Phát biểu khai mạc sự kiện, Tổng Lãnh sự Nguyễn Thành Văn cho rằng, những năm qua, mặc dù gặp nhiều khó khăn, thách thức, đặc biệt là sự bùng phát của đại dịch Covid-19, nhưng quan hệ Việt Nam-Campuchia vẫn tiếp tục phát triển trên tất cả các lĩnh vực, mang lại lợi ích thiết thực cho nhân dân hai nước, trong đó có 7 tỉnh khu vực tây bắc Campuchia.
“Hiện nay, quan hệ hợp tác giữa các doanh nghiệp thuộc khu vực tây bắc Campuchia với các đối tác Việt Nam chưa nhiều. Chính vì vậy, diễn đàn hôm nay là cơ hội để các doanh nghiệp hai bên giới thiệu về tiềm năng, thế mạnh và nhu cầu của mình, đồng thời cùng nhau trao đổi sâu hơn để có các hoạt động hợp tác, kinh doanh thiết thực và hiệu quả”, ông Nguyễn Thành Văn nhấn mạnh.
Tổng Lãnh sự Nguyễn Thành Văn phát biểu tại sự kiện. (Ảnh: NGUYỄN HIỆP) |
Đại diện 10 doanh nghiệp đến từ Thủ đô Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cùng 40 công ty trên địa bàn 7 tỉnh khu vực tây bắc Campuchia đã thảo luận trực tiếp theo 4 nhóm: năng lượng, vật liệu xây dựng, du lịch-dịch vụ y tế và nông nghiệp.
Bà Phạm Thị Bích Ngọc, Giám đốc Công ty Nam Phương Xanh, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, chia sẻ, việc doanh nghiệp tham dự diễn đàn để tìm kiếm đối tác kinh doanh rất hữu ích. Thông qua sự hỗ trợ, kết nối của Tổng Lãnh sự quán, đây là lần thứ tư trong năm nay bà có cơ hội gặp gỡ, tiếp xúc trực tiếp với các doanh nghiệp vùng tây bắc Campuchia.
Trong khi đó, Phó Chủ tịch Phòng Thương mại Campuchia Phou Veasna khẳng định, diễn đàn là cơ hội để các doanh nghiệp ở khu vực tây bắc Campuchia tiếp xúc với các doanh nghiệp Việt Nam nhằm mở rộng hợp tác kinh doanh giữa hai bên, đặc biệt là trong lĩnh vực sản xuất, chế biến và tiêu thụ nông sản như lúa, sắn, hạt điều...
Khu vực tây bắc Campuchia có 7 tỉnh, gồm Banteay Meanchey, Battambang, Oddar Meanchey, Pailin, Preah Vihear, Pursat và Siem Reap, với diện tích hơn 60.000km2 (chiếm khoảng 1/3 diện tích toàn quốc), dân số khoảng 4,2 triệu người (chiếm gần 1/4 tổng dân số Campuchia).
Đây là địa bàn có tiềm năng lớn về nông-lâm nghiệp, du lịch và thương mại. Ngoài thế mạnh về đất đai phì nhiêu, độ bao phủ rừng lớn, nơi đây có những danh lam thắng cảnh, như quần thể Đền Angkor, Đền Preah Vihear, một phần Biển Hồ cùng một số cửa khẩu quốc tế với nước láng giềng Thái Lan.
Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam-Campuchia khu vực tây bắc Campuchia là một hoạt động thường niên của Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại Battambang. Đây là năm thứ hai diễn đàn được tổ chức trở lại sau khi đại dịch Covid-19 tại Campuchia được khống chế.
Các đại biểu thảo luận trực tiếp theo nhóm để tìm biện pháp hợp tác hiệu quả. (Ảnh: NGUYỄN HIỆP) |
Theo Ban Tổ chức, tiếp theo hoạt động thảo luận, các đại diện doanh nghiệp Việt Nam được hướng dẫn đi khảo sát thực tế ở các cơ sở kinh tế trọng điểm thuộc tỉnh Battambang. Dự kiến, sẽ có một số thỏa thuận hợp tác được ký kết giữa các doanh nghiệp.
Thời gian qua, quan hệ kinh tế, thương mại giữa Việt Nam và Campuchia có những bước tăng trưởng mạnh mẽ, đạt hơn 9,5 tỷ USD trong năm 2021 (tăng 79,14% so mức năm 2020); đạt gần 10,58 tỷ USD trong năm 2022 (tăng gần 11% so mức năm 2021).
Theo Thương vụ Việt Nam tại Campuchia, trong 10 tháng từ đầu năm nay, giá trị xuất nhập khẩu hàng hóa giữa hai nước đạt hơn 7 tỷ USD. Con số này có giảm so mức cùng kỳ năm trước do hoạt động kinh tế toàn cầu chịu nhiều tác động tiêu cực sau đại dịch và do xung đột ở một số khu vực.
Đến nay, Việt Nam có 205 dự án đầu tư còn hiệu lực ở Campuchia với tổng số vốn đăng ký khoảng 2,94 tỷ USD, đứng đầu ASEAN và trong nhóm 5 nước có đầu tư trực tiếp lớn nhất tại Campuchia.