Thủ tướng Đức Olaf Scholz cùng phu nhân đã chào đón lãnh đạo cùng phu nhân các nước còn lại trong Nhóm G7 (ngoài Đức còn có Anh, Pháp, Italia, Nhật Bản, Canada và Mỹ) cũng như Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen và Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel theo nghi thức lễ tân, sau đó 9 nhà lãnh đạo đã vào bàn hội đàm kín.
Chủ đề chính trong ngày đầu tiên của hội nghị G7 là tình hình kinh tế thế giới, trong đó các nhà lãnh đạo sẽ thảo luận nhằm tìm kiếm cách thức phản ứng chung đối với vấn đề lạm phát và mối đe dọa suy thoái. Về vấn đề bảo vệ khí hậu, Hội nghị thượng đỉnh G7 sẽ thảo luận về đề xuất hình thành một câu lạc bộ khí hậu cho tất cả những quốc gia đặt mục tiêu trung hòa carbon vào giữa thế kỷ này.
Ngoài ra, theo chương trình cập nhật, các nhà lãnh đạo G7 cũng sẽ thảo luận việc tăng cường đối tác về cơ sở hạ tầng và đầu tư. Chủ đề lớn cuối ngày họp đầu tiên sẽ là chính sách đối ngoại và an ninh, trong đó các lãnh đạo G7 sẽ thảo luận cách thức điều phối các vấn đề liên quan tới chính sách đối ngoại và an ninh, cũng như gia tăng sức ép với Nga liên quan cuộc khủng hoảng Ukraine.
Dư luận đánh giá cuộc xung đột Nga-Ukraine sẽ là một trong những chủ đề nổi bật tại Hội nghị thượng đỉnh G7 lần thứ 48 này. Cuộc khủng hoảng năng lượng, nguy cơ xảy ra nạn đói ở các khu vực, đặc biệt tại Đông Phi, cũng như vấn đề bảo vệ khí hậu sẽ là những nội dung chi phối hội nghị.
Đây là lần thứ hai lâu đài Elmau được chọn làm nơi tổ chức Hội nghị thượng đỉnh G7 (trước đó là vào năm 2015) và là lần thứ 7 kể từ năm 1975, Đức đóng vai trò chủ nhà của hội nghị quan trọng này.
Hội nghị thượng đỉnh của G7 diễn ra thường niên và do nước giữ chức Chủ tịch luân phiên G7 năm đó tổ chức, do vậy vai trò của quốc gia chủ tịch rất được coi trọng, đặc biệt trong việc lập chương trình nghị sự của hội nghị.
Khi giữ vai trò chủ tịch G7 đầu năm nay, Đức đã đặt mục tiêu đạt "Tiến bộ vì một thế giới công bằng". Đức cũng muốn "củng cố vai của G7 với tư cách là cầu nối và trung gian hòa giải cho hòa bình và an ninh".