Với chủ đề “Bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Mông - Bình đẳng, đoàn kết, hội nhập và phát triển”; Ngày hội văn hóa dân tộc Mông toàn quốc lần thứ III là hoạt động văn hóa có ý nghĩa thiết thực nhằm cụ thể hóa các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, thể hiện sự quan tâm, chăm lo của các cấp, ngành đến đời sống tinh thần của đồng bào dân tộc Mông.
Theo Ban Tổ chức ngày hội sẽ đem đến giá trị tinh thần lan tỏa tích cực, tôn vinh sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc và không chỉ là niềm vui của đồng bào dân tộc Mông mà còn là niềm vui chung của các dân tộc trong cả nước.
Ngày hội văn hóa dân tộc Mông toàn quốc lần này thu hút sự tham gia của gần 3.000 khách mời, nghệ nhân, nghệ sĩ, diễn viên, vận động viên quần chúng, đồng bào dân tộc Mông đến từ 11 tỉnh gồm: Lai Châu, Lào Cai, Hà Giang, Yên Bái, Tuyên Quang, Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Điện Biên, Đắk Lắk, Thanh Hóa và sự tham gia phối hợp tổ chức của các cơ quan, ban, ngành Trung ương.
Ngày hội Văn hóa Dân tộc Mông lần thứ III gồm hai phần: phần lễ và phần hội. Trong đó, phần hội với nhiều hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch đặc sắc như: Liên hoan văn nghệ quần chúng; trình diễn trang phục dân tộc Mông; trình diễn, giới thiệu trích đoạn lễ hội, nghi thức sinh hoạt văn hóa, các trò chơi dân gian của dân tộc Mông; thi giã bánh giầy, các trò chơi dân gian truyền thống…
Trong khuôn khổ Ngày hội, tỉnh Lai Châu còn tổ chức nhiều hoạt động như khảo sát du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái tại tỉnh Lai Châu; tọa đàm “Đánh giá các sản phẩm du lịch của Lai Châu và trao đổi kinh nghiệm, đề xuất giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, cải thiện môi trường du lịch, thu hút các doanh nghiệp lữ hành đưa khách đến Lai Châu…
Phát biểu tại Ngày hội, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến đề nghị các cấp ủy đảng, chính quyền, đồng bào, các dân tộc nói chung và dân tộc Mông nói riêng coi việc giữ gìn bảo tồn phát huy bản sắc văn hóa dân tộc là yếu tố tự thân, mình giữ cho mình, Nhà nước và xã hội giúp đỡ chứ không thể làm thay được.
Vì đồng bào vừa là chủ thể sáng tạo ra các loại hình nghệ thuật dân gian đặc sắc của dân tộc mình, vừa là người thụ hưởng; văn hóa có tính cộng đồng nên đồng bào các dân tộc phải cùng nhau giữ gìn thì mới có kết quả tốt, đồng chí Đỗ Văn Chiến nêu rõ.
Bên cạnh đó, đồng chí Đỗ Văn Chiến cũng đề nghị các địa phương, đồng bào quán triệt sâu sắc thực hiện hiệu quả hơn nữa Nghị quyết 128 của Chính phủ về ban hành quy định tạm thời thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 và thực hiện tốt công tác an sinh xã hội, nhất là dịp Tết Nguyên đán.
Ngày hội Văn hóa dân tộc Mông toàn quốc lần thứ III năm 2021 diễn ra đến hết ngày 26/12 tại thành phố Lai Châu, huyện Tam Đường và Phong Thổ, tỉnh Lai Châu.
Trong ngày đầu tiên của ngày hội (24/12), đã diễn ra một số hoạt động của ngày hội như thi giã bánh dày, trình diễn, giới thiệu trích đoạn lễ hội, nghi thức sinh hoạt văn hóa dân tộc Mông; Festival dù lượn…