Khai mạc phiên họp thứ 52 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội

NDO -

Sáng 11-1, tại Nhà Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội khai mạc phiên họp thứ 52 dưới sự chủ trì của đồng chí Nguyễn Thị Kim Ngân, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội. Đây là phiên họp đầu tiên trong năm mới 2021, dự kiến diễn ra trong hai ngày.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu khai mạc phiên họp. Ảnh: QUANG KHÁNH
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu khai mạc phiên họp. Ảnh: QUANG KHÁNH

Cùng dự phiên khai mạc có Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh, các đồng chí Phó Chủ tịch Quốc hội, Bộ trưởng Nội vụ Lê Vĩnh Tân, các đồng chí Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đại diện Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, lãnh đạo Văn phòng Quốc hội; lãnh đạo Ban Dân vận Trung ương, MTTQ Việt Nam, Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam, Hội Phụ nữ Việt Nam, đại diện các bộ: Công an, Quốc phòng, Tư pháp và một số cơ quan Trung ương.

Phát biểu khai mạc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết đây là phiên họp đầu tiên của Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong năm mới 2021, dự kiến diễn ra trong hai ngày.

Với tinh thần vui tươi đầu năm mới và đón chào Đại hội Đảng lần thứ 13, nhất là sau khi tổ chức nhiều hoạt động thiết thực kỷ niệm 75 năm Ngày Tổng tuyển cử đầu tiên để bầu ra Quốc hội Việt Nam, Chủ tịch Quốc hội gửi tới toàn thể các đồng chí tham dự phiên họp lời chào trân trọng và lời chúc mừng tốt đẹp nhất nhân dịp đầu năm mới.

Về chương trình cụ thể, Chủ tịch Quốc hội cho biết, tại phiên họp này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ tập trung cho ý kiến về các nội dung sau.

Thứ nhất, tiếp tục cho ý kiến về công tác chuẩn bị bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và bầu đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026.

Thứ hai, cho ý kiến về các dự thảo báo cáo tổng kết công tác nhiệm kỳ 2016-2021 của Chủ tịch nước, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao và Kiểm toán nhà nước. Đây là những cơ quan do Quốc hội bầu ra.

Thứ ba, cho ý kiến về việc chuyển đổi phương thức đầu tư đối với một số dự án thành phần trên tuyến cao tốc bắc – nam phía đông giai đoạn 2017-2020.

“Vừa rồi chúng ta đã chuyển ba dự án thành phần, đến nay sau khi có kết quả đấu thầu tuyển chọn thì Chính phủ sẽ xem xét trình những dự án mới để có thể sớm hoàn thành tuyến đường cao tốc bắc – nam. Đây là một trong hai công trình trọng điểm quốc gia”, Chủ tịch Quốc hội cho biết thêm.

Khai mạc phiên họp thứ 52 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội -0
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân. Ảnh: QUANG KHÁNH 

Bên cạnh đó, tại phiên họp lần này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng cho ý kiến về phương án xử lý tài chính cho Tập đoàn Dầu khí Việt Nam khi thanh toán khoản bù giá trong bao tiêu sản phẩm của Dự án liên hợp Lọc hóa dầu Nghi Sơn theo cam kết của Chính phủ Việt Nam.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng nghe Chính phủ báo cáo về việc áp dụng khoản 22 Điều 4 của Luật Đầu tư công số 39/2019/QH14.

Nội dung thứ tư, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ xem xét phê chuẩn quyết định của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao về việc thành lập Phòng giám định kỹ thuật hình sự thuộc Viện Kiểm sát nhân dân tối cao; Xem xét, quyết định việc điều chỉnh địa giới hành chính của một số đơn vị hành chính cấp xã đối với bốn tỉnh là: Đắk Nông, Bình Định, Bắc Ninh và Hòa Bình.

Chủ tịch Quốc hội ghi nhận, trong thời gian này mặc dù vừa phải tập trung cho việc tổng kết, đánh giá công tác cuối năm, vừa phải tiến hành chuẩn bị cho các sự kiện quan trọng của đất nước trong năm 2021, nhưng về cơ bản các cơ quan đã rất tích cực, khẩn trương để hoàn thành các nội dung trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp lần này.

Ngay sau phiên khai mạc, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiến hành cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết liên tịch hướng dẫn quy trình hiệp thương, giới thiệu người ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV, đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 và xem xét, thông qua hai Nghị quyết:

(1) Quy định chi tiết, hướng dẫn việc tổ chức hội nghị cử tri; việc giới thiệu người ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân cấp xã ở thôn, tổ dân phố; việc hiệp thương, giới thiệu người ứng cử, lập danh sách người ứng cử đại biểu Quốc hội, ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân trong bầu cử bổ sung;

(2) Hướng dẫn việc xác định dự kiến cơ cấu, thành phần, phân bổ số lượng người được giới thiệu ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp.