Khai mạc Ngày hội trái cây tỉnh Hậu Giang lần thứ 1 năm 2020

NDO -

Ngày 5-11, tỉnh Hậu Giang phối hợp Viện cây ăn quả miền nam tổ chức Ngày hội trái cây tỉnh Hậu Giang lần thứ 1 năm 2020. Đây là sự kiện nằm trong chuỗi hoạt động của giải Marathon quốc tế "Mekong Delta Marathon" Hậu Giang năm 2020, diễn ra vào ngày 8-11 tới.

Nhiều gian hàng trái cây ngon, độc, lạ được trưng bày tại Ngày hội.
Nhiều gian hàng trái cây ngon, độc, lạ được trưng bày tại Ngày hội.

Ngày hội trái cây tỉnh Hậu Giang với nhiều hoạt động văn hóa đa dạng, như: Trưng bày khu triển lãm trái cây và nông sản Hâu Giang; Hội thi trái cây ngon an toàn và thi đấu xảo - trưng bày trái cây đẹp, độc, lạ…

Trong thời gian diễn ra Ngày hội (từ nay đến ngày 8-11), khách tham quan sẽ cùng tham gia các hoạt động văn hóa, thưởng ngoạn các vườn cây ăn trái, thưởng thức các loại trái ngọt, thơm ngon đặc sản được thiên nhiên đặc biệt ưu đãi cho vùng đất Hậu Giang.

Đây thật sự là hoạt động bổ ích, không chỉ có ý nghĩa như một ngày hội, mà còn là một không gian năng động để giao lưu, học hỏi, chia sẻ và hợp tác kết nối chuỗi cung cầu giữa các doanh nghiệp, thương nhân phân phối, các hợp tác xã, các nhà vườn trong và ngoài tỉnh.

Khai mạc Ngày hội trái cây tỉnh Hậu Giang lần thứ 1 năm 2020 -0
 Khách tham quan các loại trái cây đặc sản của tỉnh.

Thông qua ngày hội trái cây tỉnh Hậu Giang lần này cũng nhằm tôn vinh thành quả lao động của bà con nông dân. Đồng thời, quảng bá, giới thiệu các loại trái cây đặc sản thơm ngon, chất lượng được trồng theo quy trình VietGap, an toàn sinh học cùng các sản phẩm du lịch đặc trưng của Hậu Giang đến với đông đảo người tiêu dùng và du khách trong và ngoài nước.

Theo Giám đốc Sở NN và PTNT Hậu Giang, Trần Chí Hùng, toàn tỉnh có hơn 41 nghìn héc-ta vườn cây ăn trái. Thời gian qua, tỉnh rất chú trọng đào tạo nguồn nhân lực và chuyển giao tiến bộ kho học kỹ thuật. Đến nay, đã có hơn 70% nông dân được đào tạo, tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật về sản xuất nông nghiệp; có 15% diện tích cây ăn trái sản xuất theo tiêu chuẩn GAP; khoảng 80% diện tích sản xuất theo hướng an toàn vệ sinh thực phẩm; sản xuất có liên kết bao tiêu gần 30 nghìn héc-ta lúa và cây ăn trái các loại. dã xây dựng được 13 nhãn hiệu nông sản của tỉnh, các nông sản được đăng ký cấp mã số vùng trồng… các nông sản đang được sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, sản xuất an toàn vệ sinh thực phẩm cung cấp thị trường trong nước và hướng đến xuất khẩu.

Trong thời gian tới, Giám đốc Sở NN và PTNT Hậu Giang, Trần Chí Hùng cho biết: Hậu Giang sẽ tập trung đẩy mạnh ứng dụng các tiến bộ khoa học, kỹ thuật mới vào sản xuất, nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị nông sản, góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập cho nông dân. Luôn coi trọng việc xây dựng và phát triển thương hiệu, mở rộng thị trường, thông qua các chương trình xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu, tạo điều kiện tiêu thụ các sản phẩm nông sản của tỉnh. Tăng cường chế biến sâu các sản phẩm trái cây, gia tăng giá trị sản xuất, tăng khối lượng và giá trị xuất khẩu. Xây dựng thương hiệu, chỉ dẫn địa lý, chứng nhận bảo hộ độc quyền thương hiệu gắn với truy xuất nguồn gốc hàng hóa cho các loại trái cây trên địa bàn.

“Hậu Giang luôn trân trọng mời gọi và sẵn sàng chào đón, tạo mọi điều kiện thuận lợi đối với các nhà đầu tư đến hợp tác, đầu tư sản xuất, tiêu thụ, xây dựng chuỗi giá trị cho các loại trái cây và các sản phẩm nông sản chủ lực của tỉnh”, ông Trần Chí Hùng cho biết thêm.