đồng Dân tộc, các ủy ban của Quốc hội được bảo đảm sự phối hợp nhịp nhàng giữa các cơ quan. Phương thức hoạt động, lề lối làm việc của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục được cải tiến, đổi mới.
Để đạt được những kết quả trên, tập thể và từng thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội luôn nêu cao ý thức trách nhiệm, tinh thần chủ động, đoàn kết và thống nhất, phát huy trí tuệ của tập thể và cá nhân, giữ vững nguyên tắc tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã không ngừng đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động phù hợp với tình hình mới. Bên cạnh đó, còn do sự lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư; tinh thần cộng đồng trách nhiệm của các cơ quan của Quốc hội, các Đoàn đại biểu Quốc hội, các vị đại biểu Quốc hội, sự phối hợp chặt chẽ, trách nhiệm của Chủ tịch nước, Chính phủ và các cơ quan, tổ chức hữu quan.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động của Ủy ban Thường vụ Quốc hội vẫn còn những hạn chế nhất định. Những hạn chế này xuất phát từ một số nguyên nhân chủ yếu như: trách nhiệm của một số Ủy ban trong việc tham gia thẩm tra một số dự án luật, pháp lệnh, nghị quyết chưa thực sự quyết liệt; việc chấp hành các bước trong thực hiện một số quy trình, thủ tục còn chưa nghiêm túc, đầy đủ, mang tính hình thức; chưa chú trọng, quan tâm thực sự về tính toàn diện khi đánh giá tác động chính sách, sự cần thiết ban hành, tính khả thi và khả năng dự báo của một số dự án; một số quy định pháp luật còn chồng chéo, nhận thức và thực thi pháp luật còn chưa thống nhất, khó thực hiện; hoạt động giám sát, nhất là giám sát văn bản quy phạm pháp luật chưa được quan tâm đúng mức; quy trình quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước có những điểm chưa phù hợp với điều kiện thực tế...
Phát huy mạnh mẽ tính dân chủ, có nhiều đổi mới
Sáng 15-3, phát biểu kết luận phiên thảo luận, cho ý kiến về dự thảo báo cáo công tác nhiệm kỳ khóa XIV của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết, về cơ bản các ý kiến đều thống nhất với dự thảo báo cáo, một số ý kiến đề nghị cần làm rõ thêm một số mặt, một số lĩnh vực để làm nổi bật những dấu ấn và thành tựu cũng như các bài học kinh nghiệm rút ra của nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV là nhiệm kỳ thành công và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao. Nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV cũng là nhiệm kỳ mà tính dân chủ được phát huy rất mạnh mẽ, bảo đảm dân chủ, kỷ cương theo quy định Hiến pháp và pháp luật.
"Chúng ta đã tạo điều kiện để các đại biểu tranh luận rất hay, tạo không khí hội trường rất cởi mở. Phản biện của đại biểu Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, những ý kiến phân tích rất sâu sắc đáp ứng được sự mong mỏi và nguyện vọng nhân dân, nhất là những vấn đề mà cử tri và nhân dân quan tâm”, Chủ tịch Quốc hội cho biết.
Nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV có những sự đổi mới, điển hình như việc tổ chức hai kỳ họp kết hợp giữa họp tập trung và họp trực tuyến trong bối cảnh dịch Covid-19, bảo đảm chất lượng, và nhận được sự hưởng ứng của đa số đại biểu Quốc hội.